Leo lên ngai vàng điện Thái Hòa quậy phá: Giá trị nguyên bản đã không còn
(Dân trí) - Từ câu chuyện ngai vàng bị phá hoại, nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng đây là sự việc hy hữu, không ai lường trước và biểu tượng quốc gia đã bị xâm hại.
Liên quan đến vụ đối tượng Hồ Văn Phương Tâm xâm hại ngai vua triều Nguyễn tại điện Thái Hòa (Đại nội Kinh thành Huế, TP Huế), nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế (cũ), nhận định đây là sự việc hy hữu và biểu tượng quốc gia đã bị xâm hại.
Theo ông Hoa, sự việc ở điện Thái Hòa diễn ra trong một tình huống mà có lẽ người quản lý không lường trước được; cũng không ai nghĩ sẽ có một vị khách tham quan di tích nổi tiếng, trong tình trạng "ngáo đá", lẻn vào khu vực bảo vật quốc gia để thực hiện hành vi phá hoại.

Ngai vàng triều Nguyễn trước thời điểm bị đối tượng Hồ Văn Phương Tâm xâm hại (Ảnh: Vi Thảo).
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho rằng, hiện vật bị hư hỏng có thể sửa chữa, phục chế lại được. Tuy nhiên giá trị nguyên bản rõ ràng đã không còn, trong khi đây lại là bảo vật đã được công nhận, mang tính biểu tượng quốc gia.
"Đó không phải giá trị mang tính vật chất mà cái giá trị lớn nhất là biểu tượng quốc gia đã bị xâm hại một cách thê thảm", ông Hoa chia sẻ.
Là một người từng làm công tác quản lý (Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế) và nghiên cứu văn hóa lâu năm, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho biết ông thấy buồn về câu chuyện quản lý di sản văn hóa hiện nay.
Theo ông Hoa, sự việc lần này đã đặt ra một bài toán lớn cho những người có trách nhiệm làm công tác quản lý văn hóa, di tích và đây không chỉ là câu chuyện của riêng Huế.

Phóng viên Dân trí trao đổi với nhà nghiên cứu văn hóa Nguyên Xuân Hoa (bên trái) xung quanh câu chuyện Bảo vật quốc gia bị xâm hại (Ảnh: Hải Lan).
Trả lời báo chí bên hông điện Thái Hòa sau khi kiểm tra thực tế vào sáng 26/5, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Huế, thẳng thắn nhìn nhận, ngai vàng triều Nguyễn bị xâm hại là sự việc hy hữu và hết sức đáng tiếc, gây hậu quả nghiêm trọng.
UBND thành phố Huế đã yêu cầu các tổ chức, cá nhân rà soát, kiểm điểm trách nhiệm, rút ra bài học kinh nghiệm.
Theo ông Bình, đến nay, UBND thành phố Huế đã báo cáo với Chính phủ, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, đồng thời triển khai các giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn công tác bảo quản các hiện vật quý giá mà thành phố đang gìn giữ.
Lãnh đạo thành phố Huế chỉ đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao xây dựng phương án bảo vệ di sản theo đúng quy định của pháp luật, chú trọng đến các di tích, hiện vật cấp quốc gia và các di sản đặc biệt có giá trị, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các hiện vật.
Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã đưa ngai vàng triều Nguyễn về lưu giữ, bảo quản tại kho cổ vật, chờ tu sửa; đồng thời, bản phục chế được trưng bày tại điện Thái Hòa phục vụ du khách tham quan.
Trước đó, Dân trí đã đưa tin, lúc 11h55 ngày 24/5, đối tượng Hồ Văn Phương Tâm mua vé vào cổng Đại nội Huế, sau đó quậy phá khu vực ngai vàng triều Nguyễn tại điện Thái Hòa, làm hư hỏng hiện vật.
Đến ngày 25/5, đối tượng đã bị cơ quan chức năng thành phố Huế tạm giữ hình sự để điều tra làm rõ hành vi. Tuy nhiên, đối tượng có biểu hiện loạn thần, nói nhảm, gây khó khăn cho quá trình lấy lời khai của cơ quan điều tra.
Cùng ngày, Phó Thủ tướng Mai Văn Chính đã chỉ đạo kiểm tra, xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan, tránh để xảy ra trường hợp tương tự.
Phó Thủ tướng yêu cầu UBND thành phố Huế khẩn trương chỉ đạo kiểm tra, đánh giá tình trạng kỹ thuật của bảo vật quốc gia, đề xuất giải pháp bảo quản, phục hồi theo quy định của pháp luật.