1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

"Lo kết thúc 16 ngày cách ly xã hội vẫn còn những khu vực nguy cơ rất cao"

Thái Anh

(Dân trí) - Đây là nỗi lo lãnh đạo tỉnh Tiền Giang trình bày với lãnh đạo Chính phủ khi toàn địa bàn có gần 1.400 ca bệnh, với 120 ổ dịch, số lượng F0 tăng nhanh tại các điểm nóng, đã có bệnh nhân nặng, tử vong…

Ngày 21/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 kiểm tra hoạt động phòng, chống dịch tại 3 tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long.

Lo kết thúc 16 ngày cách ly xã hội vẫn còn những khu vực nguy cơ rất cao - 1

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra thực tế hoạt động chống dịch tại huyện Châu Thành, Tiền Giang (Ảnh: VGP).

Tình hình phòng tuyến chống dịch quanh TPHCM

Tính từ ngày 4/7 đến nay, Bến Tre ghi nhận 290 trường hợp F0, 1.835 F1 và 9.895 F2. Các ca chỉ điểm chuỗi lây nhiễm được phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc cộng đồng, chủ yếu liên quan đến ổ dịch Chợ Bình Điền (TPHCM).

Lãnh đạo tỉnh Bến Tre nhận định tình hình dịch tiếp tục có những diễn biến phức tạp, có nguy cơ lan rộng. Một số doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất, khu công nghiệp đã ghi nhận ca nhiễm qua sàng lọc bằng xét nghiệm nhanh.

Trao đổi với lãnh đạo tỉnh Bến Tre, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn khuyến cáo, tỉnh cần mạnh dạn đưa các F0 không có triệu chứng, sau khi điều trị 8 ngày có kết quả xét nghiệm PCR âm tính hoặc nồng độ virus thấp, không có khả năng lây lan ra cộng đồng về tiếp tục cách ly tại nhà; mở rộng cách ly F1 tại nhà.

Tại Tiền Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Vĩnh cho biết tỉnh hiện có 120 ổ dịch với 1.390 bệnh nhân. Khó khăn lớn nhất của tỉnh là kiểm soát người từ TPHCM và các tỉnh khác về, trong đó có cả những tàu đánh bắt thủy, hải sản từ nơi khác đến.

Hiện Tiền Giang đang gặp khó khăn trong điều trị để giảm số bệnh nhân chuyển nặng, hạn chế ca tử vong và mong muốn được Trung ương hỗ trợ về y, bác sĩ chuyên ngành hồi sức tích cực, các thiết bị điều trị như máy thở, X-quang, siêu âm,… Dự báo số lượng F0 sẽ tăng nhanh khi tăng cường tầm soát các điểm nóng.

Đánh giá chung tình hình, ông Nguyễn Văn Vĩnh nhận định, Tiền Giang chưa kiểm soát tốt tình hình dịch, vẫn xuất hiện những ổ dịch mới. Dự kiến khi kết thúc thời gian thực hiện Chỉ thị 16, Tiền Giang sẽ vẫn còn những khu vực nguy cơ dịch bệnh cao, rất cao.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng diễn biến dịch ở Tiền Giang rất đáng lo ngại, đã có những bệnh nhân nặng, tử vong. Bộ Y tế sẽ hỗ trợ cho tỉnh đồ bảo hộ, sinh phẩm xét nghiệm nhanh, máy thở chức năng cao, điều động nhân lực hỗ trợ, tập huấn cho cán bộ y tế của tỉnh…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cùng với TPHCM, Tiền Giang là tỉnh có dịch xuất hiện sớm. Vì vậy, trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 trên địa bàn toàn tỉnh thì phải làm chặt, nghiêm hơn nữa.

Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao tỉnh Tiền Giang đã bảo đảm lưu thông hàng hóa, lương thực, nhu yếu  phẩm, đời sống của người dân, không để ai thiếu ăn, thiếu đói. Là tỉnh cung cấp nguồn rau quả, thực phẩm cho TPHCM, Phó Thủ tướng "đặt hàng" Tiền Giang tổ chức các doanh nghiệp, thương lái đóng gói rau quả, thực phẩm sẵn trước khi vận chuyển đến thành phố, để hạn chế tiếp xúc khi mua, bán.

Tại cuộc làm việc chiều 12/7 tại Vĩnh Long, Giám đốc Sở Y tế Văn Công Minh báo cáo, hiện tỉnh đã ghi nhận 460 F0 trong cộng đồng, 4.196 F1, 12.587 F2. Hình thái lây nhiễm từ cộng đồng vào khu công nghiệp và ngược lại đã bộc lộ. Một số khu vực dân cư, nhà trọ đã có hiện tượng lây nhiễm thứ phát từ công nhân. Số ca nhiễm trong cộng đồng xu hướng tăng nhanh.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của tỉnh Vĩnh Long trong phòng, chống dịch, bảo đảm đời sống cho người dân, đặc biệt là người nghèo, mưu sinh hằng ngày, không có tích lũy, là hậu phương cho TPHCM.

Chống dịch cao hơn một mức, sớm hơn một bước

Lo kết thúc 16 ngày cách ly xã hội vẫn còn những khu vực nguy cơ rất cao - 2

Phó Thủ tướng làm việc với lãnh đạo Tiền Giang, một trong những điểm nóng Covid-19 phía Nam.

Chỉ đạo chung qua các cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, đã thực hiện giãn cách là phải rất nghiêm, tại những "điểm nóng" cần huy động lực lượng công an, quân đội, thanh niên xung kích tăng cường cho tổ Covid-19 cộng đồng.

Nhắc lại chủ trương trong điều trị và dự phòng "cao hơn 1 mức, sớm hơn 1 bước", Phó Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu chống dịch là hạn chế tối đa số ca nhiễm mới, nếu có ca nhiễm thì cố gắng không để chuyển nặng, giảm ca tử vong.

Cụ thể, các cơ sở điều trị tại Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long nói riêng, các tỉnh nói chung, khi tiếp nhận F0 phải căn cứ vào kết quả xét nghiệm, nồng độ virus, tình trạng sức khỏe để bố trí nhân viên y tế theo dõi sát, thăm hỏi, kịp thời chuyển ngay tuyến trên những trường hợp có dấu hiệu chuyển nặng. Những cơ sở điều trị bệnh nhân chuyển nặng phải có hệ thống oxy tập trung, máy thở oxy cao áp (HNFC) để giảm tối đa diễn biến bệnh nặng hơn.

Về chiến lược xét nghiệm, Phó Thủ tướng lưu ý, các tỉnh chỉ sử dụng xét nghiệm nhanh đối với những vùng dịch, ổ dịch đậm đặc cần bóc ngay F0 ra khỏi cộng đồng, còn những khu vực khác thì ưu tiên sử dụng xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp. Ông yêu cầu, làm đến đâu phải chắc đến đấy, phải rà quét không chỉ những vùng có dịch để làm sạch, mà cả những vùng an toàn cũng phải giữ cho chắc.

"Các tỉnh cố gắng tận dụng những ngày giãn cách, thực hiện thật nghiêm, từng bước làm sạch các vùng dịch, ổ dịch, hình thành vùng an toàn vững chắc, phòng tuyến chống dịch xung quanh TPHCM và hỗ trợ cho thành phố khi cần thiết", Phó Thủ tướng yêu cầu.

Về kế hoạch tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19, Phó Thủ tướng nêu nguyên tắc các tỉnh chủ động triển khai cho những đối tượng ưu tiên cụ thể, tinh thần là minh bạch, công khai với người dân.