1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Ninh Bình

Lập phương án tháo dỡ công trình “khủng” xâm hại di sản thế giới Tràng An

(Dân trí) - Hơn 500m tổng chiều dài đường lên xuống núi Cái Hạ với trên 900 bậc thang xây dựng trái phép, xâm hại di sản thế giới Tràng An sẽ bị tháo dỡ. Việc hủy bỏ công trình “khủng” được tính kỹ lưỡng để đảm bảo an toàn, giữ cảnh quan cho vùng lõi di sản.

Sáng 26/3, chính quyền huyện Hoa Lư (Ninh Bình) tổ chức cuộc họp bàn phương án tháo dỡ, cưỡng chế công trình “khủng” xây dựng trái phép trong vùng lõi di sản Tràng An của Công ty CP Du lịch Tràng An do ông Nguyễn Văn Son làm chủ tại núi Cái Hạ, xã Trường Yên. Cuộc họp được thực hiện sau khi có chủ trương từ UBND tỉnh Ninh Bình và thực hiện theo chức năng nhiệm vụ của chính quyền địa phương.

Chính quyền huyện Hoa Lư (Ninh Bình) họp lên phương án tháo dỡ, cưỡng chế công trình khủng xây dựng trái phép trong vùng lõi di sản thế giới Tràng An.
Chính quyền huyện Hoa Lư (Ninh Bình) họp lên phương án tháo dỡ, cưỡng chế công trình "khủng" xây dựng trái phép trong vùng lõi di sản thế giới Tràng An.

Ông Nguyễn Sĩ Trí, Bí thư Huyện ủy Hoa Lư chủ trì cuộc họp, đông đủ lãnh đạo huyện, các phòng ban chức năng cùng dự bàn phương án. Việc lên phương án tháo dỡ, cưỡng chế công trình “khủng” trong vùng lõi di sản Tràng An được huyện Hoa Lư xác định: Đây là công trình xây dựng trái phép, vi phạm nghiêm trọng bắt buộc phải tháo dỡ, thực hiện nghiêm đúng theo quy định của pháp luật.

Tại cuộc họp, chính quyền huyện Hoa Lư thông tin, tổng chiều dài của bậc thang lên xuống núi Cái Hạ mà Công ty CP Du lịch Tràng An đã xây dựng trái phép sau khi khảo sát chính xác là 510m với hơn 900 bậc thang.

Ngoài xây dựng bậc thang lên xuống núi Cái Hạ trái phép, tại điểm “Tràng An cổ” do Công ty CP Du lịch Tràng An quản lý còn có một số hoạt động du lịch chưa được cấp phép như tự ý bán vé cho khách tham ngồi thuyền, sử dụng đội ngũ hướng dẫn viên trái quy định… Dịp này, chính quyền địa phương cũng sẽ xử lý luôn những sai phạm có liên quan này.

Sau khi báo Dân trí phản ánh về công trình khủng trái phép ở Tràng An, tỉnh Ninh Bình yêu cầu công ty CP Du lịch Tràng An đóng cửa, dừng đóng khách tại đường lên núi Cái Hạ nhiều ngày qua.
Sau khi báo Dân trí phản ánh về công trình "khủng" trái phép ở Tràng An, tỉnh Ninh Bình yêu cầu công ty CP Du lịch Tràng An đóng cửa, dừng đóng khách tại đường lên núi Cái Hạ nhiều ngày qua.

Bí thư Huyện ủy Hoa Lư cho hay, phải tháo dỡ vì công trình vi phạm nghiêm trọng. Các phương án tháo dỡ, cưỡng chế được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và theo các bước: Trước hết, chính quyền sẽ tuyên truyền vận động ông Nguyễn Văn Son – Giám đốc Công ty CP Du lịch Tràng An tự giác tháo dỡ công trình vi phạm; nếu không đồng ý mới thực hiện việc cưỡng chế.

