Liệt sĩ hộ đê
Ngày 28/9, Tiểu đội trưởng Tiểu đội dân quân cơ động (Ban Chỉ huy quân sự xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên, An Giang) Huỳnh Văn Tùng đã vĩnh viễn ra đi sau 2 ngày bị rắn độc cắn, trong lúc xả thân hộ đê cứu lúa trước cơn cuồng nộ của trận lũ lịch sử 2011.
Theo Đại tá Nguyễn Huy Hoàng - Phó Chính uỷ Bộ CHQS tỉnh An Giang - căn cứ vào Luật Dân quân tự vệ, các văn bản pháp luật có liên quan và nỗ lực của các cơ quan chức năng ở An Giang, rồi đây anh Tùng sẽ được công nhận là liệt sĩ - liệt sĩ đầu tiên của tỉnh trong “cuộc chiến” hộ đê. Điều đó cũng đồng nghĩa, sự hy sinh của anh sẽ sống mãi trong lòng mọi người như tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo...
Gương mặt của vợ anh Tùng chất đầy nỗi đau không gì bù đắp được.
Người hùng chống lũ
Do công việc đột xuất nên khi tôi tìm đến xã Thới Sơn - nơi “chôn nhau cắt rốn” của anh Tùng - thì đã hết giờ hành chính. Ở cái xứ núi non heo hút này, liệu còn ai... Thế nhưng, không chỉ có mấy cô cán bộ văn phòng mà từ lãnh đạo UBND cho đến Đảng uỷ xã Thới Sơn đều đông đủ ngồi chờ. Hình như ai cũng thấy mình có trách nhiệm kể cho nhà báo hiểu đầy đủ về hành động xả thân hộ đê cứu lúa của người anh hùng nên bất chấp giờ giấc. Còn Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Đặng Chí Sơn - người chỉ huy trực tiếp và chứng kiến toàn bộ khoảnh khắc “độc xà” tấn công anh Tùng - dù đang trên đường dự đám cưới người thân trong gia tộc, cũng nhanh chóng quay về khi nghe có phóng viên đến tìm hiểu về sự hy sinh của anh Tùng.
Mồ hôi lấm tấm, vừa ngồi vào bàn, anh Sơn nhập đề ngay: “Đám cưới người thân, không dự là có lỗi, nhưng nếu tôi không quay về để kể về hành động xả thân hộ đê cứu lúa của Tùng thì... có tội. Bởi với người đã hy sinh thì đâu có lần thứ hai”. Đang sôi nổi, bỗng giọng anh Sơn chùng xuống khi tôi xen vào: “Nghe nói con rắn đó là độc xà nên vừa cắn xong là miệng anh Tùng trào nước bọt!”.
Đã một tuần trôi qua, nhưng dường như những hình ảnh về phút lâm nguy của đồng đội vẫn đau đáu trong lòng anh Sơn. Anh kể và dường như không ai kìm được xúc động: “Đúng là rắn độc, vừa bị cắn vào tay phải, người của Tùng lảo đảo, hai tay ôm ngực đầy đau đớn, miệng trào nước bọt...”. Thậm chí anh còn nhớ như in thời gian và không gian: “Lúc đó vào khoảng 17 giờ 15 phút ngày 26/9, sau khi vừa thực hiện hàn xong điểm rò rỉ trên tuyến đê Phước Điền, lực lượng hộ đê của xã được chia ra 2 tốp: Tốp 1 ăn cơm, tốp 2 canh đê.
Tùng và tôi được xếp vào tốp 1. Đang ăn cơm thì đồng chí Huỳnh Văn Lời - Chủ tịch UBND xã Thới Sơn - đến cho hay có tuyến đê bị rò rỉ và đề nghị hoả tốc đưa quân đến ứng cứu. Thấy Tùng đã đuối sức, bởi đêm trước đã thức trắng cùng ông Sáu Dình hàn 2 đoạn đê thuộc khu vực tổ hợp tác số 10, nay lại quần quật cả ngày nên tôi không phân công. Tuy nhiên, cũng như 9 ngày hộ đê trước đó, Tùng đã lấy tư cách là tiểu đội trưởng để xung phong nhận nhiệm vụ với lý do để các chiến sĩ có thời gian nghỉ ngơi, mai làm tiếp” - anh Sơn bùi ngùi nhớ lại.
Tôi như lịm người trước nghĩa cử xả thân vì việc công của anh Tùng, bởi trước đó một ngày, anh đã từng động viên vợ tự đảm đương khi chị nhắn về đưa con đi chích thuốc giữa lúc anh dẫn tiểu đội của mình tuần tra, trực bảo vệ đê: “Cố gắng thay anh chăm sóc cho con. Khi nào qua cao điểm phòng, chống lũ, anh sẽ bù đắp lại”.
Theo lời anh Sơn, khi vừa đến đoạn đê bao giáp ranh 2 xã Văn Giáo và Thới Sơn, phát hiện một dòng nước đang chảy luồn dưới thân đê, có nguy cơ gây vỡ đê làm mất trắng cánh đồng hàng ngàn hécta lúa, màu và dân cư, anh Tùng đã nhảy ào xuống dò tìm chỗ hở để chèn lấp lại, bất chấp cái lạnh như cắt da của cơn mưa chiều rả rích.
Sau một hồi dò tìm, anh Tùng phát hiện một miệng hang mà theo anh, đó có thể là hang cua gây lở xói nước, nên dùng tay móc đất ém sâu vào bên trong. Nhưng không may, bên trong hang một con rắn độc (sau này được biết đó là loài rắn hổ chuối). Rắn đang thời kỳ lột xác, độc tố rất cao nên sau khi bị cắn vào tay, nọc độc đã tác động đến hệ thần kinh, hệ tiêu hoá. Mặc dù đã được các thầy thuốc tận tình cứu chữa, anh Tùng đã ra đi ở tuổi 26 vào lúc 18 giờ 45 phút ngày 28/9.
Ông Huỳnh Thanh Phong - Phó Chủ tịch UBND xã Thới Sơn - xúc động cho biết: “Gia nhập lực lượng dân quân tự vệ năm 2006, Tùng rất mẫu mực nên chỉ 2 năm sau đã được đề bạt là tiểu đội trưởng và nằm trong danh sách cán bộ nguồn của xã. Đặc biệt qua 9 ngày hộ đê, Đảng uỷ, UBND xã Thới Sơn đã nhất trí xây dựng đồng chí Tùng là tấm gương điển hình để động viên phong trào phòng, chống lụt bão, bảo vệ đê bao của xã”. Và theo anh Phong, nếu không có sự việc đau buồn này, chỉ trong vài ngày tới, Tùng sẽ chính thức được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong không khí trang nghiêm của lễ truy điệu đưa Tùng về nơi an nghỉ sau cùng, Đại tá Nguyễn Huy Hoàng - Phó Chính uỷ Bộ CHQS tỉnh An Giang - cho biết, căn cứ vào Luật Dân quân tự vệ và các văn bản pháp luật có liên quan, thể theo đề nghị của địa phương, Bộ CHQS tỉnh sẽ xúc tiến việc hoàn chỉnh hồ sơ, đề nghị cấp trên xét công nhận liệt sĩ cho Tùng.
Không chỉ là nỗi đau
“Cho hỏi đường vào nhà anh Tùng xã đội...” - tôi chưa dứt tiếng, đám trẻ đang chơi trước cổng chùa Lâm Vồ đã nháo nhào tranh nhau hướng đạo: “Đường khó đi lắm, để con dẫn chú”. Men theo đường ô (đường được hình thành do nước từ núi chảy xuống), đi sâu vào rừng Thới Sơn nằm sau ngọn Anh Vũ sơn (núi Ông Két) độ hơn 1km với nhiều đoạn quanh co, chúng tôi đặt chân đến nhà của anh Tùng thuộc ấp Sơn Tây.
Đó là căn nhà lá cũ chẳng có gì ngoài màu trắng khăn tang và thật nhiều tiếng khóc của người vợ Nguyễn Thị Hồng Thắm cùng 2 đứa con đang tuổi thơ dại: Huỳnh Thị Huyền Trân (5 tuổi) và Huỳnh Khánh Duy (24 tháng tuổi). Hôm nay là tuần thất đầu tiên của anh Tùng, nhưng dường như chị Thắm vẫn chưa kịp hoàn hồn. Gương mặt hốc hác, đôi mắt sưng húp, đờ đẫn như người mất hồn khiến chị già hơn cái tuổi 25 của mình. Vừa nghe chúng tôi nhắc đến anh Tùng, chị lại gục đầu khóc như đứa trẻ. Có lẽ cái chết đột ngột và hình ảnh vật vã trước lúc ra đi của người chồng vẫn còn lởn vởn trong tâm trí, nên thỉnh thoảng chị kêu la hoảng loạn.
