Loạn giá gửi xe: “Phải quy trách nhiệm triệt để hơn”
(Dân trí) - Đó là quan điểm của Tiến sĩ Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam. Theo ông Tuấn, Nhà nước phải xử lý kiên quyết và chịu trách nhiệm về hiệu quả quản lý của mình, người dân phải đấu tranh với việc nâng giá.
Trao đổi với Dân trí, ông Tuấn cho biết bản thân ông đã nhiều lần gửi xe bị thu với giá cao, đặc biệt khi vào chăm sóc người nhà tại các bệnh viện…
Là cơ quan đại diện cho người tiêu dùng Việt Nam, ông nhìn nhận thế nào về tình trạng các điểm giữ xe thu cao hơn giá quy định của nhà nước, thậm chí là hơn nhiều lần?
Những điểm trông giữ xe này đã vi phạm điều cấm quy định tại điểm 3, Điều 10 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đó là, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lợi dụng khó khăn của người tiêu dùng không có nơi để xe an toàn để ép giao dịch thu với mức giáo cao hơn quy định.
Tiến sĩ Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam
Vào mỗi dịp cao điểm, các Thành phố cũng có sự ra quân kiểm tra, xử lý các điểm giữ xe “thổi giá”. Kết quả thu được của việc làm này là lập biên bản, phạt được một vài điểm giữ xe nhưng thời gian sau mọi thứ lại đâu vào đấy. Liệu cách làm như hiện nay có phải là việc làm cho có, làm lấy lệ?
Luật Bảo vệ người tiêu dùng nói rõ, chính sách nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là triển khai thường xuyên, đồng bộ các biện pháp quản lý, giám sát việc tuân thủ pháp luật của tổ chức, cả nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ.
Việc giá trông giữ xe vẫn không được tuân thủ thể hiện các biện pháp thực thi quản lý không có hiệu quả, không thường xuyên, không đồng bộ.
Thời gian tới cần quy trách nhiệm rõ ràng hơn và phải xử lý triệt để hơn, thưa ông?
Cần tăng cường hơn nữa trách nhiệm của cơ quan quản lý. Nếu mô hình quản lý hiện thời mãi không hiệu quả nên thay đổi và quy trách nhiệm rõ ràng hơn, triệt để hơn.
Nếu không xử lý nghiêm, trước tiên là gây tổn hại đến người tiêu dùng, đến trật tự xã hội, đến tính nghiêm minh của kỷ cương nhà nước với một biểu hiện rất cụ thể là giá trông giữ xe không được tuân thủ.
Có người quản lý từng cho rằng chính người dân“tiếp tay” cho việc thu quá giá quy định của Thành phố vì họ không phản ứng hoặc phản ứng quá yếu ớt mỗi khi bị thu quá giá quy định. Ông đánh giá thế nào?
"Người tiêu dùng cần phải lên tiếng đấu tranh với các hành vi nâng giá"
Tôi đã nhiều lần bị thu với giá cao, đặc biệt khi vào chăm sóc người nhà tại các bệnh viện. Mỗi lần như vậy tôi thường đề nghị xem lại các quy định về giá trông giữ xe. Nhưng cũng có khi không thể nào làm khác hơn là phải thanh toán theo ý họ.
Về việc người gửi xe bị thu quá giá Hội đã bao giờ lên tiếng chưa và theo ông, liệu người dân có bị “đơn độc” trong việc này?
Hội đã từng lên tiếng vế giá cả hàng hoá và dịch vụ, song về trông giữ xe thì đây là lần đầu tiên. Vì Hội chưa nhận được khiếu nại nào từ người tiêu dùng, mặt khác công luận cũng đã lên tiếng nhiều và phản ánh đúng với những bức xúc của người tiêu dùng.
“Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của Nhà nước và toàn xã hội” là nội dung đã được ghi trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đến 1/7/2011 có hiệu lực. Do vậy, người dân không thể bị “đơn độc” trong việc này.
Theo ông, để quy định về giá gửi xe được thực thi nghiêm túc, cơ quan chức năng cần thực hiện ngay những giải pháp nào?
Cần yêu cầu niêm yết công khai giá trông giữ xe tại địa điểm trông giữ xe và quan trọng hơn là phải thu theo đúng giá niêm yết. Cơ quan quản lý phải nghiêm minh, xử lý kiên quyết và chịu trách nhiệm về hiệu quả quản lý của mình.
Người tiêu dùng cần phải lên tiếng đấu tranh với các hành vi nâng giá. Cơ quan thông tin hãy nêu đích danh các địa điểm vi phạm.
Xin cảm ơn ông!
Quang Phong (thực hiện)