1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Quảng Ngãi:

Lo cả làng bị cuốn trôi, hàng trăm người ngăn chặn khai thác cát

(Dân trí) - Mỗi đợt mưa kéo dài, “ốc đảo” thuộc xã Tịnh An (TP Quảng Ngãi) nằm giữa dòng sông Trà Khúc phải lụy đò và con đường đến trường của học sinh nơi đây vô cùng hiểm nguy. Những ngày gần đây, doanh nghiệp đưa xe khai thác cát ồ ạt ở đầu dòng chảy, nguy cơ xói mòn và nhấn chìm dân cư giữa con sông.

Từ ngày 7-9/8, hàng trăm người dân thuộc thôn An Phú và thôn Ngọc Thạch (xã Tịnh An, TP Quảng Ngãi) ra sức ngăn cản việc khai thác cát, chặn các xe vận chuyển cát và đề nghị chính quyền lắng nghe dân.

Hàng trăm người dân 2 thôn An Phú và thôn Ngọc Thạch yêu cầu ngừng khai thác cát và gây nguy hiểm đến tính mạng khi lũ về.
Hàng trăm người dân 2 thôn An Phú và thôn Ngọc Thạch yêu cầu ngừng khai thác cát và gây nguy hiểm đến tính mạng khi lũ về.

Người dân ngăn cản khai thác cát

Bức xúc việc khai thác cát, ông Nguyễn Anh Tuấn (ngụ đội 1, thôn An Phú, xã Tịnh An) nói: “Họ âm thầm khai thác cát, trong khi đó chưa bao giờ họp thông qua ý người dân. Mồ mả ông bà, đất canh tác đều ở đây, năm 1999 xuất hiện lũ cuốn trôi mồ mả, khiến 19 hộ dân không có đất sản xuất.

Mấy năm gần đây, nhờ đất bồi nên người dân mới canh tác. Bây giờ khai thác như thế này, vài bữa lũ ập về sẽ cuốn trôi con đường huyết mạch và đe dọa tính mạng người dân chúng tôi”.

Ông Nguyễn Anh Tuấn bức xúc nói về nạn khai thác cát.

Bà Lê Thị Sự (ngụ xóm Tân Lập, thôn Ngọc Thạch) cho biết: “Cả gia đình tôi sống nhờ miếng đất ở đây để canh tác, giờ thì họ xúc cát mất rồi. Trước lúc khai thác, họ có đo đất tôi để bồi thường nhưng tôi không đồng ý. Có cán bộ công an hù tôi nếu không nhận tiền sẽ mất luôn. Họ phá sạch 10 sào đất, gia đình tôi không biết lấy gì sống, nuôi con bò cũng không có cỏ mà ăn”.

Theo thống kê, hơn 400 hộ (khoảng 2.000 nhân khẩu) thuộc thôn An Phú và thôn Ngọc Thạch (xã Tịnh An, TP Quảng Ngãi) sinh sống lâu đời ở “ốc đảo” nằm giữa dòng sông Trà Khúc. Mỗi đợt mưa lũ kéo dài, hàng trăm học sinh đến trường nhờ từng chuyến đò mong manh giữa dòng chảy xiết. Thực trạng hơn 400 hộ dân bị cô lập thường xuyên xảy ra, đặc biệt là mùa mưa lũ.

Người dân bỏ sản xuất ra ngăn chặn xe cát hoạt động.
Người dân bỏ sản xuất ra ngăn chặn xe cát hoạt động.

Có mặt trên công trường khai thác cát, PV Dân trí quan sát đơn vị khai thác cát tạo nhiều hố “tử thần” sâu từ 3-8m. Vị trí khai thác tại bãi cát thuộc thôn An Phú, nằm đầu dòng chảy sông Trà Khúc.

Ông Trần Vinh (ngụ thôn Ngọc Thạch) cho biết: “Trải qua 3 đợt lũ lịch sử gần đây, đã quét sạch tài sản, xói mòn đất, phá đường vào làng và đi lại dựa vào chuyến đò ngang tự phát. Mấy năm nay, người dân chúng tôi trồng cỏ để bồi đất phù sa, giữ cát không bị xói lở cát và điều quan trọng giữ được làng xóm. Chúng tôi kiến nghị, nếu lấy cát thì phải xây kè chắn đầu dòng chảy và 2 bên hông “ốc đảo” này. Đồng thời xây dựng cầu để con em đi học an toàn đến trường”.

Những hố tử thần hiện hình đầu dòng chảy trước ốc đảo với hơn 400 hộ dân.
Những hố tử thần hiện hình đầu dòng chảy trước ốc đảo với hơn 400 hộ dân.

Vụ 9 học sinh chết đuối do khai thác cát chưa vơi, những hố tử thần như thế này lại ồ ạt mọc lên.
Vụ 9 học sinh chết đuối do khai thác cát chưa vơi, những hố tử thần như thế này lại ồ ạt mọc lên.

Trước bức xúc và hành động ngăn cản khai thác cát, sáng ngày 9/8, ông Võ Quang - Phó Chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi đến hiện trường lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Đồng thời, yêu cầu dừng việc khai thác cát, tổng hợp ý kiến người dân và báo cáo UBND tỉnh Quảng Ngãi xem xét.

Được biết, mỏ cát trên do Công ty TNHH xây lắp Minh Thành khai thác, được UBND tỉnh Quảng Ngãi cấp phép khai thác từ tháng 5/2016. Thời gian khai thác 36 tháng, trên diện tích 6 héc-ta và trữ lượng 81.000 m3.

Cách vị trí khai thác mỏ cát này khoảng 1 km, bên phía bờ Nam sông Trà Khúc, vào tháng 4/2016, xảy ra vụ 9 học sinh trường THCS Nghĩa Hà (TP Quảng Ngãi) chết đuối khi tắm sông trên hố khai thác cát. Nỗi đau chưa nguôi ngoai, nay đơn vị khai thác cát tạo ra những hố “tử thần” bên bờ Bắc và tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm đến người dân địa phương.

Hồng Long