1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Lo ngại lợi dụng “hợp đồng” tài sản vợ chồng để tẩu tán tài sản tham nhũng

(Dân trí) - Thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu đồng ý với quy định chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận để đảm bảo quyền định đoạt tài sản mỗi cá nhân. Tuy nhiên, cũng có lo ngại quy định này bị lợi dụng để tẩu tán tài sản lừa đảo, tham nhũng.

Vợ chồng tự quyết tài sản riêng

Góp ý cho dự án Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi), đại biểu Hồ Thị Thủy (tỉnh Vĩnh Phúc) đồng ý bổ sung chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận. “Việc quy định như vậy trước hết đảm bảo được quyền tự định đoạt của cá nhân đối với tài sản của mình. Điều này còn cho phép vợ chồng có thể tự bảo toàn tài sản riêng của mình, giảm hoặc tránh những xung đột về tài sản khi ly hôn và giúp cho tòa án xác định được tài sản riêng, chung của vợ chồng được thuận lợi hơn”, đại biểu Thủy nói.

Đại biểu Hồ Thị Thủy góp ý kiến cho Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi

Đại biểu Hồ Thị Thủy góp ý kiến cho Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi

Hơn nữa, theo đại biểu Thủy chế độ tài sản vợ chồng thỏa thuận sẽ giúp giảm thiểu các rủi ro không may xảy ra khi mà cả hai vợ chồng cùng tham gia hoạt động kinh doanh. Từ những phân tích đó, đại biểu Thủy cho rằng, ngoài chế độ tài sản vợ, chồng theo pháp luật thì việc quy định chế độ tài sản vợ, chồng theo thỏa thuận là cần thiết trong thực tế hiện nay.

Theo đại biểu Thủy, để chế độ tài sản vợ, chồng theo thỏa thuận không bị lợi dụng cho các hành vi tẩu tán tài sản, lừa đảo, tham nhũng thì dự thảo luật cần quy định chặt chẽ hơn, đảm bảo tính sát thực về nội dung và hiệu lực của giao dịch.

Đại biểu Trương Thị Thu Trang (tỉnh Tiền Giang) nhận định, quan hệ về tài sản là một trong những quan hệ liên quan rất quan trọng trong mối quan hệ giữa vợ và chồng. Tuy nhiên, đại biểu Trang lại cho rằng quy định: tài sản chung của vợ chồng là tài sản có trong thời kỳ hôn nhân, khi tài sản chung đăng ký quyền sở hữu thì phải có cả tên vợ và chồng, khi xác nhận tài sản riêng của vợ hoặc chồng phải chứng minh rất bất cập trong thực tiễn.

“Chỉ giải quyết được một phía là đảm bảo quan hệ trong hôn nhân gia đình nhưng chưa phù hợp để bảo vệ từng thành viên cũng như mối quan hệ giữa gia đình với các quan hệ khác khi liên quan tới giao dịch về tài sản. Cần có sửa đổi rõ hơn khi xác định tài sản chung, riêng cũng như đăng ký quyền sở hữu về tài sản của vợ và chồng”, đại biểu Trang phân tích rõ.

Theo đại biểu Trang, luật cũng nên quy định Tòa án phải tiến hành xác minh để phân định tài sản riêng, tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn trong trường hợp vợ chồng đều không có chứng cứ chứng minh. Nhằm đảo bảo sự công bằng thay vì quy định trong trường hợp không có chứng cứ chứng minh tài sản mà vợ chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì đó là tài sản chung.

Nhiều cặp vợ chồng đã nhờ người mang thai hộ

Đại biểu Hồ Thị Thủy nhìn nhận vấn đề mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, nhằm đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu chính đáng của các cặp vợ chồng không có khả năng sinh con, kể cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Thực tế thời gian qua để phục vụ nhu cầu của một số cặp vợ chồng mong muốn được có con đã nhờ đến biện pháp này với những hình thức khác mà nhà nước không quản lý được.

“Việc đưa nội dung mang thai hộ vì mục đích nhân đạo vào dự án Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi) lần này là cần thiết, để tránh những hậu quả phức tạp xảy ra mà không có pháp luật điều chỉnh, nhất là việc đảm bảo số phận pháp lý của những đứa trẻ được sinh ra”, đại biểu Thủy nêu quan điểm.

Đại biểu Nông Thị Lâm (tỉnh Lạng Sơn) cũng đồng tình với việc đưa vấn đề mang thai hộ vì mục đích nhân đạo vào trong luật. Vì điều này nói lên tính nhân đạo của xã hội và cộng đồng để giúp cho các cặp vợ chồng không có khả năng sinh con để có những đứa con.

Tuy nhiên nếu đưa vào quy định trong luật, đại biểu Lâm cho rằng cần phải nghiên cứu kỹ bởi rất nhiều hệ lụy có thể này xảy ra sau này; ví như trong quá trình mang thai, người phụ nữ được nhờ mang thai gặp vấn đề, việc sinh đẻ như thế nào, đứa trẻ ra đời có được bú sữa mẹ hay không?...

“Đó là vấn đề chúng ta phải bảo vệ cho những người phụ nữ cũng như đứa trẻ sau này, chúng ta cần nghiên cứu kỹ cho thấu đáo. Nên khuyến khích các cặp vợ chồng không có khả năng sinh con nhận nuôi con nuôi”, đại biểu Lâm nêu quan điểm.

Quang Phong