Quốc hội thông qua dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí:
Lo ngại về tính khả thi
Hôm qua 16/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí - một dự luật được cử tri mong mỏi chờ đợi. Thế nhưng không ít đại biểu và người dân vẫn lo ngại về tính khả thi của luật. Bởi lẽ nó phải "nằm chờ" quá nhiều vào các quy định của Chính phủ, bộ, ngành, đoàn thể...
Tính khả thi - xa vời vợi
Chương IX của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTKCLP) quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong THTKCLP thì có tới cả hàng nghìn... cơ quan phải ban hành hướng dẫn THTKCLP, đó là Chính phủ; bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ; Bộ Tài chính; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Xây dựng; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Nội vụ; Bộ LĐ-TB&XH; Bộ Văn hoá - Thông tin; HĐND và UBND các cấp; MTTQ và các thành viên; cơ quan thanh tra, Kiểm toán Nhà nước, cơ quan điều tra, Viện KSND; TAND... Chờ được ngần ấy cơ quan, đoàn thể, bộ, ngành... thì liệu rằng Luật THTKCLP có hiệu lực từ ngày 1/6/2006 có đi vào cuộc sống ngay như mong muốn của đông đảo cử tri?
Chúng tôi chuyển đến ĐB Ngọc Đào (Hà Nội) sự lo lắng của cử tri về tính khả thi của Luật THTKCLP, bởi nó sẽ không thể tránh khỏi tình trạng "luật chờ văn bản" còn khá phổ biến trong hệ thống pháp luật nước ta.
Ông Đào thở dài: "Chậm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện là tình trạng chung hiện nay. Vấn đề là trách nhiệm của người đứng đầu".
Cử tri Lò Văn Minh (Hà Nội) - người đã từng gửi nhiều hiến kế với QH về chống tham nhũng, lãng phí được đăng tải trên báo chí, nói rằng: "Nếu vị lãnh đạo nào kiên quyết chống lãng phí tức là dám đối diện với chính mình thì bộ, ngành đó sớm có quy định hướng dẫn trong phạm vi ngành mình quản lý".
Làm sao cử tri không khỏi lo lắng khi ông Lò Văn Minh đã phát hiện ra rằng, Luật Giáo dục được thông qua từ năm 1998, năm sau khi Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục thì Bộ GDĐT còn "nợ" tới cả chục nghị định, văn bản hướng dẫn.
"Ông lớn" phải gương mẫu
Trong phiên thảo luận về dự luật THTKCLP vào chiều 25/10, ĐB Nguyễn Bá Thanh (Đà Nẵng) đã phát biểu: "Cần xem lại một số định mức tiết kiệm, vì có những định mức không còn phù hợp theo thời gian, trong khi các cơ quan cứ răm rắp tuân theo những định mức, dẫn đến vẽ ra để tiêu, lập chứng từ khống. Làm thế không khác nào lốp xe chỉ thủng một chỗ nhưng lại chọc thêm để tiêu cho đủ định mức".
Ông Thanh đề nghị việc ban hành định mức phải căn cứ vào tình hình thực tế từng địa phương, tránh bình quân máy móc. Sự lãng phí lớn nhất là lãng phí cơ hội, thời gian và con người thì dường như không mấy ai quan tâm và coi như đó là sự lãng phí không thể cân đong, đo đếm cũng như quy được trách nhiệm.
Giải pháp được ông Thanh đưa ra cũng rất thực tế: "Có khi ông "xã" phát hiện lãng phí báo lên ông "huyện". Nhưng ông "huyện" lại thấy mình còn lãng phí hơn". Và ông Thanh quả quyết: "Vấn đề là ông lớn phải gương mẫu".
Trao đổi với phóng viên ngay sau khi Luật THTKCLP được QH thông qua, ĐB Lê Quốc Dung (Thái Bình) cho biết còn quá nhiều định mức, ông cho rằng nên khoán hết vào lương vì buộc người ta phải tính toán, còn ta vẫn chưa khoán vào lương thì khó mà... tiết kiệm được. Ông Dung nói rằng ngay như nước Campuchia họ cũng đã khoán hết vào lương.
