1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Lấy phiếu tín nhiệm 5 năm 1 lần không an toàn hơn cho cán bộ

(Dân trí) - “Lấy phiếu tín nhiệm không phải là tìm căn cứ để xử lý cán bộ vì muốn xử lý đã có chế định bỏ phiếu. Không nên đặt vấn đề lấy phiếu 1 lần/nhiệm kỳ có an toàn cho cán bộ hay không” - Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật Lê Minh Thông lập luận.

Theo chương trình làm việc, sáng 6/6, Quốc hội thảo luận về việc sửa Nghị quyết số 35 về lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Như nội dung xin ý kiến đại biểu trước đó, dư luận hiện quan tâm nhất đến đề xuất giảm tần suất lấy phiếu, từ định kỳ hàng năm xuống chỉ 1 lần/nhiệm kỳ?

1 năm trước Quốc hội đã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm lần đầu, các địa phương cũng tiến hành lấy phiếu do HĐND bầu và phê chuẩn. 1 năm triển khai hoạt động này đã cho những kết quả rất tích cực, cử tri đánh giá và đồng tình cao. Tuy nhiên quá trình thực hiện cũng có một số bất cập đặt ra cần rút kinh nghiệm để nâng cao hơn nữa chất lượng việc lấy phiếu.

Việc sửa Nghị quyết lần này là để nâng cao tính thiết thực của việc lấy phiếu nhằm đáp ứng tốt hơn công tác cán bộ của Đảng. Qua sơ kết, vấn đề số lượng lần lấy phiếu trong một nhiệm kỳ là nội dung cơ bản được sửa.

Việc lấy phiếu hàng năm có đưa lại kết quả nhất định. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho thấy, thời gian 1 năm là quá ngắn, chưa đầy đủ căn cứ để đánh giá một cách xác thực, đúng đắn, công bằng với các vị trí mỗi cán bộ đảm trách. Vậy nên cũng có ý kiến đề nghị lấy phiếu 1 lần/nhiệm kỳ, có ý kiến đề xuất 2 lần/nhiệm kỳ.

Qua thảo luận, đánh giá, tham khảo chuyên gia, UB Thường vụ thấy rằng có thể lấy phiếu 1 lần/nhiệm kỳ là đủ vì sau khi bầu cũng cần có thời gian để cho cán bộ thể hiện năng lực của mình. Sau khi được lấy phiếu, đánh giá tín nhiệm thì cũng cần thời gian cho mỗi vị trí hoặc phát huy những mặt mạnh của mình, hoặc là khắc phục những tồn tại, yếu kém của mình.

Nhiều ý kiến cũng đặt vấn đề cần mở rộng diện người được lấy phiếu. Tuy nhiên UB Thường vụ Quốc hội thấy chưa cần thiết phải mở rộng mà dự thảo Nghị quyết sửa đổi cơ bản vẫn giữ nguyên diện đối tượng như quy định tại Nghị quyết 35. Bởi lẽ Quốc hội chỉ có thể lấy phiếu với những người mà mình bầu và phê chuẩn, còn những cán bộ khác thì sẽ có cơ chế khác để đánh giá vì theo quy định, trong hệ thống chính trị Việt Nam, mọi cán bộ Đảng viên sẽ đều được lấy phiếu, theo cách này hay cách khác thôi chứ không ai nằm ngoài diện đánh giá tín nhiệm.
Lấy phiếu tín nhiệm 5 năm 1 lần không an toàn hơn cho cán bộ
Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật Lê Minh Thông: "Nói sửa quy định, lấy phiếu tín nhiệm 1 lần/nhiệm kỳ để an toàn hơn cho cán bộ là không xác đáng" (ảnh: P.Thảo).

Có ý kiến cho rằng chỉ lấy phiếu 1 lần/nhiệm kỳ thì quá an toàn cho người được lấy phiếu, theo đó, việc lấy phiếu tín nhiệm, khi đó, lại trở thành hình thức?

Trước hết ta phải xem xét việc này từ mục đích của lấy phiếu. Mục đích trước hết của chúng ta không phải là tìm căn cứ để xử lý cán bộ vì muốn xử lý cán bộ thì có chế định bỏ phiếu tín nhiệm. Mục đích lớn nhất của lấy phiếu là một kênh đánh giá cán bộ để giúp cán bộ tự nhìn nhận mình một cách tốt hơn, khách quan hơn, có cái nhìn toàn diện hơn để tự mình nâng cao hoạt động của mình, tự mình hoàn thiện mình, cơ quan làm nhân sự cũng có cái nhìn toàn diện hơn về công tác cán bộ.

