1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Lên mạng mua… chứng minh thư

Sau một hồi dò hỏi, T - chủ một đường dây chuyên thu mua CMND với số lượng lớn trên mạng - ngã giá: một chiếc CMND loại cũ là 30.000đ, loại mới 50.000đ; nếu có thêm thẻ ATM đồng bộ đi kèm thì có giá từ 300.000 - 500.000đ.

Lên mạng mua… chứng minh thư - 1

Một mẩu tin thông báo cần mua CMND trên trang raovat.com
 
Mua, bán CMND: Cần là có!

 

Thời gian gần đây, trên một số trang web xuất hiện nhiều lời quảng cáo về thu gom cũng như cung cấp chứng minh nhân dân (CMND) cho những ai có nhu cầu. Để hiểu rõ thêm về loại hình “kinh doanh” CMND đang xuất hiện ở Hà Nội, trong vai chủ một cửa hàng cầm đồ tọa lạc trên đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) đang có nhu cầu bán “tháo” CMND với số lượng lớn, chúng tôi đã liên lạc với T. - chủ một đường dây chuyên thu mua CMND với số lượng lớn trên mạng - thông qua số điện thoại 091272…

 

Sau một hồi dò hỏi và không thấy nghi ngờ, T. liền ngã giá cũng như phương thức giao dịch nhận hàng. Theo T., giá thu mua của một chiếc CMND loại cũ là 30.000đ, còn mới thì tăng thêm 20.000đ. Số lượng “hàng” khi giao dịch phải trên 100 cái.

 

Đặc biệt, T. còn cho biết: Nếu có thêm thẻ ATM (thẻ rút tiền tự động) thì “bộ” CMND đó sẽ có giá từ 300.000đ - 500.000đ. Trước khi gác máy, T. không quên cung cấp cho tôi tên một hòm thư điện tử với mục đích giúp việc giao dịch thuận lợi hơn...

 

Theo sự chỉ dẫn của một người bạn, chúng tôi đã liên lạc với S. - chủ một cửa hàng cầm đồ trên đường Láng (quận Đống Đa) để đặt mua CMND với số lượng lớn. Như vớ được mối “hàng” có nhiều tiềm năng, S. không ngần ngại ra giá: “Giá của 1 chiếc CMND (năm sinh từ năm 1978-1986) là 1 triệu đồng. Giao hàng tận tay”.

 

Trong cuộc trò chuyện, ngã giá, chúng tôi được biết, hiện trong cửa hàng S. đang có khoảng 10 chiếc CMND do khách hàng cầm cố, đặt làm tin. Đặc biệt, nếu mua với số lượng lớn, S. sẽ sẵn sàng thu gom từ các mối lái khác để đáp ứng. Điều đáng nói ở đây chính là việc trong suốt quá trình giao dịch, S. không hề quan tâm đến chuyện tôi mua CMND với số lượng lớn nhằm mục đích gì, có sử dụng để vi phạm pháp luật hay không?

 

Dạo một vòng qua các trang rao vặt, mua bán trên mạng, chúng tôi khá ngạc nhiên khi bắt gặp khá nhiều lời quảng cáo liên quan đến dịch vụ này. Chủ nhân của những lời rao vặt, quảng cáo chỉ để lại số điện thoại di động và ai có nhu cầu thì liên lạc trực tiếp để trao đổi. Sau khi thống nhất về giá cả, phương thức thì việc mua bán mới được thực hiện.

 

Những “đại lý” này cũng cam kết tất cả số CMND nói trên đều là “đồ xịn” 100%. Nguồn gốc những CMND trên phần lớn đều có xuất xứ từ những hiệu cầm đồ do khách đã… bỏ lại.

 

Mọi hình thức mua, bán CMND đều là phạm pháp

 

Việc xuất hiện hàng loạt những thông tin mua bán CMND đã đặt ra nhiều vấn đề mà các cơ quan chức năng cần phải quan tâm xử lý. Trên thực tế từ trước tới nay đã có rất nhiều trường hợp sử dụng CMND của người khác để tiến hành các thủ tục kinh doanh, buôn bán để lừa đảo. Đặc biệt, nhiều đối tượng đã sử dụng CMND của người khác đăng ký mở tài khoản ngân hàng để lừa đảo bằng cách bán hàng qua mạng.

