Lấy ý kiến 10 tỉnh, thành phía Bắc về dự thảo Luật Đất đai
(Dân trí) - Ông Lê Minh Ngân - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết dự thảo Luật Đất đai đã được gửi lấy ý kiến các địa phương và đến nay đã nhận được ý kiến góp ý của các tỉnh, thành.
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa phối hợp với UBND thành phố Hải Phòng tổ chức hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với 10 tỉnh, thành phía Bắc (Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hòa Bình, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam và Ninh Bình).
Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết đã chủ động rà soát, đánh giá hơn 100 luật, bộ luật có liên quan đến đất đai và xây dựng báo cáo rà soát, xác định rõ những nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật Đất đai và các luật liên quan.
Ban soạn thảo, tổ biên tập đã tổ chức nhiều hội thảo, làm việc với các địa phương ngay từ thời điểm tổng kết thi hành Luật Đất đai trên tinh thần lắng nghe ý kiến, cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng và đánh giá tác động hết sức chặt chẽ, toàn diện trong mỗi một nội dung đề xuất sửa đổi.
Trong năm 2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang tiếp tục tổ chức các đoàn công tác lấy ý kiến với UBND các tỉnh, thành phố, các vùng trên cả nước. Song song với quá trình xây dựng dự án luật, để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục chỉ đạo các cơ quan có liên quan rà soát các quy định của pháp luật đất đai. Qua đó đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai và đang lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương, tổ chức cá nhân.
Ông Lê Minh Ngân - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết dự thảo Luật Đất đai đã được gửi lấy ý kiến các địa phương và đến nay đã nhận được ý kiến góp ý của các tỉnh.
Cơ quan này mong nhận được ý kiến góp ý xung quanh những vấn đề như: thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất; chế độ quản lý, sử dụng đất khu, cụm công nghiệp; đất khu kinh tế; đất để phát triển đô thị, khu dân cư nông thôn; đất thương mại, dịch vụ; đất quốc phòng, an ninh; sử dụng đất có mặt nước ven biển, vấn đề lấn biển, những khó khăn bất cập sau thanh tra, kiểm tra và giải pháp; các nội dung mang tính đặc thù của từng địa phương như đất tôn giáo, tín ngưỡng, chế độ sử dụng một số loại đất, vấn đề tập trung, tích tụ đất nông nghiệp, hạn mức sử dụng đất…
Những ý kiến góp ý sẽ được cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu, tổng hợp khi hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai và dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành luật này.
Như Dân trí phản ánh, sáng 16/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.
Tại đây, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đến sau thời điểm Trung ương có chủ trương, định hướng, chỉ đạo về đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai làm cơ sở chính trị cho việc sửa đổi dự án Luật. Thời điểm đó, Chính phủ sẽ hoàn thiện dự án luật để trình Quốc hội.