Đồng Tháp:
“Vỡ đê là trắng tay luôn”
(Dân trí) - "Hơn 1 tuần lễ nay, hễ nghe tiếng rọt rẹt của loa phóng thanh thì ai nấy đều nhốn nháo. Nếu mực nước, đê bao bình thường thì thôi, còn nghe chỗ này, chỗ kia vỡ đê là chẳng ăn ngủ được.", Bác Dương Ngọc Ấm ở xã Thường Thới Tiền, Hồng Ngự bày tỏ.
Bác Dương Ngọc Ấm bước vào nhà với bộ dạng mệt lả. Bác Ấm rót tách trà uống vội và cho chúng tôi biết, vừa cùng với bà con cứu thành công đoạn đê Tư Ân (thuộc xã Thường Thới Tiền). Theo bác Ấm mô tả, nước đã tràn vào và sạt một đoạn chân đê. Nhưng do có cây, có người và máy móc sẵn nên cứu đê kịp thời.
Tiếp lời chồng, bác gái cho biết: “Lo lắm chú ơi, vợ chồng tui già rồi, ở không thấy cũng buồn nên vụ rồi thuê 15 công đất (15.000m2) của người ta trồng lúa. Nếu tính đến giờ này, tiền thuê đất, tiền giống, phân thuốc, … mỗi công tốn hết 2.500.000 đồng. Lúa giờ đang trổ bông, còn hơn 20 ngày nữa là gặt rồi. Vậy mà nước lũ cứ lên hoài, nếu vỡ đê là trắng tay luôn chú ơi! ”
Ngồi trò chuyện với chúng tôi, vợ chồng chú Ấm cứ nhìn qua bên kia sông. Nơi nước lũ từ đầu nguồn cuồn cuộn đổ về, mỗi lúc một lớn và mạnh. Lũ vô tình cuốn trôi nhà cửa, khoét sâu vào thân đê mặc cho bà con ngày đêm ra công gia cố.
Cùng tâm trạng với bác Ấm vợ chồng anh Huỳnh Văn Hường (ở cùng ấp Trung) ngồi bệt trên bờ cống nhìn ra cánh đồng lúa đang thì trổ lác đác. Vợ anh Hường buồn rười rượi, chẳng nói câu nào với chúng tôi. Anh Hường bùi ngùi cho biết: “Nhà có 4 miệng ăn, tất cả trông chờ vào 10 công đất này. Nếu có vấn đề gì, cảnh nợ nần là phải chịu, nhưng tội nhất là cái ăn, cái mặc và việc học hành của tụi nhỏ sắp tới!”
Cũng theo anh Hường, bên cạnh nhà anh có anh Tâm thuê 20 công đất để trồng lúa vụ này. Vợ chồng anh này đã vay ngân hàng 30 triệu đồng để đầu tư vào vụ lúa. Với lãi suất 22%/ tháng, nếu như anh thu hoạch được thì không có vấn đề gì. Còn lũ nhấn chìm hết thì nguy to.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, những hộ nông dân đang trồng lúa (số nhiều thuộc những người thuê đất) trong tuyến đê bao này đa số đều phải vay ngân hàng để canh tác. Nếu một hộ làm 10 công lúa, chi phí mỗi công là 2.500.000 đồng thì cũng đầu tư gần 30.000.000 đồng. Bởi vậy nước lũ tràn về, uy hiếp đê bao nên tâm trạng của bà con nơi đây y như ngồi trên đống lửa.
Trao đổi với chúng tôi ông Nguyễn Văn Mẫn – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hồng Ngự cho biết: “Đây là vụ lúa trúng thứ 2 sau vụ lúa đông xuân. Vì thế từ khâu giống đến phân thuốc, chăm sóc , … bà con đã đầu tư hết sức mình vào vụ lúa này. Và với “mã lúa” như hiện nay thì đang hứa hẹn một vụ lúa bội thu. Nhưng khi nước lũ tiếp tục gia tăng như thế này, bà con cũng như chính quyền địa phương đang lo lắm!”
Một ngày ở lại với người dân trong tuyến đê bao mới thấy hết nỗi lo của bà con trồng lúa là như thế nào. Người già cũng như trẻ, con trai con gái, ai nấy đều luôn trong tư thế sẵn sàng cầm len, cây, bao, … tiến lên cứu đê, bất kể ngày hay đêm.
Bài, ảnh: Ngô Nguyễn