“Lĩnh vực tài chính, tiền tệ có nhiều câu hỏi nhất”
(Dân trí) - Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn cho biết, có nhiều câu hỏi chất vấn của đại biểu đã đặt ra trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, của Thủ tướng… và lĩnh vực tài chính, tiền tệ nhận được nhiều câu hỏi nhất.
Các câu hỏi chất vấn dành cho Thủ tướng tập trung vào những vấn đề nào, thưa ông?
Các đại biểu hỏi nhiều vấn đề, như tình trạng lạm phát, kiềm chế lạm phát, những giải pháp của Chính phủ. Trong đó, tập trung vào 3 nhóm giải pháp về quản lý tài chính, tiền tệ; tổ chức phát triển, đẩy mạnh sản xuất và nhóm giải pháp an sinh xã hội.
Bộ trưởng nào nhận được nhiều câu hỏi chất vấn nhất?
Có nhiều câu hỏi của đại biểu về vấn đề tài chính, tiền tệ… Thống đốc ngân hàng nhà nước sẽ có trả lời xung quanh việc quản lý, lưu thông tiền tệ hiện nay.
Trong hệ thống cầu hỏi, có thể hiện sự đồng tình hoặc chưa đồng tình với các giải pháp chống lạm pháp Chính phủ đưa ra không?
Cơ bản là đồng tình nhưng muốn chính phủ làm rõ hơn nguyên nhân chủ quan. Trong nguyên nhân chủ quan, có đại biểu muốn tìm hiểu là do yếu tố cụ thể nào. Ví dụ công tác quản lý, tổ chức thực hiện ở các cấp vì vấn đề cũng liên quan các cấp chứ không chỉ điều hành ở vĩ mô.
Các đại biểu có đặt ra trách nhiệm của các thành viên chính phủ và Thủ tướng không?
Các đại biểu có nêu vấn đề này nhưng trả lời thế nào là tùy thuộc vào thái độ, trách nhiệm của người trả lời.
Có ý kiến nào cho rằng điều hành, quản lý có yếu kém dẫn đến hậu quả về tiền tệ hiện nay?
Thành viên nào của Chính phủ liên quan đến quản lý đó đều đã có thừa nhận về vai trò điều hành chính sách. Nhưng cũng phải nhìn nhận, có vấn đề khách quan rất lớn.
Nếu xác định rõ, QH sẽ có thái độ thế nào?
Cái này tùy thuộc vào phiên chất vấn và cũng tùy thuộc tình hình, mức độ hiện nay. Chính phủ cũng đã họp để rút kinh nghiệm và Thường vụ QH cũng đã có ý kiến góp ý.
Nhiều ĐB quan tâm hiệu quả chất vấn, ông có thể nói gì về điều này?
Hiệu quả cũng khá rõ. Trước hết là các bộ trưởng sẽ thấy rõ hơn trách nhiệm của mình. Các bộ trưởng sẽ thấy mình làm việc này tốt, việc kia chưa tốt và nếu cần điều chỉnh rút kinh nghiệm thì họ sẽ phải điều chỉnh.
Nhiều vấn đề được chất vấn nhưng vẫn chưa được cải thiện nhiều. Kỳ họp trước đại biểu đã có ý kiến về lạm phát, tiền tệ nhưng thời gian qua, vấn đề này không được cải thiện mà còn gia tăng hơn?
Lạm phát thì như giải thích của Thủ tướng, phụ thuộc rất nhiều yếu tố, trong đó có vận hành của nền kinh tế thế giới, tình hình điều kiện ở nước ta và cái này không thể đổ lỗi cho người điều hành. Nhưng người điều hành có thiếu sót thì họ cũng phải chịu trách nhiệm.
Chính phủ cũng đã thấy vấn đề cho nên vừa rồi đã đưa ra nhóm giải pháp tổ chức quản lý tiền tệ để tiền tệ lưu thông tốt, kích thích sản xuất, đảm bảo đời sống nhân dân.
Tại kì họp này có đặt ra vấn đề nghị quyết hậu chất vấn không?
Điều này tùy thuộc Quốc hội, nếu các đại biểu yêu cầu thì cũng có thể ra nghị quyết vì cái này có trong luật.
Liên quan đến vụ PMU 18, có đại biểu nào chất vấn không?
Có câu hỏi về vụ PMU 18 nhưng được trả lời bằng văn bản.
Vì sao không trả lời tại Hội trường, thưa ông?
Có vấn đề trả lời tại Hội trường, nhưng cũng có vấn đề chỉ trả lời bằng văn bản - điều này do Thường vụ quyết định. Hiện tại đang có nhiều việc lớn phải bàn và Thường vụ QH đã yêu cầu trả lời vụ trên bằng văn bản.
Phải xác định, việc nào đưa ra, việc nào tiếp tục giao cơ quan chức năng điều chỉnh, làm sáng tỏ, bổ sung giải pháp để tình hình tốt hơn.
Trước khi các đại biểu bấm nút thông qua Nghị quyết về việc mở rộng địa giới hành chính Hà Nội vào ngày 29/5 tới đây, Thủ tướng sẽ có giải trình về những nội dung gì?
Thủ tướng sẽ giải trình rõ, vì sao, lý do nào mở rộng, quy mô bao nhiêu là hợp lý và quyết định sẽ do đại biểu QH.
Xin cám ơn ông!
Mạnh Cường