1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Liên tục các vụ đánh nhau, xô xát: Tầm quan trọng của kiểm soát cảm xúc

Hải Nam

(Dân trí) - Theo Thượng tá Đào Trung Hiếu, kiểm soát cảm xúc là kỹ năng quan trọng, cần được rèn luyện từ khi còn nhỏ, mà gia đình và nhà trường đóng vai trò then chốt.

Thời gian qua, hàng loạt các vụ ẩu đả, xô xát, đánh nhau xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước, nguyên nhân xuất phát từ những mâu thuẫn bộc phát, nhỏ lẻ khi tham gia giao thông, cuộc sống.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Thượng tá Đào Trung Hiếu (Tiến sĩ Tội phạm học) cho rằng sự thiếu kiềm chế cảm xúc là một trong những lý do khiến xung đột leo thang và dẫn đến bạo lực.

Dưới góc độ một chuyên gia tâm lý, ông Hiếu cho rằng kiểm soát cảm xúc là một kỹ năng quan trọng giúp mỗi cá nhân phản ứng một cách bình tĩnh và hợp lý trước các tình huống căng thẳng hoặc bất ngờ.

Theo vị Tiến sĩ, kỹ năng này không tự nhiên có được mà phải trải qua quá trình rèn luyện lâu dài từ khi còn nhỏ. Trong đó, vai trò của gia đình và nhà trường trong việc hình thành thói quen kiểm soát cảm xúc là vô cùng quan trọng.

Liên tục các vụ đánh nhau, xô xát: Tầm quan trọng của kiểm soát cảm xúc - 1

Anh L. bị đánh hội đồng (Ảnh: Cắt từ camera an ninh).

Cha mẹ cần làm gương cho trẻ

Đối với vai trò của gia đình, ông Hiếu cho rằng đây là môi trường đầu tiên và quan trọng nhất trong việc hình thành nhân cách và cảm xúc của trẻ.

"Cha mẹ không chỉ là người dạy trẻ các kỹ năng sống cơ bản mà còn là tấm gương cho trẻ noi theo trong cách ứng xử và xử lý cảm xúc", ông Hiếu nói và đưa ra 4 yếu tố mà các bậc phụ huynh cần lưu ý để trẻ được rèn luyện cách ứng xử

Một là, dạy trẻ cách nhận biết và gọi tên cảm xúc. Theo Thượng tá Hiếu, ngay từ khi còn nhỏ, cha mẹ nên khuyến khích trẻ nhận biết các trạng thái cảm xúc của mình như vui, buồn, giận dữ, lo lắng... Khi trẻ hiểu rõ cảm xúc của mình, chúng sẽ biết cách kiểm soát tốt hơn.

Liên tục các vụ đánh nhau, xô xát: Tầm quan trọng của kiểm soát cảm xúc - 2

Thượng tá Đào Trung Hiếu (Ảnh: Hải Nam).

Hai là, khuyến khích trẻ bày tỏ cảm xúc một cách lành mạnh. Thay vì kìm nén hoặc bộc phát cảm xúc tiêu cực, ông Hiếu cho rằng cha mẹ nên hướng dẫn trẻ cách bày tỏ cảm xúc thông qua lời nói hoặc các hoạt động tích cực như vẽ, viết nhật ký..., khen ngợi khi trẻ kiểm soát tốt cảm xúc.

"Cả gia đình và nhà trường nên thường xuyên khích lệ khi trẻ biết kiềm chế cảm xúc và xử lý tình huống một cách bình tĩnh. Điều này giúp trẻ cảm thấy tự tin và tiếp tục phát huy thói quen tốt", ông Hiếu chia sẻ.

Ba là, làm gương cho trẻ. Vị chuyên gia nhấn mạnh, trẻ em thường học hỏi cách ứng xử từ cha mẹ, nếu cha mẹ luôn bình tĩnh và xử lý tình huống một cách ôn hòa, trẻ sẽ học được cách kiềm chế và giải quyết vấn đề tương tự.

Bốn là, không nên trấn áp cảm xúc của trẻ. Theo ông Hiếu, khi trẻ giận dữ hoặc buồn bã, cha mẹ không nên dùng biện pháp quát mắng hoặc ép trẻ im lặng, mà nên đồng hành và hướng dẫn trẻ vượt qua cảm xúc đó.

Lắng nghe học sinh thay vì chỉ trích

Về vai trò của nhà trường, Thượng tá Đào Trung Hiếu cho rằng, đây là nơi trẻ học hỏi và rèn luyện nhiều kỹ năng quan trọng, trong đó có kỹ năng kiểm soát cảm xúc. Các chương trình giáo dục hiện đại không chỉ tập trung vào kiến thức mà còn chú trọng đến phát triển trí tuệ cảm xúc (EQ) của học sinh.

"Nhà trường nên lồng ghép các bài học về cảm xúc, kỹ năng sống vào môn học chính khóa hoặc các hoạt động ngoại khóa. Những buổi thảo luận nhóm, trò chơi nhập vai giúp trẻ nhận biết cảm xúc và cách phản ứng phù hợp trong các tình huống khác nhau.

Khuyến khích trẻ viết nhật ký cảm xúc. Việc viết ra những điều khiến trẻ vui, buồn hoặc tức giận là một cách hiệu quả giúp trẻ giải tỏa cảm xúc. Đồng thời, cha mẹ và giáo viên có thể dựa vào đó để hiểu tâm lý trẻ và đưa ra hướng dẫn phù hợp", Thượng tá Hiếu nói.

Liên tục các vụ đánh nhau, xô xát: Tầm quan trọng của kiểm soát cảm xúc - 3

Kiểm soát cảm xúc là kỹ năng quan trọng, cần được rèn luyện từ khi còn nhỏ (Ảnh minh họa: T.N.).

Bên cạnh đó, ông Hiếu cũng cho rằng nhà trường cần tạo môi trường học tập thân thiện, không áp lực. Khi học sinh cảm thấy thoải mái, an toàn trong môi trường học đường, các em sẽ dễ dàng chia sẻ cảm xúc và học cách kiểm soát bản thân tốt hơn.

"Nhà trường cần tổ chức các buổi ngoại khóa hoặc câu lạc bộ để rèn luyện kỹ năng giải quyết xung đột một cách hòa bình. Những kỹ năng này giúp học sinh biết cách giữ bình tĩnh và tìm giải pháp hợp lý khi xảy ra mâu thuẫn.

Song song với đó, giáo viên chủ nhiệm cần thường xuyên quan tâm, lắng nghe học sinh và hướng dẫn các em cách giải tỏa căng thẳng trong học tập, cuộc sống. Thay vì chỉ trích khi học sinh nóng giận, giáo viên nên tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra lời khuyên tích cực", vị Thượng tá chia sẻ.

Đưa ra kết luận cuối cùng, ông Hiếu khẳng định kiểm soát cảm xúc là kỹ năng quan trọng, cần được rèn luyện từ khi còn nhỏ, mà gia đình và nhà trường đóng vai trò then chốt trong việc giúp trẻ hình thành thói quen này.

"Một đứa trẻ biết kiểm soát cảm xúc sẽ trưởng thành và trở thành một người biết cách ứng xử văn minh, góp phần xây dựng môi trường xã hội an toàn và lành mạnh hơn.

Đặc biệt, khi trẻ lớn lên và tham gia giao thông - một môi trường nhiều áp lực - kỹ năng này sẽ giúp trẻ biết cách giải quyết mâu thuẫn một cách bình tĩnh, tránh được các hành vi bạo lực đáng tiếc", Thượng tá Đào Trung Hiếu nói.