“Sáng ngày mai (27/3) tôi sẽ trực tiếp đến gặp gỡ ông Son để giải thích, tuyên truyền, vận động ông tự ý tháo dỡ công trình xây dựng trái phép. Nếu được sự đồng thuận của ông Son thì việc tháo dỡ công trình sẽ diễn ra thuận lợi, huyện sẽ có phương án hỗ trợ việc tháo dỡ làm sao cho đảm bảo an toàn, giữ được cảnh quan của vùng di sản”, Bí thư huyện Hoa Lư cho hay.

Cũng theo người đứng đầu huyện Hoa Lư, đến thời điểm này, khả năng không phải cưỡng chế công trình sai phạm là nhiều hơn. Tuy nhiên, quan trọng vẫn là phương án tháo dỡ, phải được xem xét kỹ lưỡng đúng chuyên môn, đảm bảo an toàn.

Sở Du lịch Ninh Bình cùng huyện Hoa Lư cắm biển báo, ngăn không cho du khách vào Tràng An cổ - điểm kinh doanh du lịch trái phép sáng 24/3/2018.
Sở Du lịch Ninh Bình cùng huyện Hoa Lư cắm biển báo, ngăn không cho du khách vào "Tràng An cổ" - điểm kinh doanh du lịch trái phép sáng 24/3/2018.

Về phương án tháo dỡ, khi thực hiện chính quyền huyện Hoa Lư sẽ xin ý kiến UBND tỉnh, phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng. Việc tháo dỡ công trình sẽ phải được thực hiện bởi đội ngũ những người có chuyên môn, thậm chí phải thành lập hội đồng để việc tháo dỡ đảm bảo an toàn tuyệt đối và không xâm hại thêm vào di sản.

Phương án cưỡng chế công trình cũng được chính quyền huyện Hoa Lư tính đến, tuy nhiên đây vẫn là điều không mong muốn. Chỉ khi doanh nghiệp không tự giác tháo dỡ, chống đối, ngăn cản thì điều này mới xảy ra. Lúc này, phương án cưỡng chế được thực hiện theo cơ sở pháp lý cao nhất là kết luận của đoàn thanh tra liên ngành tỉnh Ninh Bình.

Đối với những người dân làm nghề chèo đò tại bến thuyền “Tràng An cổ”, chính quyền địa phương cũng đang tuyên truyền vận động, tìm cho họ công việc mới để đảm bảo cuộc sống. Thậm chí sẽ hỗ trợ một phần kinh phí để họ có điều kiện chuyển đổi nghề nghiệp.

Những người dân lái đò phản đối việc cắm biển báo, ngăn không cho khách vào Tràng An cổ vì điều này ảnh hưởng đến cuộc sống mưu sinh của họ.
Những người dân lái đò phản đối việc cắm biển báo, ngăn không cho khách vào "Tràng An cổ" vì điều này ảnh hưởng đến cuộc sống mưu sinh của họ.

Trước đó, ngày 24/3, theo chỉ đạo của Đoàn thanh tra liên ngành tỉnh Ninh Bình, Sở Du lịch cùng UBND Hoa Lư đã thực hiện việc cắm biển báo, đồng thời ngăn không cho du khách vào tham quan “Tràng An cổ” – điểm kinh doanh du lịch trái phép, nơi có công trình “khủng” xây dựng trái phép xâm hại nghiêm trọng vùng lõi di sản Tràng An.

Việc làm này đã gặp phải sự ngăn cản của hàng chục người dân làm nghề chèo đò, bán hàng lưu niệm tại điểm du lịch “Tràng An cổ”. Những người dân này cho rằng, việc cấm khách vào điểm du lịch đồng nghĩa với việc họ mất đi thu nhập, cuộc sống gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng, vì thế họ mong muốn chính quyền có phương án hợp lý, để trong thời gian thanh tra Công ty CP Du lịch Tràng An họ vẫn được chèo đò để đảm bảo cuộc sống.

Công trình khủng trái phép xâm hại di sản Tràng An sẽ bị tháo dỡ trong những ngày tới.
Công trình "khủng" trái phép xâm hại di sản Tràng An sẽ bị tháo dỡ trong những ngày tới.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Thái Bá