1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Loạn giá máy xét nghiệm Covid-19: 8 tỷ hay 2 tỷ đồng?

(Dân trí) - Sau khi C03 (Bộ Công an) khởi tố nhiều đối tượng vì sai phạm trong mua bán máy xét nghiệm Covid-19, nhiều địa phương đã có "giải trình" về việc mua sắm thiết bị này với nhiều mức giá khá "loạn".

Ngày 22/4 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), Bộ Công an đã khởi tố và bắt tạm giam ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội và 6 đồng phạm để điều tra về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" trong việc mua sắm trang thiết bị để phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.

Bước đầu, C03 xác định các bị can đã câu kết với nhau để mua hệ thống Realtime PCR tự động - xét nghiệm Covid-19 với giá 7 tỷ đồng, trong khi giá nhập khẩu chỉ khoảng 2,3 tỷ đồng.

Từ vụ việc gây sốc trên, dần lộ ra nhiều địa phương cũng mua hệ thống Realtime PCR tự động - xét nghiệm Covid-19 với giá tương tự CDC Hà Nội, thậm chí còn cao hơn nhiều.

Những địa phương này sau đó đã có giải thích về câu chuyện "mua thiết bị y tế giá trên trời" này.

Tại Quảng Nam, ngày 24/3, tỉnh này có quyết định về việc phân bổ dự toán chi ngân sách cho Sở Y tế số tiền 7,56 tỷ đồng để mua sắm hệ thống xét nghiệm Realtime PCR tự động, hình thức lựa chọn nhà thầu là “chỉ định thầu rút gọn”.

Trao đổi với báo chí về việc mua máy Realtime PCR, ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch tỉnh Quảng Nam cho hay, theo tờ trình của Sở Y tế với khảo sát giá thị trường thời điểm đó là 7,56 tỷ đồng, được Sở Tài chính thẩm tra, thống nhất và trình UBND tỉnh phân bổ mức đó. Còn giá 7,2 tỷ đồng là giá mà Sở Y tế thương thảo ký hợp đồng chính thức.

Còn tại Thái Bình, trong quyết định phê duyệt lựa chọn nhà thầu cung cấp thiết bị y tế chống dịch Covid-19 của Sở Y tế tỉnh Thái Bình vào cuối tháng 3/2020, số tiền trúng thầu hệ thống máy Realtime PCR tự động là 6,48 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau đó, số tiền trên đã được đàm phán xuống còn 5,8 tỷ đồng.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, lãnh đạo Sở Y tế Thái Bình giải thích, việc đàm phán giá được thực hiện trước thời điểm xảy ra sự việc ở CDC Hà Nội.

Vị lãnh đạo Sở Y tế Thái Bình nói thêm: “Giá mua thiết bị này là 5,2 tỷ đồng, kèm theo 1.300 bộ xét nghiệm trị giá 600 triệu đồng mới là 5,8 tỷ đồng. Ngoài ra còn quyền lợi bảo hành. Bình thường hệ thống này chỉ bảo hành 1 năm, nhưng chúng tôi đã đàm phán được bảo hành thêm 4 năm nữa. Hai năm đầu chi phí bảo hành là 200 triệu, những năm tiếp theo giá trị bảo hành sẽ trị giá 5% hợp đồng”.

Cũng liên quan đến lùm xùm máy xét nghiệm Covid-19, có thông tin cho rằng tỉnh Quảng Ninh đã mua hệ thống máy Realtime PCR với giá hơn 8 tỷ đồng. Tuy nhiên tỉnh này đã lập tức lên tiếng phản bác, cho rằng đó là thông tin không chính xác.

Trao đổi với phóng viên Dân trí sáng 24/4, một lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh khẳng định, không có việc tỉnh mua máy xét nghiệm Covid-19 với giá cao gấp nhiều lần giá thực tế. Tuy nhiên tỉnh cũng đã chỉ đạo rà soát và giao thanh tra tỉnh thanh tra toàn bộ việc mua sắm trang thiết bị từ nguồn ngân sách chống dịch.

Loạn giá máy xét nghiệm Covid-19: 8 tỷ hay 2 tỷ đồng? - 1

Hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR phòng chống Covid-19 tại BV Bệnh Nhiệt Đới TPHCM. (Ảnh: Nguyễn Quang).

Máy xét nghiệm "0 đồng"?

Trong khi nhiều nơi bỏ ra tiền tỷ để mua máy xét nghiệm Covid-19 thì một số địa phương đang cho rằng đã tiết kiệm được tiền ngân sách khi tận dụng máy cũ hoặc đi mượn máy.

Mới đây bà Phạm Thu Xanh - Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng - cho biết, ngày 20/4, Sở có báo cáo gửi UBND thành phố và Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế), theo đó Sở chưa thực hiện mua sắm hệ thống máy Realtime PCR tự động phục vụ công tác xét nghiệm.

Cụ thể, dù ngày 6/3, UBND thành phố Hải Phòng đã ban hành quyết định về việc phân bổ kinh phí mua sắm hệ thống máy xét nghiệm tự động chẩn đoán virus Corona chủng mới. Nhưng theo Sở Y tế, ngày 30/3, Sở đã có văn bản gửi một doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ mượn 1 hệ thống thiết bị Realtime RT PCR và đã được doanh nghiệp đồng ý.

Theo đó, lãnh đạo Sở Y tế Hải Phòng khẳng định, hệ thống thiết bị Realtime RT PCR mà Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Hải Phòng đang sử dụng là mượn của doanh nghiệp.

Tương tự, tại Lào Cai, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Sửu, Giám đốc CDC tỉnh Lào Cai cho biết, toàn bộ hệ thống máy móc xét nghiệm Covid-19 mà tỉnh đang sử dụng, thậm chí cả hóa chất, sinh phẩm, đều đang được các doanh nghiệp chia sẻ và hỗ trợ. 

Cụ thể, một doanh nghiệp cho tỉnh Lào Cai mượn 1 máy xét nghiệm Covid-19 công nghệ Realtime PCR; một doanh nghiệp khác hỗ trợ tỉnh hệ thống gồm máy xét nghiệm khẳng định Covid-19 công nghệ Realtime PCR và máy tách chiết, với tổng trị giá 3,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, do máy xét nghiệm này chưa nằm trong danh mục được công nhận đạt chuẩn nên Lào Cai chỉ đang dùng với mục đích sàng lọc mẫu.

Lãnh đạo Sở Y tế Lào Cai cho biết, đơn vị đã tính đến việc mua máy mới nhưng qua bàn bạc chưa thống nhất nên tạm dừng.

Còn tại tỉnh Hải Dương, trao đổi với phóng viên Dân trí, lãnh đạo Sở Y tế cho biết, địa phương này không nhập máy mới mà tận dụng và nâng cấp hệ thống máy xét nghiệm virus HIV, viêm gan A, B... để tìm virus Corona chủng mới (Covid-19).

Bộ Y tế vừa có công văn lần 2 yêu cầu các đơn vị báo cáo kết quả mua sắm hệ thống máy Realtime PCR tự động phục vụ công tác xét nghiệm. Báo cáo của các đơn vị đề nghị gửi khẩn về Vụ Kế hoạch-Tài chính, Bộ Y tế trước ngày 28/4.

Nguyễn Dương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm