“Lật lại” vụ cán bộ hải quan Hải Phòng bị bắn chết
(Dân trí) - Vụ án cán bộ Cục hải quan Hải Phòng bị bắn chết tháng 11/2007 được quy là một vụ giết người vì nợ. 8 bị cáo lãnh án trong phiên toà sơ thẩm. Tuy nhiên, nhiều tình tiết biểu hiện một vụ thanh toán “kiểu xã hội đen” đã bị bỏ ra ngoài vụ án..
“Bác” án sơ thẩm
Phiên toà sơ thẩm xét xử nhóm sát thủ 8 người diễn ra tháng 3/2009. Vụ án được tái hiện là một vụ trả thù, giết người vì nợ nần. Nạn nhân là anh Nguyễn Điều Độ (cán bộ Chi cục Hải quan Khu vực 1, Cục Hải quan Hải Phòng, 42 tuổi).
Vụ án mạng xảy ra khoảng 4-5h sáng ngày 29/11/2007, anh Nguyễn Điều Độ (SN 1965) trên đường đi làm về bị kẻ lạ mặt dùng súng Carbine bắn chết tại đường Lương Khánh Thiện, quận Ngô Quyền. Thủ phạm chính được xác định là Lưu Thế Nhương (37 tuổi, trú phường Gia Thụy, quận Long Biên, Hà Nội), người trực tiếp bóp cò, xả đạn vào nạn nhân.
Tháng 5/2007, Nhương rắp tâm thanh toán anh Độ nên đặt hàng Lê Văn Lộc (26 tuổi, trú tại phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, Hà Nội) mua một khẩu súng. Sau đó, Lộc gặp Vương Tài Phú (38 tuổi, trú tại thôn Cầu Gỗ, xã Bảo Lý, huyện Phú Bình, Thái Nguyên), một đầu nậu vũ khí, mua một khẩu súng Carbine của Mỹ với giá 5 triệu đồng cùng 10 viên đạn.
Có súng, Nhương lắp thêm một đèn lazer và rủ Đào An Quang Đức (25 tuổi, trú tại tập thể Viện KSND Tối cao, Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội) tức tốc xuống Hải Phòng tìm giết anh Độ. Chiều 27/11/2007, Đức chở Nhương đi lòng vòng tìm “mục tiêu” nhưng không được. Cả hai về nhà bạn gái Nhương là Vũ Thị Diệu Tiên (35 tuổi, trú tại phường Lương Khánh Thiện, quận Ngô Quyền, Hải Phòng) nghỉ ngơi.
29/11/2007, phát hiện anh Độ có mặt tại Đồ Sơn, Diệu Tiên đã nhắn tin cho Nhương biết. Sau đó, Đức chở Nhương trên xe máy và bắt đầu cuộc truy sát. Đến phố Lương Khánh Thiện, 2 sát thủ đuổi kịp và Nhương đã nổ súng bắn chết anh Độ.
Án sơ thẩm được tuyên, sát thủ Nhương nhận mức phạt nặng nhất trong các bị cáo - tù chung thân. Tuy nhiên, gia đình nạn nhân đã kháng án với quan điểm các cơ quan tố tụng chưa đánh giá đúng tính chất vụ án. Một số tình tiết và nhân vật “góp mặt” trong vụ án đã được xác định nhưng quá trình xét xử lại không được xét tới.
Trả thù cá nhân hay thanh trừng kiểu “xã hội đen”?
Ông Nguyễn Văn Trình (trú tại 39/30/199 Tô Hiệu, Dư Hàng Kênh, Lê Chân, Hải Phòng) - bố nạn nhân đã làm đơn gửi các cơ quan chức năng cho rằng con mình bị giết bởi một vụ giật dây, thanh toán theo kiểu “xã hội đen” chứ không phải do mâu thuẫn nợ nần. Theo đó, các cơ quan tố tụng Hải Phòng đã bỏ lọt tội phạm.
Ông Trình chỉ ra, tài liệu điều tra vụ án có thể hiện lời khai của các bị cáo về một nhân vật: H “nước dừa”. Trong nhiều bút lục, sát thủ Lưu Thế Nhương có khai, những ngày nằm chực ở Hải Phòng rình chờ anh Độ, Nhương có gặp H “nước dừa”, nói về dự định “truy nợ” cán bộ Hải quan này. H “nước dừa” biết ý đồ giết người của Nhương, nhưng đã không can ngăn hay trình báo, tố giác mà còn “đổ dầu vào lửa”.
Theo ông Trình, H “nước dừa” có “số má” ở đất Cảng, từng dính đến Dũng “kiều”, một chủ sòng điều hành đường dây đánh bạc, cá độ xuyên quốc gia quy mô hàng chục triệu “đô”. Trong thời gian anh Độ bị bắn chết, H và nhiều tay chân có liên quan tới việc điều hành tín dụng đen ở casino Đồ Sơn.
Gia đình nạn nhân cũng cho rằng, H “nước dừa” cùng với các bị can của vụ án là Vũ Thị Diệu Tiên, Vũ Thị Ánh Tuyết (Tuyết “băng cốc”, chị gái Tiên) và Lưu Thế Nhương có quan hệ làm roling tại casino Đồ Sơn.
Với những tình tiết này, đại diện người bị hại đặt dấu hỏi về vai trò của H “nước dừa” không được đả động trong vụ án. Việc cơ quan tố tụng Hải Phòng không đưa nhân vật này ra xem xét, xử lý là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.
Căn cứ vào các lời khai của sát thủ Nhương tại cơ quan điều tra, ông Nguyễn Văn Trình quả quyết con trai mình đã bị thanh toán theo kiểu “xã hội đen”, chứ không đơn thuần chỉ là một vụ án giết người vì nợ nần như kết luận của cơ quan tố tụng. Ông Trình cũng cho rằng, Tuyết “băng cốc” có hành vi kích động Nhương giết người.
Nửa năm từ sau phiên sơ thẩm, phiên toà phúc thẩm sắp được TAND tối cao mở lại. Vụ án giết người tàn bạo bằng vũ khí nóng, đậm chất mafia có cơ hội được xem xét lại một cách toàn diện hơn. Gia đình nạn nhân vẫn chờ đợi một phán quết công minh, sáng tỏ cho cả người chết và những người còn sống.
Phương Lê