Nếu lấy mục tiêu này là đầu tiên thì việc an toàn hay không an toàn không nên đặt ra vì việc này không nhằm đến việc xử lý hay không xử lý ai. Cực chẳng đã, mất tín nhiệm quá thì ta mới xử lý còn không thì ta có cơ chế xử lý khác. Vậy nên tôi cho rằng ý kiến đánh giá việc sửa nghị quyết theo hướng này là để an toàn hơn cho cán bộ là không xác đáng.

Nhưng rõ ràng, cả nhiệm kỳ 5 năm chỉ lấy phiếu 1 lần thì nếu có bị đánh giá tín nhiệm thấp, bị “rung chuông” thì người được lấy phiếu cũng khó có động lực để tự chỉnh mình vì lại hết nhiệm kỳ rồi, nếu cần, nhiệm kỳ sau nhắm vào vị trí khác?

Ứng với việc điều chỉnh tần suất lấy phiếu, vấn đề xử lý hệ quả pháp lý khi người được lấy phiếu không đạt yêu cầu tín nhiệm cũng được nghiên cứu, sửa đổi.

Trước đây theo Nghị quyết 35, mỗi năm Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm 1 lần, chức danh nào qua 2 lần tín nhiệm thấp thì chuyển sang bỏ phiếu tín nhiệm. Lần này do sửa đổi theo hướng chỉ lấy phiếu 1 lần/nhiệm kỳ nên những người được lấy phiếu nếu có kết quả quá 30% đến dưới 2/3 số phiếu là tín nhiệm thấp thì ngay trong kỳ họp sau đó, Quốc hội sẽ đặt vấn đề bỏ phiếu. Với những người trong lần lấy phiếu tín nhiệm mà có 2/3 số đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp thì ngay trong kỳ họp đó Quốc hội đặt vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm luôn để xem xét lại công tác cán bộ.

Quy định như vậy theo tôi còn thiết thực hơn, không để đến kỳ sau, lần lấy phiếu sau vì một người mà bị 2/3 đại biểu bỏ tín nhiệm thấp thì có lẽ phải có phương án thay thế ngay.

Về hình thức phiếu tín nhiệm, có nhiều ý kiến nghi ngại việc vẫn giữ nguyên ở 3 mức là chưa sòng phẳng, vẫn là tạo điều kiện thuận lợi cho người được lấy phiếu?

Tôi vẫn cho rằng mục đích việc lấy phiếu là để đánh giá cán bộ một cách toàn diện, công bằng hơn chứ không phải lấy mục tiêu là xử lý cán bộ nên việc ta cho rằng người đó phải có tín nhiệm mới được Quốc hội bầu và phê chuẩn, chỉ có tín nhiệm cao hay thấp mà thôi. Cách lấy phiếu là để đo xem tín nhiệm còn đến bao nhiêu nên việc đánh giá ở 3 mức tín nhiệm cao - tín nhiệm trung bình - tín nhiệm thấp không ảnh hưởng gì đến việc bỏ phiếu. Vấn đề phải bám sát là mục tiêu lấy phiếu.

Việc thiết kế 2 mức phiếu tín nhiệm - không tín nhiệm rất phù hợp với quy trình bỏ phiếu tín nhiệm còn Quốc hội khi bầu hoặc phê chuẩn 1 người vào vị trí, ví dụ là Bộ trưởng, nghĩa là phải tin tưởng người đó. Còn sau 1-2 năm người đó làm không được thì mức độ tín nhiệm có thay đổi.

Ông có tin việc sửa Nghị quyết theo hướng này sẽ giải quyết được những vướng mắc, bất cập đặt ra hiện nay vì tất cả những vấn đề đó đều đã được cảnh báo khi Quốc hội bắt tay xây dựng nghị quyết 35?

Việc này Quốc hội mới đang xem xét, sẽ thảo luận và thông qua dự thảo Nghị quyết sửa đổi này. Nếu được thông qua theo hướng này thì cũng cần chờ Quốc hội tiến hành lấy phiếu và đánh giá thì mới biết được chứ giờ còn quá sớm để nói đến kết quả thế nào.

Còn đương nhiên những người soạn thảo Nghị quyết chúng tôi đều rất kỳ vọng việc sửa quy định theo hướng này sẽ là một thước đo chính xác hơn, góp phần tốt hơn vào công tác đánh giá cán bộ.

Trong nhiệm kỳ này, ta đã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm 1 lần “tập dượt”, còn như dự thảo Nghị quyết sửa đổi, cuối năm nay sẽ lấy phiếu như 1 lần chính thức cho nhiệm kỳ khóa XIII. Tôi hi vọng việc lấy phiếu lần này sẽ phát huy được tính tích cực của Nghị quyết 35 đồng thời khắc phục được những tồn tại, vướng mắc ta đang gặp phải.

Xin cảm ơn ông!

P.Thảo (thực hiện)