1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Lấy ý kiến dân việc đổi tên thị trấn có thành cổ Diên Khánh 230 năm tuổi

Trung Thi

(Dân trí) - Thông tin thị trấn Diên Khánh - địa danh gắn liền với di tích thành cổ Diên Khánh 230 năm tuổi - bị đổi tên "lạ" gây ý kiến trái chiều, địa phương quyết định lấy ý kiến người dân trước khi thay đổi.

Ngày 13/5, đại diện UBND huyện Diên Khánh (tỉnh Khánh Hòa) cho biết đã có kế hoạch tổ chức lấy ý kiến cộng đồng về đề án thành lập thị xã Diên Khánh, các phường thuộc thị xã và đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã ở địa phương này.

Trong đề án, huyện Diên Khánh đã quyết định tổ chức lấy ý kiến của người dân về việc thay đổi tên thị trấn Diên Khánh thành phường với 2 phương án dự kiến gồm "phường Diên Khánh" hoặc "phường Phú Thành".

Lấy ý kiến dân việc đổi tên thị trấn có thành cổ Diên Khánh 230 năm tuổi - 1

Thành cổ Diên Khánh nằm ở thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh (Ảnh: Trung Thi).

Đối tượng được lấy ý kiến là cử tri trên 18 tuổi đăng ký tạm trú, thường trú tại địa phương.

Trước đó vào cuối tháng 3, ông Lại Văn Tài, Chánh văn phòng UBND huyện Diên Khánh, đã ký thông báo kết luận của Chủ tịch UBND huyện này về thống nhất tên gọi mới của thị trấn Diên Khánh khi trở thành phường.

Theo đó, sau khi tổ chức họp các cơ quan chuyên môn, ông Nguyễn Văn Gẩm, Chủ tịch UBND huyện Diên Khánh, thống nhất kết luận tên gọi thị trấn Diên Khánh khi trở thành phường là phường Phú Thành.

Lấy ý kiến dân việc đổi tên thị trấn có thành cổ Diên Khánh 230 năm tuổi - 2

Thị trấn Diên Khánh nhìn từ trên cao (Ảnh: Trung Thi).

Sau kết luận, UBND huyện sẽ có tờ trình xin ý kiến Thường trực Huyện ủy và Ban Thường vụ Huyện ủy Diên Khánh về tên gọi mới này.

Văn bản kết luận trên sau đó được lan truyền trên mạng xã hội và nhận nhiều ý kiến trái chiều.

Người dân cho rằng tên thị trấn Diên Khánh gắn liền với di tích thành cổ Diên Khánh 230 năm tuổi, nên việc đổi tên sang phường Phú Thành thấy chưa hợp lý.

Thành cổ Diên Khánh thuộc thị trấn Diên Khánh được chúa Nguyễn xây dựng cách đây 230 năm để phòng thủ, án ngữ và bảo vệ vùng đất Nam Trung Bộ tại thời điểm đó.7

Tại thời điểm xây dựng, thành có 6 cửa gồm tả, hữu, đông, tây, tiền (hướng nam), hậu (hướng bắc). Đến năm 1823, 2 cửa tả, hữu bị phá bỏ, nay chỉ còn 4 cửa.

Tường thành chạy uốn khúc theo hình lục giác, dài gần 2.700m, cao chừng 3,5m. Mặt ngoài thành được đắp hơi thẳng đứng, mặt trong được đắp thoai thoải, 2 bên cổng có các bậc thang dùng làm đường lên xuống.

Năm 1988, Bộ Văn hóa ban hành quyết định xếp hạng Thành cổ Diên Khánh là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.