1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Liên thông công chứng, đăng ký sử dụng đất và thuế để chặn giao dịch giả

Thế Kha

(Dân trí) - Sẽ thí điểm liên thông thủ tục công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất và thuế nhằm tiết kiệm chi phí và giúp phát hiện, ngăn chặn các giao dịch giả tạo, hợp pháp hóa các giao dịch bất hợp pháp.

Tại hội nghị triển khai Nghị quyết số 172/2020 của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu khẳng định nghị quyết là căn cứ pháp lý quan trọng, tạo cơ hội phát triển lớn cho nghề công chứng. Nếu triển khai hiệu quả trong thực tế sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cả về tổ chức và hoạt động để nghề công chứng phát triển bền vững, ổn định, tham gia ngày càng sâu vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nghị quyết số 172 đặt ra yêu cầu rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về xử lý hành vi sử dụng tài liệu, giấy tờ giả, giả mạo người yêu cầu công chứng và các hành vi vi phạm pháp luật khác liên quan đến hoạt động công chứng.

Đặc biệt sẽ thực hiện thí điểm liên thông khi có yêu cầu của cá nhân, tổ chức đối với thủ tục công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và thuế nhằm tiết kiệm chi phí trong việc thực hiện thủ tục hành chính và giúp phát hiện, ngăn chặn các giao dịch giả tạo, hợp pháp hóa các giao dịch bất hợp pháp, tránh thất thoát nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Liên thông công chứng, đăng ký sử dụng đất và thuế để chặn giao dịch giả - 1

(Ảnh minh họa).

Đánh giá về việc này, ông Tuấn Đạo Thanh - Chủ tịch Hiệp hội công chứng viên Việt Nam cho rằng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công chứng sẽ giúp đẩy lùi vấn nạn giấy tờ giả, giao dịch giả hiện nay và tiết kiệm thời gian, chi phí cho cá nhân, tổ chức.

Là một trong 3 địa phương sẽ tiến hành thí điểm liên thông thủ tục, ông Ngô Quang Giáp - Giám đốc Sở Tư pháp Hải Dương khẳng định đây là việc hết sức cần thiết để minh bạch hóa, chống nạn giấy tờ giả. Tuy nhiên do đây là vấn đề khá mới nên Bộ Tư pháp cần phối hợp các bộ ngành liên quan như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng… để tạo thuận lợi cho địa phương trong quá trình thí điểm.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm