Gia Lai:
Lo chảy máu rừng, xã "gồng gánh" thuê người dân dựng chốt giữ rừng
(Dân trí) - Dù không phải là đơn vị chuyên trách nhưng nhiều xã đang "gồng mình" để giữ rừng. Gồng gánh không nổi, xã đã phải thuê người dân chưa được đào tạo để dựng lán giữ rừng.
Xã "gồng gánh" với nỗi lo mất rừng
Hiện nay, nhiều cánh rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai do các UBND xã quản lý đang cho thấy sự bất cập khi liên tục xảy ra các vụ vi phạm lâm luật. Nguyên nhân việc mất rừng được các xã cho rằng do đơn vị không phải là một cơ quan chuyên trách trong công tác bảo vệ rừng.
Đồng thời, lực lượng để đi tuần tra mỏng nên việc rừng bị xâm hại là điều không thể tránh khỏi.
Để khắc phục, nhiều xã đã xin chủ trường giao khoán cho các làng, hộ gia đình hay cộng đồng. Xã cũng phải thuê thêm người dân không có chuyên môn, đào tạo để dựng lán giữ rừng.
Xã vùng biên giới xã Ia Mơr (huyện Chư Prông, Gia Lai) đang có khoảng 24.000ha rừng. Trong đó, Ban quản lý Rừng phòng hộ Ia Meur quản lý khoảng 10.000ha. Dù không phải là một đơn vị chuyên trách nhưng xã Ia Mơr (huyện Chư Prông, Gia Lai) cũng đang quản lý hơn 14.000ha rừng.
Mỗi ngày, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch xã Ia Mơr phải gác việc ở trụ sở xã để cùng với dân quân ngày đêm đi tuần tra. Chính quyền xã cũng đã thuê khoảng 20 người dân vào dựng chốt giữ rừng 24/24.
Nhưng điều lo lắng nhất là những người dân được xã thuê đều không có nghiệp vụ, chuyên môn ngành lâm nghiệp. Trung bình, mỗi người dân đi tuần một ngày đêm sẽ được chi trả khoảng 200.000 đồng.
Khi gặp các đối tượng phá rừng, lực lượng này chỉ có thể nhắc nhở bằng miệng, tuyên truyền vận động là chính. Khi các đối tượng manh động chống lại thì rất khó khăn cho lực lượng bảo vệ rừng.
Tương tự, xã Hà Tây (huyện Chư Păh) hiện được giao quản lý, bảo vệ 2.400 ha rừng. Số diện tích này được UBND xã giao khoán lại cho các cộng đồng thôn, làng thông qua tiền dịch vụ môi trường rừng.
Ông Trương Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Hà Tây cho biết, dù có các cộng đồng thôn làng quản lý nhưng quá trình đi tuần tra bảo vệ rừng gặp rất nhiều khó khăn do diện tích rừng nằm rất xa, không thể đi hết được. Ngoài ra, khi để xảy ra các vụ phá rừng thì xã cũng không có biện pháp chế tài đối với các nhóm cộng đồng và phải chịu toàn bộ trách nhiệm.
Từ thợ đụng thành nhân viên bảo vệ rừng
Từ một người "thợ đụng" mưu sinh ở vùng khó khăn, anh Trần Quốc Châu (SN 1988, làng Kla, xã Ia Mơr) được UBND xã Ia Mơr vận động làm cán bộ quản lý, bảo vệ rừng vào khoảng năm 2019, với mức lương khoán 6 triệu đồng/tháng.
Mỗi ngày, anh Châu cùng với những nhân viên khác đi khắp các cánh rừng để tuần tra, kịp thời ghi nhận những hành vi xâm hại đến rừng. Để bảo vệ rừng 24/24, anh cùng các nhân viên phải lều võng lên rừng canh gác.
Anh Châu cho biết, đây là nhiệm vụ rất khó khăn đối với toàn bộ chốt bảo vệ rừng, bởi diện tích rừng phải trông coi quá rộng, nhân viên không có quyền hạn xử lý, không có phương tiện, công cụ hỗ trợ. Vì vậy, không ít lần, các cán bộ bảo vệ rừng bị lâm tặc đe dọa.
"Chốt trưởng giao đi tuần hàng ngày, nếu phát hiện sẽ báo xã tăng cường lực lượng để xử lý. Nhiều hôm bị lâm tặc gọi điện đe dọa đòi đập chết. Chúng tôi cũng ghi nhận rồi về báo cáo lực lượng hỗ trợ để có phương án xử lý. Việc ăn uống, xăng xe cũng do anh em tự túc. Sống ở nơi rừng núi, mọi thứ cũng không có nên nhiều anh em nản đã xin nghỉ việc", anh Châu bộc bạch.
Tương tự, em Trần Cao sơn (19 tuổi, trú thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai, Gia Lai) mới học được gần một năm. Theo đó, học mới đến lớn 10, em đã nghỉ học để đi "cày thuê, cuốc mướn". Khi nghe xã có tuyển người đi tuần tra, bảo vệ rừng, em cũng xin đi làm để mong muốn có một thu nhập ổn định nuôi sống bản thân mình.
Phó Chủ tịch xã Ia Mơr Nguyễn Tuấn Anh bộc bạch: "Bản thân chúng tôi là lãnh đạo, ban ngày làm công việc chuyên môn, ban đêm lều võng vào rừng để cùng với anh em mật phục, vận động bà con không xâm lấn, không đốt rừng làm nương rẫy. Tuy vậy, xã vẫn để xảy ra nhiều vụ lấn chiếm hay khai thác trái phép. Bất cập trong việc giao diện tích lớn rừng để UBND xã quản lý khiến áp lực của cán bộ, nhân viên tại xã vùng sâu ngày càng nặng nề. Việc lãnh đạo xã, cán bộ bị kỷ luật vì để mất rừng là điều không tránh khỏi".
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai, năm 2020, các xã trên địa bàn tỉnh quản lý hơn 930 nghìn ha rừng. Trong đó, rừng tự nhiên hơn 106 nghìn ha, rừng trồng hơn 62 nghìn ha và đất khác hơn 760 nghìn ha.
Ông Nguyễn Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai thông tin: "UBND tỉnh đã có chủ trương đến năm 2030, số diện tích rừng do các xã quản lý phải được giao lại cho các chủ rừng là các Ban quản lý, công ty lâm nghiệp và các nhóm hộ cộng đồng quản lý, bảo vệ.
"Để cùng hỗ trợ các xã trong công tác quản lý thì còn có lực lượng kiểm lâm huyện và nhiều cơ quan chức năng phối hợp. Để tăng cường công tác bảo vệ rừng, các xã đều có tiền dịch vụ môi trường rừng để thuê người dân, các nhóm hộ quản lý bảo vệ rừng", ông Hoan cho biết thêm.