ĐB Vi Đức Được (Lạng Sơn) nhận xét luật còn nhiều điều không sát thực tế, ví dụ như quy định đi công tác phải bỏ tiền cho phí về thanh toán, cơ sở không được tiếp đón, thử hỏi điều ấy có thực tế không? Ngay cả những điều khoản quy định về hội thảo, hội nghị, toạ đàm, chi tiếp khách, lễ hội cũng còn chung chung.
Nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị nên bổ sung trách nhiệm liên đới và trực tiếp của người đứng đầu cơ quan tổ chức khi để xảy ra tình trạng lãng phí, nhưng UBTVQH lại cho rằng nên để nghị định hướng dẫn thi hành luật quy định.
Tội lãng phí, chưa ai bị xử
Theo Luật THTKCLP thì người có hành vi vi phạm quy định của luật này nếu có dấu hiệu phạm tội thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự, còn các hình thức xử phạt trong luật - theo đánh giá của nhiều ĐBQH là còn quá nhẹ, trong khi hậu quả của tệ lãng phí còn nghiêm trọng hơn cả tệ nạn tham nhũng. ĐB Nguyễn Bá Thanh (Đà Nẵng) nhận xét: "Dự thảo luật chưa làm nổi xử lý hình sự trong lãng phí". ĐB Ngọc Đào (Hà Nội) thống kê rằng chưa có ai bị truy cứu và xử phạt án tù về tội lãng phí".
Lãng phí ở khắp nơi
* Nhà máy ximăng lò quay Tam Điệp (Ninh Bình) gây lãng phí hàng chục tỉ đồng do khâu khảo sát không kỹ, phải thay đổi thiết kế và gia cố móng.
*Nhà máy đường Linh Cảm (Hà Tĩnh) do không khảo sát, đánh giá chính xác khả năng nguồn cung cấp nguyên liệu cho nhà máy, sau một thời gian phải di chuyển vào Trà Vinh, khoanh nợ 81 tỉ đồng.
* Dự án BOT cải tạo nâng cấp đường liên tỉnh lộ 15 thuộc địa phận TPHCM giai đoạn 2, do thay đổi chi phí đền bù, thiết kế... làm tăng mức tổng đầu tư ban đầu từ 99,7 tỉ đồng lên 198,747 tỉ đồng, sau lại tăng lên 285 tỉ đồng do chất lượng công trình thấp phải thanh tra, khắc phục.
* Dự án vành đai III Hà Nội kéo dài hơn 3 năm, chi phí ban đầu đền bù giải phòng mặt bằng là 300 tỉ đồng, sau tăng lên 1.330 tỉ đồng.
* Nhiều bộ, ngành và địa phương xây dựng trụ sở làm việc vượt tiêu chuẩn, định mức quy định. Năm 2001, 40 tỉnh, thành phố có dự toán xây dựng vượt chế dộ 47.177m2, trị giá 83,312 tỉ đồng; 8 bộ, ngành xây dựng vượt trên 51 tỉ đồng.
*Chi lễ hội, tiếp khách, quà biếu. Chỉ tính riêng năm 2001, tổng số tiền chi tiếp khách tại 2.099 đơn vị là 196,439 tỉ đồng; tại 1.889 đơn vị thuộc 61 tỉnh, thành tổng số tiền chi tiếp khách là 180,707 tỉ đồng; tại 210 đơn vị thuộc các bộ chi tiếp khách là 15,732 tỉ đồng. Tổng số chi quà biếu tại 363 đơn vị là 9,397 tỉ đồng.
* Điện thoại di động: Tổng số phí điện thoại di động năm 2001 thanh toán vượt quá quy định là 3,449 tỉ đồng, trong đó cước phí thanh toán cho máy sai đối tượng là 1,654 tỉ đồng; điện thoại nhà riêng, cước phí thanh toán vượt quá quy định là 2,972 tỉ đồng.
* Tại 55 địa phương, số xe mua sắm vượt định mức, tiêu chuẩn chiếm 97,3% tổng số xe mua sắm sai quy định (tính trong hai năm 2001 và 2002).
(Theo nguồn Bộ Tài chính) |
Theo LH
Báo Lao Động