Đề xuất 5 năm mới lấy phiếu tín nhiệm 1 lần
(Dân trí) - Việc lấy phiếu tín nhiệm định kỳ hàng năm được Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội ghi nhận là giúp đánh giá được cán bộ kịp thời nhưng lại quá ngắn cho người được lấy phiếu sửa sai. Vì vậy UB Thường vụ đề nghị tổ chức lấy phiếu một lần vào giữa nhiệm kỳ.
Chủ trì cuộc họp báo trước kỳ họp Quốc hội thứ 7, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, ngoài 11 dự án luật sẽ được biểu quyết thông qua, tại kỳ họp này, Quốc hội cũng quyết 3 nghị quyết và cho ý kiến lần đầu với 16 dự án luật khác.
Trong số 3 Nghị quyết dự kiến được thông qua có Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 35 năm 2013 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
Trên cơ sở ý kiến của một số đại biểu, đoàn đại biểu Quốc hội, kiến nghị của thường trực HĐND của nhiều địa phương; kết quả và những hạn chế, vướng mắc qua đánh giá, rút kinh nghiệm việc thực hiện Nghị quyết 35; thực hiện kết luận của Bộ Chính trị, UB Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định một số nội dung sửa đổi Nghị quyết 35 về phạm vi, đối tượng lấy phiếu tín nhiệm; thời hạn và thời điểm lấy phiếu; mức đánh giá tín nhiệm trong việc lấy phiếu; quy trình lấy phiếu; báo cáo của người được lấy phiếu…
Trao đổi thêm về nội dung này, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc diễn giải, việc lấy phiếu tín nhiệm là biện pháp mới để đánh giá cán bộ, mới qua lần đầu tiên triển khai. Đây là biện pháp đúng đắn, phù hợp, giúp cán bộ tự xem xét, xoay chuyển mình trong quá trình lãnh đạo, điều hành, để tự tu dưỡng tốt hơn về đạo đức, lối sống. Đây cũng là một kênh thông tin để các đơn vị quản lý cán bộ tham khảo, thông qua việc này để rút kinh nghiệm về công tác nhân sự.
Tuy nhiên việc tiến hành lấy phiếu này mới qua lần đầu tiên, cần tổ chức rút kinh nghiệm. Qua sơ kết Thường vụ Quốc hội nhận thấy cần xem xét chỉnh sửa một số điểm cho phù hợp hơn. Các nội dung về thời điểm lấy phiếu, đối tượng lấy phiếu, hình thức lấy phiếu… đều cần điều chỉnh vì qua sơ kết cũng thấy một số điểm bộc lộ bất cập, hạn chế.
Cụ thể, về đối tượng, UB Thường vụ Quốc hội vẫn đề xuất giữ nguyên như hiện hành. Một số HĐND các cấp có kiến nghị đưa thêm vào một số chức danh là thành viên UBND các cấp như Giám đốc Sở, Trưởng phòng vào diện lấy phiếu tại địa phương. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội lý giải, nếu những người này không được lấy phiếu tại HĐND thì cũng được đánh giá tín nhiệm tại các cấp khác như trong cơ quan, đơn vị, tại UBND…
“Đó cũng là một kênh đánh giá. Chúng ta làm sao để qua các kênh sẽ quét được hết các đối tượng, không để lọt chức danh nào” – ông Phúc nêu nguyên tắc.
Về thời điểm lấy phiếu, việc định kỳ mỗi năm lấy phiếu một lần như thực hiện vừa qua, ông Phúc nhận xét, ưu điểm là đánh giá được cán bộ kịp thời. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, thời gian lặp lại hoạt động như thế quá ngắn, một năm chưa đủ cho những người được lấy phiếu tự sửa sai sót của mình. Vì vậy UB thường vụ Quốc hội đề nghị tổ chức lấy phiếu một lần vào giữa nhiệm kỳ, tại kỳ họp sau của năm thứ 3.
Về hình thức, UB Thường vụ Quốc hội kiến nghị giữ nguyên 3 mức phiếu tín nhiệm: tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệp thấp.
“Đây là kết quả để tham khảo, đánh giá cán bộ của các cấp có thẩm quyền, để cân nhắc chuyển sang nội dung bỏ phiếu tín nhiệm khi cần thiết” – ông Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh.
Do những thay đổi cần xem xét đó, tại kỳ họp này, Quốc hội dừng việc lấy phiếu lần thứ 2. Nếu đề xuất điều chỉnh về thời điểm lấy phiếu được thông qua như đề xuất của UB Thường vụ, hoạt động lấy phiếu tín nhiệm sẽ được tổ chức lại vào kỳ họp cuối năm nay.
P.Thảo