1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Lấy phiếu tín nhiệm - chưa ổn để luật hóa?

(Dân trí) - Bàn về việc sửa luật Tổ chức Quốc hội hôm nay, 14/1, nhiều ý kiến của các ủy viên UB Thường vụ Quốc hội vẫn băn khoăn với đề xuất đưa quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm vào luật vì lo ngại quy trình vẫn chưa ổn, cần xem xét hoàn thiện trước.

Tờ trình về dự án luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi của Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý nêu một vấn đề liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Cụ thể, theo ông Lý, nghị quyết số 35 về vấn đề này được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4 (tháng 11/2012) và tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2013), Quốc hội đã tiến hành lấy phiếu lần đầu. Kết quả việc lấy phiếu, đánh gía tín nhiệm được cử tri và dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Nhiều vấn đề liên quan quy định lấy phiếu tín nhiệm đang được kiến nghị xem xét, chỉnh sửa cho hợp lý hơn. Nhưng Hiến pháp mới không quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm. Ông Lý đặt vấn đề, luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi lần này có nên quy định về vấn đề lấy phiếu tín nhiệm hay không?

Chủ nhiệm UB pháp luật đề nghị có quy định về lấy phiếu tín nhiệm vì kết quả thể hiện tốt.
 
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần đầu tại Quốc hội được đánh giá tích cực.
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần đầu tại Quốc hội được đánh giá tích cực.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chia sẻ băn khoăn, Nghị quyết 35 của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm hiện nay đang được sửa đổi, vậy quy định lấy phiếu tín nhiệm có đưa vào luật, hay vẫn để ở tầm nghị quyết?

Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương “can gián” chưa nên đưa quy định này vào luật ngay mà chờ thực hiện theo nghị quyết vài năm nữa.

Ngược lại, Chủ nhiệm UB Đối ngoại Trần Văn Hằng lại nhìn nhận, đây là vấn đề được cử tri rất quan tâm, lại là một nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội, cần chờ Nghị quyết TƯ để hoàn thiện thêm trong dự án luật.

Nêu quan điểm “đứng giữa”, Chủ nhiệm UB Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi ủng hộ việc đưa quy định về lấy phiếu tín nhiệm vào luật Tổ chức Quốc hội nhưng thời điểm thì cần cân nhắc. Theo ông Thi, cần áp dụng thực hiện Nghị quyết 35 thêm một thời gian, sau đó tổng kết, hoàn thiện để quy định mang tính ổn định khi đưa vào luật.

Một nội dung khác được cơ quan soạn thảo đề nghị là quy định trong luật việc tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lên ít nhất là 35% (khoảng 175 trong tổng số 500 đại biểu). Một số ý kiến thậm chí còn đề nghị nâng tỷ lệ này lên cao hơn.

“Theo tôi, tỷ lệ này ít nhất phải ở mức 40%. Đây mới là lực lượng quyết định hoạt động của các ủy ban”, Chủ nhiệm Trần Văn Hằng nói.

Chủ nhiệm Đào Trọng Thi lại lo lắng, 40% đại biểu chuyên trách là “hơi nhiều”, khó thực hiện được. Ông Thi đưa ra con số 37%.

Theo thống kê, Quốc hội khóa XI có 121 đại biểu chuyên trách (gần 25% tổng số đại biểu), Quốc hội khóa XII và XIII lần lượt có 145 và 150 đại biểu chuyên trách (tương đương chiếm 29,41% và 30%).

UB Thường vụ Quốc hội đánh giá, qua các nhiệm kỳ, cơ cấu đại biểu Quốc hội ngày càng hợp lý hơn, số lượng đại biểu chuyên trách được tăng thêm đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc sắp xếp, bố trí cán bộ, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Tuy nhiên, thành viên Hội đồng dân tộc và các ủy ban của Quốc hội chủ yếu là đại biểu kiêm nhiệm nên phải phân bổ quỹ thời gian để giải quyết nhiều nhiệm vụ, áp lực công việc lớn dẫn đến khó nâng cao chất lượng hoạt động.

Ban soạn thảo dự án luật cũng đề nghị bổ sung vào dự án luật việc nâng Ban Dân nguyện của Ủy ban thường vụ Quốc hội thành UB Dân nguyện của Quốc hội với các nhiệm vụ, quyền hạn tương tự như Hội đồng Dân tộc, các UB của Quốc hội. Nội dung này nhận được sự đồng tình của UB Thường vụ Quốc hội.

P.Thảo