 

Gần đây nhất hồi trung tuần tháng 4/2009, Công an quận Cầu Giấy cũng đã phát hiện ra vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản do Nguyễn Đình Toản, 20 tuổi, trú tại huyện Yên Thế (tỉnh Bắc Giang) thực hiện. Trước đó, tháng 12/2008, Toản đã thay ảnh của mình vào một chiếc CMND có tên Lý Văn N. để đi thuê xe tự lái hiệu Mitsubishi của một trung tâm cho thuê xe tự lái nằm trên đường Nguyễn Phong Sắc (quận Cầu Giấy) rồi sau đó đem đặt lấy 150 triệu đồng để tiêu xài, trả nợ. Trên đây chỉ là vụ án điển hình liên quan đến việc sử dụng CMND giả mà các cơ quan chức năng trong thời gian qua đã triệt phá.

 

Chiều 24/5, nhóm phóng viên đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Đỗ Đức Quang - Phó trưởng Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH (PC13) - Công an TP Hà Nội. Thượng tá Quang cho biết: CMND là một vật bất ly thân của mỗi cá nhân giúp cho mỗi cá nhân giao dịch, đi lại được thuận tiện hơn. Trên đó thể hiện lý lịch tư pháp rõ ràng của mỗi cá nhân. Theo quy định của pháp luật, CMND không phải là loại tài sản có thể đem ra cầm cố, trao đổi mua bán. Mọi hình thức giao dịch, thu mua CMND đều là hoạt động phạm pháp.

 

Theo Thượng tá Đỗ Đức Quang, việc xuất hiện những thông tin về mua bán CMND dưới những hình thức khác nhau (trao đổi trực tiếp hoặc trên mạng) trong thời gian qua đang gián tiếp làm cho các hành vi phạm pháp hình thành. Bởi, nhiều đối tượng đã thu mua CMND của người khác, sau đó cắt dán ảnh của mình vào để đi lừa đảo tài sản, trục lợi cho bản thân. Do đó, người dân cần nhận thức rõ những hệ lụy khôn lường đi kèm với CMND, không nên giao dịch mua bán, cầm cố vật bất ly thân này.

 

Bên cạnh đó theo Thượng tá Đỗ Đức Quang thì cơ quan chức năng khi tiếp nhận, tiến hành các thủ tục có liên quan với mỗi cá nhân cũng cần phải xem xét kỹ CMND tránh gặp các trường hợp sử dụng CMND của người khác, CMND bị bóc gỡ, thay ảnh… để kịp thời phát hiện các vi phạm.

 

Được biết, hiện tại mỗi năm Công an TP Hà Nội tiến hành cấp, đổi khoảng 300.000 CMND. Về thủ tục đổi, cấp lại CMND hiện nay được tiến hành khá chặt chẽ. Phải có xác nhận của CSKV, Công an phường, xã, thị trấn. Tuy nhiên, Thượng tá Quang cũng đặt ra vấn đề là đối với số những CMND người dân đã bị mất, thất lạc thì việc quản lý của cơ quan chức năng cũng sẽ gặp khó khăn.

 

Theo Nghị định 05 của Chính phủ về chứng minh nhân dân ra ngày 3/2/1999 thì CMND là một loại giấy tờ tùy thân của công dân do cơ quan Công an có thẩm quyền chứng nhận về những đặc điểm riêng và nội dung cơ bản của mỗi công dân trong độ tuổi do pháp luật quy định, nhằm bảo đảm thuận tiện việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của công dân trong đi lại và thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.

Mỗi CMND có giá trị sử dụng 15 năm kể từ ngày cấp. Đồng thời, nghiêm cấm việc làm giả, tẩy xóa, sửa chữa, cho thuê, cho mượn, thế chấp… CMND.

 

Theo Xuân Luận - Trần Huy

Công an nhân dân