“Lấy phiếu tín nhiệm năm nào cũng vỗ tay thì phải xem lại!”

(Dân trí) - “Lần đầu tiên lấy phiếu tín nhiệm gây ấn tượng rất tốt, nhưng đến hết nhiệm kỳ năm nào cũng hòa cả làng, vỗ tay hết cũng phải xem lại đề thi có quá dễ không!”, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội Lê Như Tiến nói.

Trao đổi với phóng viên Dân trí về kết quả đợt lấy phiếu tín nhiệm từ Quốc hội đến HĐND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội cho rằng, không nên để khối Lập pháp (Quốc hội) lấy phiếu cùng khối Hành pháp (Chính phủ).

Quốc hội và Chính phủ nên lấy phiếu tín nhiệm riêng

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm vừa qua cho thấy rõ người đứng đầu trong danh sách có phiếu tín nhiệm cao luôn ở phía Quốc hội và HĐND còn những người ngồi “ghế nóng” ở Chính phủ cũng như UBND phiếu tín nhiệm thấp thường cao hơn. Là người theo sát đợt lấy phiếu tín nhiệm, ông phân tích thế nào về kết quả đó?

Theo tôi, cách lấy phiếu như hiện nay bao giờ số phiếu tín nhiệm cao cũng rơi vào khối Lập pháp, còn người được nhiều phiếu tín nhiệm thấp nhất bao giờ cũng rơi vào khối Hành pháp. Tại sao như vậy, là vì những người đứng đầu khối Hành pháp làm việc theo chế độ thủ trưởng, trách nhiệm cá nhân nhìn thấy rõ ngay qua công việc. Còn khối Lập pháp làm việc tập thể, quyết định theo đa số nên trách nhiệm cá nhân không rõ ràng. Ngay bản thân Chủ tịch Quốc hội hay Chủ nhiệm Ủy ban cũng chỉ là người giữ vai trò điều hòa, phối hợp.

“Lấy phiếu tín nhiệm năm nào cũng vỗ tay thì phải xem lại!”

"Nên chọn ra một số người đứng đầu bộ ngành để bỏ phiếu tín nhiệm thì tốt hơn là đưa ra cả 49 chức danh để lấy phiếu" - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội Lê Như Tiến.

Vậy theo ông, Quốc hội có nên hướng tới việc tách lấy phiếu tín nhiệm khối Lập pháp và Hành pháp?

Tôi luôn cho rằng không nên lấy phiếu tín nhiệm khối Lập pháp và Hành pháp cùng nhau bởi khối Lập pháp có nhiệm vụ giám sát hoạt động của khối Hành pháp. Vì vậy, nên tách hai khối này ra theo hướng chỉ lấy phiếu tín nhiệm với cơ quan Hành pháp, còn các cơ quan khác cũng lấy phiếu tín nhiệm nhưng ở hình thức khác. Nếu làm được như vậy là rất tốt!

Cũng có ý kiến cho rằng lấy phiếu tín nhiệm cùng lúc cả 49 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn là quá dàn trải. Thực tế, nhiều đại biểu không nắm rõ hết thông tin chức danh được lấy phiếu nên khó cân nhắc mức độ tín nhiệm trong lá phiếu?

Lấy phiếu tín nhiệm cả 49 chức danh như hiện nay đại biểu không có thời gian để đối thoại với bất kỳ ai (chức danh được lấy phiếu). Bỏ lá phiếu mà anh không biết thông tin chính xác về người ta sẽ ảnh hưởng đến kết quả. Biết đâu qua đối thoại chức danh được lấy phiếu có thể nói rõ hơn rằng đã áp dụng các giải pháp nhưng vì khách quan nên bất khả kháng, đại biểu có thể thông cảm. Còn nếu do nguyên nhân chủ quan thì anh phải chịu.

Kỳ họp nào cũng bỏ phiếu như vậy và không giải quyết được vấn đề gì thì cử tri và nhân dân sẽ mất lòng tin đối với lấy phiếu tín nhiệm.” - ông Lê Như Tiến nói.

Tôi nghiêng về ý như Hiến pháp hiện hành và Luật hoạt động giám sát của Quốc hội ban hành, có hiệu lực từ 1/8/2003. Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do mình bầu hoặc phê chuẩn theo quy định: Ủy ban Thường vụ Quốc hội tự mình hoặc khi có kiến nghị của ít nhất 20% tổng số đại biểu Quốc hội hoặc kiến nghị của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Quan điểm của tôi là nên chọn ra một số người đứng đầu bộ ngành để bỏ phiếu tín nhiệm thì tốt hơn là đưa ra cả 49 chức danh để lấy phiếu. Nếu cần hàng năm đưa danh sách 49 chức danh cho đại biểu đánh dấu vào đó, lựa chọn ai cần bỏ phiếu tín nhiệm. Còn nếu tổng hợp tất cả 49 vị đều dưới 20% thì năm đó không nhất thiết phải lấy phiếu tín nhiệm. Tôi tin với sự nhạy cảm, với trách nhiệm trước cử tri, đất nước, các đại biểu sẽ chọn rất trúng người cần bỏ phiếu tín nhiệm.

Như vậy, Quốc hội nên theo hướng không lấy phiếu phiếu tín nhiệm mà chỉ bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do mình bầu hoặc phê chuẩn, thưa ông?

Lấy phiếu tín nhiệm ở ba mức thì số phiếu tín nhiệm thấp thường đạt tỷ lệ ít, khó có khả năng vượt quá 50% để bỏ phiếu tín nhiệm. Khi thảo luận lấy phiếu tín nhiệm tôi cũng có ý kiến lo ngại làm một cách “dàn trải” như vậy rất dễ hòa cả làng. Bằng chứng ta đã có rồi, ai cũng tín nhiệm hết, duy chỉ khác ai cao hơn, thấp hơn thôi. Vì vậy, nhiều HĐND nói rằng nếu cứ như thế mãi thì có nhất thiết phải lấy phiếu tín nhiệm nữa hay không. Thực tiễn lấy phiếu tín nhiệm Quốc hội, HĐND cho chúng ta thấy cần phải sửa đổi, bổ sung một số điều trong Nghị quyết này để tránh lần lấy phiếu tiếp cũng đều vỗ tay cả và dẫn đến chuyện hình thức.

Sau lấy phiếu là gì?

Đợt lấy phiếu tín nhiệm lần này được cử tri đánh giá rất cao, nhưng nhìn kết quả từ Quốc hội đến HĐND các tỉnh thành phố, cũng có không ít lo ngại nếu hết nhiệm kỳ năm nào cũng như vậy thì không giải quyết được gì, thưa ông?

Lần đầu tiên lấy phiếu tín nhiệm đạt kết quả như vậy là rất tốt, có tác dụng cảnh báo đối với người tín nhiệm thấp, củng cố lòng tin, tạo động lực phấn khởi đối với người tín nhiệm cao. Thế nhưng, trong khi xã hội còn nhiều vấn đề bức xúc mà kỳ họp nào cũng bỏ phiếu như vậy và không giải quyết được vấn đề gì thì cử tri và nhân dân sẽ mất lòng tin đối với lấy phiếu tín nhiệm.

Giống như một kỳ thi, tất cả các chức danh do Quốc hội, HĐND các tỉnh thành bầu hoặc phê chuẩn đều đỗ cả, thậm chí nhiều người đạt được kết quả cao thì phải xem mình “ra đề” có quá dễ hay không. Năm nào cũng như thế, đến hết nhiệm kỳ bỏ phiếu bốn - năm lần đều như nhau, hòa cả làng và tất cả đều vỗ tay hết cũng phải xem lại.

Đại biểu HĐND Hà Nội hoàn tất lấy phiếu tín nhiệm chỉ trong vòng 5 phút (từ khi phát phiếu)
Đại biểu HĐND Hà Nội hoàn tất lấy phiếu tín nhiệm chỉ trong vòng 5 phút (từ khi phát phiếu)

Những vị trí nhận được nhiều phiếu tín nhiệm thấp đợt này theo ông có phải do năng lực hay họ ngồi vào “ghế nóng”?

Tôi cho phải đánh giá cả hai yêu tố đó mới toàn diện. Bằng chứng cho thấy những người ngồi “ghế nóng” nhưng vẫn được tín nhiệm cao. Không phải cứ giao thông vận tải, giáo dục, y tế là những người thường xuyên cọ sát với nhân dân, nhất là vấn đề nóng, vì có những người ở các tỉnh chịu trách nhiệm trực tiếp vấn đề đó vẫn đạt nhiều phiếu tín nhiệm cao. Tuy nhiên, cũng có những người ngồi vào “ghế nóng” thường dễ bị đánh giá tín nhiệm thấp vì họ thường cọ sát, đưa ra những chính sách tác động tới nhân dân.

Nhưng cũng phải nói có nguyên nhân thuộc về chủ quan đó là do năng lực, cá tính, lối sống, mối quan hệ… dẫn đến phiếu tín nhiệm thấp.

Sau khi có kết quả lấy phiếu tín nhiệm, nhiều cử tri mong Quốc hội đưa quyết sách cụ thể đối với người đạt phiếu tín nhiệm thấp để họ hoàn thành nhiệm vụ được giao, đạt tín nhiệm cao hơn lần sau?

Không phải chỉ cử tri Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh mà cử tri cả nước đều đặt vấn đề lấy phiếu tín nhiệm xong rồi sẽ thế nào? Hậu phiếu tín nhiệm có vấn đề gì không? Nếu không ít nhất người tín nhiệm thấp phải có chương trình hành động hoặc phương hướng xử lý công việc của đơn vị và cá nhân mình trước đây chưa làm được. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm cũng là một kênh quan trọng để quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ.

Xin cảm ơn ông!

Quang Phong (thực hiện)