Và tất cả chúng tôi không ai cầm được nước mắt khi bé Duy khóc thét đòi mẹ kêu ba Tùng về chơi với nó, vì nó cứ tin ba đang đi công tác. Bé Duy còn quá nhỏ để hiểu rằng ba Tùng của mình không bao giờ về nữa. Chính sự thơ ngây đó như xát muối vào lòng người mẹ. Chị Thắm lại khóc, nước mắt giàn giụa.
Theo xác nhận của chòm xóm, tuy gia cảnh khó khăn, cuộc sống của gia đình chủ yếu nhờ vào việc bán xôi dạo của vợ, nhưng Tùng sống rất có trách nhiệm với vợ con. Vì vậy, sự ra đi của anh để lại khoảng trống quá lớn trong lòng người vợ. Rồi như sợ nhà báo không hiểu hết về chồng mình, Thắm cố nói trong nước mắt: “Hằng ngày, tranh thủ ngoài giờ trực ở đơn vị, ảnh về phụ giúp em các công việc nặng như: Nấu xôi, xay đậu nành làm tàu hũ, sáng thì lo cho con ăn rồi đưa con đi học...
Dù lương mỗi tháng chỉ được hơn 800 ngàn đồng, rồi tiền ăn tiền tiêu vặt, nhưng tháng nào lãnh lương xong ảnh cũng mua quà cho vợ cho con”. Khi tôi hỏi: “Sau này có dự định gì để nuôi con ăn học thành tài?”, Thắm chỉ khóc, bởi ngoài nghề bán xôi mà mẹ chồng truyền lại, với mức lời 15-20 ngàn đồng/ngày, cô gái xuất thân từ nghề cắt lúa mướn này chẳng còn nghề gì khác đủ để nuôi con. Rồi đây ai sẽ gồng gánh việc nhà giúp vợ, ai sẽ thay cha trông con? Tương lai của 2 đứa trẻ sẽ về đâu?
Tôi càng thêm xé lòng khi biết sự ra đi của Tùng không chỉ để lại khoảng trống không gì bù đắp được cho tương lai của người vợ và 2 đứa con, mà còn như cày xới lên nỗi đau trong quá khứ mà mẹ và nội anh cố tình chôn giấu mấy chục năm qua. Cái không gian tràn ngập nước mắt lại đầy thêm tiếng khóc khi bà Nguyễn Thị Bích - mẹ Tùng - “bật mí” bí mật gia tộc: “Năm thằng Tùng được 6 tuổi, ba nó cũng ra đi ở tuổi 26 như nó bây giờ. Bà nội nó (Trần Thị Cát, 80 tuổi) cũng chịu cảnh như vậy: Ông nội nó tham gia kháng chiến, cũng hy sinh ở tuổi 25”.
Tôi lặng lẽ nhìn lên bát hương nghi ngút khói trên bàn thờ Tùng mà nghĩ đến nỗi bất hạnh lớn lao đang phủ trùm lên số phận 3 nàng dâu dòng họ Huỳnh. Có chồng sinh được 2 người con, hạnh phúc đời người của họ chỉ nồng đượm 4-5 năm, rồi vĩnh viễn chìm trong đau khổ. “Đời người có một đau khổ đã đủ khô nước mắt, vậy mà tôi đau khổ đến 3 lần rồi, chú à” - bà Cát đã làm tôi sởn da gà bằng bài toán cộng. “Chồng chết là một đau khổ, con trai chết để lại cháu là hai đau khổ, bây giờ đến lượt cháu nội là ba”.
Tôi sững sờ nhận ra nỗi bất hạnh lớn hơn cả cái chết đang đè nặng lên gia đình người tiểu đội trưởng xả thân hộ đê cứu lúa và phần nào hiểu thêm mức độ tàn độc của thiên tai ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Lục Tùng
Lao động