1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Lập “khu đèn đỏ” sẽ kéo theo nhiều hệ lụy cho xã hội

(Dân trí) - Thành lập “khu đèn đỏ” tức là hợp pháp hóa mại dâm, bởi hình thức này sẽ kéo theo nhiều vấn đề phức tạp của xã hội như buôn bán người, tệ nạn ma túy, rửa tiền…

Đó là khẳng định của ông Lê Đức Hiền, Cục phó Cục Phòng chống tệ nạn xã hội - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trước kiến nghị của TPHCM là gom những cơ sở kinh doanh nhạy cảm vào một khu để dễ quản lý. Theo ông Hiền, không nên thành lập "khu đèn đỏ" vì làm vậy là hợp pháp hóa mại dâm.

Đây là kiến nghị được TPHCM đưa ra sau khi Luật Xử lý vi phạm có hiệu lực (từ ngày 2/11/2012, cả nước dừng làm hồ sơ đưa người vào Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội và thả dần những người đang ở các trung tâm này ra ngoài xã hội). Trong khi đó, theo thống kê, hiện có ít nhất 15.000 gái bán dâm có mặt khắp TPHCM.

Ông Hiền cho biết, đây không phải là lần đầu có kiến nghị công nhận hoạt động mại dâm thành một nghề và gom các hoạt động nhạy cảm lại thành “khu đèn đỏ” để quản lý như một số nước trên thế giới. Trước đó, đã có một số kiến đề xuất tương tự được đưa ra tại các hội thảo về công tác quản lý mại dâm, do cơ quan chức năng tổ chức. Có ý kiến thận trọng hơn cho rằng, nên thí điểm lập "khu đèn đỏ" tại các khu du lịch. Nhưng theo quan điểm của Nhà nước, mại dâm chưa được coi là một nghề và cũng chưa thể hợp pháp hóa. Bởi điều này sẽ gắn liền với nhiều hệ lụy phức tạp như buôn bán người, bóc lột sức lao động, tệ nạn ma túy hay rửa tiền…

Trong khi đó, trao đổi cụ thể về kiến nghị "bất ngờ" này của TPHCM, ông Lê Văn Quý - Phó trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TPHCM - lại khẳng định: TP chưa bao giờ có ý định thành lập “khu đèn đỏ”.

Thực tế, trong cuộc họp mới đây, Sở LĐ-TB&XH TPHCM đã tham mưu cho UBND TP kiến nghị với TƯ cho phép quy hoạch vùng tập trung các ngành nhạy cảm và bổ sung quy định xử lý các hành vi chứa chấp, sử dụng phương thức khiêu dâm, kích dục tại cơ sở kinh doanh dịch vụ; quy định xử lý mại dâm nam, mại dâm đồng tính, mại dâm có yếu tố nước ngoài và các chế tài để bảo đảm việc thực thi pháp luật….

Theo ông Quý, đây là những biện pháp tăng cường về hành chính nhằm đối phó với tình hình tệ nạn mại dâm đang có chiều hướng trỗi dậy tại TPHCM chứ không thể hiểu là sẽ thành lập “khu đèn đỏ” để hợp pháp hóa mại dâm.

Khu đèn đỏ không phù hợp thuần phong mỹ tục của người Việt Nam
"Khu đèn đỏ" không phù hợp thuần phong mỹ tục của người Việt Nam

Nhìn nhận vấn đề ở góc nhìn khác, bà Nguyễn Thị Huệ, Trưởng phòng Can thiệp giảm tác hại - Ủy ban Phòng chống AIDS TPHCM, cũng lưu ý: Các “khu đèn đỏ” tại Thái Lan tuy “sáng đèn” nhưng quốc gia này không chính thức công nhận nghề mại dâm. Hơn thế tại “ khu đèn đỏ”, những người bán dâm phải định kỳ đi khám sức khỏe, có bệnh phải chữa khỏi mới được cấp phép hành nghề tiếp. Còn ở Việt Nam, vì vấn đề thuần phong mỹ tục và nhận thức nên chuyện kiểm soát như vậy sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Khảo sát mới nhất của của Cục Phòng chống tệ nạn xã hội cho thấy, tình hình mại dâm trên cả nước đang có xu hướng gia tăng theo hình thức ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp. Thống kê chưa đầy đủ cho thấy, cả nước hiện có trên 73.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm với trên 48.000 nữ nhân viên phục vụ (nhân viên lưu trú tại chỗ). Trong các đường dây mại dâm bị cơ quan chức năng triệt phá thời gian vừa qua đã thấy xuất hiện không ít đối tượng là người mẫu, ca sĩ, thậm chí học sinh, sinh viên. Mại dâm dành cho người già cũng "nở rộ". Sở dĩ nạn mại dâm ngày càng “nở rộ” do thu nhập trung bình của gái mại dâm đạt mức khá cao: 10,6 triệu đồng/tháng, chưa kể các khoản phụ khác. Mức thu nhập này cao gấp 2,5 lần thu nhập trung bình của nhóm 20% người có thu nhập cao ở Việt Nam. Thậm chí, với những người mẫu, người đẹp có “mác” hoa hậu, mức thù lao có thể lên tới cả nghìn đô một lần tiếp khách. Thanh Trầm