1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM:

"Lề mề" khắc phục sự cố metro, Ban Quản lý đường sắt bị phê bình

Quốc Anh

(Dân trí) - Tập thể lãnh đạo Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM (giai đoạn 2018-2019) bị UBND TPHCM phê bình nghiêm khắc vì chậm trễ ký hợp đồng với đơn vị tư vấn IC cho tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương).

Chậm trễ ký phụ lục hợp đồng tư vấn dự án

Theo UBND TPHCM, việc chậm trễ ký hợp đồng với đơn vị tư vấn thực hiện dự án (tư vấn IC) đã làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng dự án và uy tín của UBND TP với các nhà tài trợ và đối tác ngoại giao.

Lề mề khắc phục sự cố metro, Ban Quản lý đường sắt bị phê bình - 1

Tuyến metro số 2 đã cơ bản hoàn thành các thủ tục ban hành quyết định bồi thường, 601/603 trường hợp bị thu hồi đất (ảnh: Phạm Nguyễn).

UBND TP giao tập thể lãnh đạo Ban Quản lý Đường sắt đô thị rút kinh nghiệm sâu sắc trong việc điều hành, quản lý các dự án; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đảm bảo thực hiện đúng quy định pháp luật và chỉ đạo của UBND TP có liên quan đến việc thực hiện các dự án xây dựng các tuyến đường sắt đô thị của TP.

UBND TP giao Trưởng ban Quản lý Đường sắt đô thị tiếp tục theo dõi và chịu trách nhiệm người đứng đầu có liên quan trong trường hợp thanh tra, kiểm toán phát hiện các cá nhân có sai phạm trong việc ký kết hợp đồng với đơn vị tư vấn IC và các dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị khác của thành phố.

Mới đây, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã đề nghị TPHCM nêu lý do chậm huy động lại tư vấn IC (liên danh Metro Team Line 2 là nhà thầu) cho tuyến metro số 2. Bởi không  có tư vấn sẽ không thể triển khai các bước tiếp theo của dự án như: gia hạn các khoản đã vay, vay mới từ nhà tài trợ; mở thầu các gói thầu chính...

Trả lời Bộ Kế hoạch - Đầu tư, UBND TP cho biết, do nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan nên tháng 10/2018 tư vấn IC đã tạm dừng tham gia dự án cho đến nay.

Hợp đồng tư vấn tăng hơn 12 triệu Euro

Tháng 11/2019, Ban Quản lý Đường sắt đô thị đã tổ chức các buổi họp trực tuyến để thương thảo với tư vấn IC và 2 bên cũng đã có công văn chính thức trao đổi về thương việc thương thảo hoàn thiện, ký kết phụ lục hợp đồng 13 về các dịch vụ phát sinh để hoàn thành các nhiệm vụ thuộc giai đoạn A của hợp đồng IC.

Lề mề khắc phục sự cố metro, Ban Quản lý đường sắt bị phê bình - 2

Các địa phương đã bàn giao mặt bằng đạt 75% - 450/603 trường hợp bị thu hồi đất (ảnh: Phạm Nguyễn).

Quá trình đàm phán đã thống nhất cơ bản các nội dung về vi phạm công việc hợp đồng 13. Tuy nhiên, việc thương thảo gặp trở ngại do tư vấn IC yêu cầu phải thanh toán các dịch vụ đã thực hiện thuộc hợp đồng gốc và các phụ lục hợp đồng đã ký trước khi thương thảo phụ lục hợp đồng 13.

Song qua rà soát hợp đồng trọn gói và các phụ lục hợp đồng đã ký cũng như quy định của Việt Nam về quản lý hợp đồng, các nhiệm vụ này chưa hoàn thành vì vậy không thể thanh toán.

Để chuẩn bị cho tình huống tư vấn từ chối thương thảo và các phương án thay thế nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đối với dự án, dự kiến trong quý 1/2021, Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP sẽ tổ chức làm việc chính thức với các nhà tài trợ.

Phụ lục hợp đồng số 13 là hợp đồng cuối và phía tư vấn IC tính chi phí phát sinh gần 3,7 triệu Euro. 12 phụ lục hợp đồng trước đó đã được ký và có 6 phụ lục tăng gần 9 triệu Euro. Điều này khiến chi phí phát sinh có thể lên tới hơn 12 triệu Euro so với hợp đồng ký 8 năm trước.

Theo Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP, ký 13 phụ lục hợp đồng xuất phát từ các yêu cầu bắt buộc trong quá trình thực hiện dự án như: điều chỉnh ranh, thiết kế, phân bổ lại phạm vi công việc, chỉnh sửa hồ sơ mời thầu...

Việc điều chỉnh đòi hỏi tư vấn phải cập nhật, hoàn thiện lại hồ sơ, làm thủ tục với các nguồn vay vốn cho dự án... Tuy nhiên, việc này không làm tăng tổng mức đầu tư do đã tính toán khi điều chỉnh dự án hồi cuối năm 2019.

Năm 2012, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP ký hợp đồng tư vấn IC cho dự án metro số 2 trị giá gần 44 triệu Euro, chia làm 2 giai đoạn.

Giai đoạn A thực hiện theo hình thức "trọn gói", trị giá gần 13 triệu Euro để thiết kế và hỗ trợ đấu thầu các gói thầu chính. Giai đoạn B trị giá hơn 31 triệu Euro để giám sát thi công.

Khởi công dự án giữa năm 2022

Lề mề khắc phục sự cố metro, Ban Quản lý đường sắt bị phê bình - 3

Dự án với tổng chiều dài khoảng 11,3km, trong đó 9,3 km đi ngầm và 2 km đi trên cao (ảnh: Phạm Nguyễn).

Dự án metro số 2 với hướng tuyến: Đô thị Tây Bắc (huyện Củ Chi) - quốc lộ 22 - Bến xe Tây Ninh - Trường Chinh - Tham Lương - Cách Mạng Tháng Tám - Phạm Hồng Thái - Lê Lai - Bến Thành - Thủ Thiêm, với tổng chiều dài 48km. Dự án này được chia thành 3 giai đoạn.

Hiện, TPHCM đang triển khai giai đoạn 1 (Bến Thành - Tham Lương), dự án được phê duyệt năm 2010 với tổng mức đầu tư hơn 1,3 tỷ USD, sau đó điều chỉnh lên 2,1 tỷ USD (gần 47.900 tỷ đồng) vào cuối năm 2019.

Dự án với tổng chiều dài khoảng 11,3km (9,3 km đi ngầm và 2 km đi trên cao). Tuyến có 11 ga (1 ga trên cao), đi qua quận 1, 3, 10, Tân Bình, Tân Phú và 12. Depot Tham Lương đặt tại quận 12 với diện tích 25ha (dùng chung cho tuyến metro số 6). Dự án sẽ hoàn thành năm 2026.

Dự kiến, kế hoạch triển khai các hạng mục chính do các nhà tài trợ yêu cầu: năm 2021 sẽ hoàn thành giải phóng mặt bằng; công tác di dời hạ tầng kỹ thuật triển khai từ tháng 8/2021; tổ chức đấu thầu các gói thầu chính trong năm 2021-2022.

Hiện nay, Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP đang hoàn tất các thủ tục để khẩn trương mời thầu trong năm 2021 và dự kiến có thể trao thầu, khởi công xây dựng giữa năm 2022.