1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quảng Nam:

Lập đề án bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh

(Dân trí) - Sâm Ngọc Linh là 1 trong 5 loại sâm quý trên thế giới nhưng hiện nay loại sâm này vẫn chưa được đầu tư, nghiên cứu và phát triển thành một loại hàng hóa như các nước trên thế giới. Đề án nhằm đưa sâm Ngọc Linh ra thị trường trong nước và thế giới.

Ngày 5/3, Chủ tịch huyện Nam Trà My (Quảng Nam), ông Hồ Quang Bửu cho biết, huyện vừa xây dựng xong “đề án quốc gia” về việc phát triển sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) để trình lãnh đạo tỉnh nghiên cứu xem xét rồi trình các bộ, ngành Trung ương.

Sâm Ngọc Linh được trồng dưới tán rừng
Sâm Ngọc Linh được trồng dưới tán rừng

Sâm Ngọc Linh hiện đang phân bố trên vùng sinh thái hẹp, quanh đỉnh núi Ngọc Linh, dưới các tán rừng nguyên sinh thuộc địa phận của 3 huyện Nam Trà My (Quảng Nam), Đắk Glei và Tu Mơ Rông (Kon Tum).

Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, cây sâm Ngọc Linh do người dân Nam Trà My trồng và khai thác hiện nay là 1 trong 5 địa điểm trên thế giới có sâm quý và sâm Ngọc Linh có chất lượng tương đương sâm Cao Ly (Hàn Quốc). Tuy nhiên hiện nay thương hiệu sâm Ngọc Linh chưa được nhiều người bết đến; đầu ra không có.

Ở núi Ngọc Linh là nơi có điều kiện để sâm phát triển tốt
Ở núi Ngọc Linh là nơi có điều kiện để sâm phát triển tốt

Hiện 4 nước sản xuất nhân sâm lớn nhất là Hàn Quốc, Trung Quốc, Canada và Mỹ chiếm hơn 99% sản lượng nhân sâm toàn thế giới (với trên 88 ngàn tấn). Thị trường nhân sâm có giá trị ước khoảng 2.084 triệu USD, trong đó thị trường Hàn Quốc vào khoảng 1.140 triệu USD là thị trường phân phối nhân sâm lớn nhất thế giới.

Theo ông Hồ Quang Bửu, phát triển cây sâm Ngọc Linh thành cây hàng hóa chủ đạo để phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống cho đồng bào các dân tộc tại địa bàn vùng trồng sâm là mục tiêu của đề án.

Vườn sâm ở Ngọc Linh
Vườn sâm ở Ngọc Linh

“Một trong các giải pháp để thực hiện mục tiêu trên là xây dựng thành công thương hiệu sâm Việt Nam cùng với việc xây dựng quy trình sản xuất các mặt hàng thuốc có giá trị kinh tế cao từ nguồn nguyên liệu sâm Ngọc Linh để tạo nên dược phẩm đặc hữu của quốc gia, góp phần phát triển ngành dược và kinh tế xã hội của của tỉnh Quảng Nam, tỉnh Kon Tum và của đất nước”, Chủ tịch huyện Nam Trà My – Hồ Quang Bửu cho biết.

Trước nguy cơ tuyệt chủng của giống sâm quý, Chính phủ đã quyết định thành lập vùng cấm quốc gia ở khu vực có sâm mọc tập trung tại 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam, đồng thời xếp sâm Ngọc Linh vào danh mục những cây thuốc quý cấm được khai thác và buôn bán.

Củ sâm Ngọc Linh
Củ sâm Ngọc Linh

Năm 2014, UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt đề cương và dự toán quy hoạch bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh tại địa bàn huyện Nam Trà My giai đoạn 2014-2020; với tổng diện tích quy hoạch 19.000 ha tại 7/10 xã; quyết định về cơ chế khuyến khích, bảo tồn phát triển sâm Ngọc Linh tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2014-2020.

Theo khảo sát, hiện nay ở vùng phát triển cây sâm Ngọc Linh đang hình thành các đơn vị đang thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát triển trong nhân dân tại 3 xã Trà Nam, Trà Linh và Trà Cang huyện Nam Trà My với hơn 653.500 cây gồm nhiều độ tuổi khác nhau; trại sâm giống Tắk Ngo (thôn 2 xã Trà Linh do UBND huyện Nam Trà My quản lý với hơn 20.000 cây sâm giống, có độ tuổi 2 năm; trại dược liệu Trà Linh trực thuộc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam quản lý; tổng diện tích đang quản lý là 7,127 ha, với tổng số lượng cây sâm là 167.658 cây với nhiều độ tuổi khác nhau; trên 4.000m2 sâm của người dân làng Lạc Bông (xã Ngọc Lei, tỉnh Kon Tum) được trồng từ năm 1995; Trung tâm sâm Ngọc Linh thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk Tô (tỉnh Kon Tum) đang quản lý trên 5 ha cây giống sâm Ngọc Linh.

Theo các nhà khoa học, sâm Ngọc Linh tốt tương đương sâm Cao Ly (Hàn Quốc)
Theo các nhà khoa học, sâm Ngọc Linh tốt tương đương sâm Cao Ly (Hàn Quốc)

Chủ tịch huyện Nam Trà My cho biết, đây sẽ là cơ sở để địa phương hướng đến và khai thác, phát huy được loại sâm quý này trong thời gian đến. Tuy nhiên trước mắt Quảng Nam phải phối hợp với Kontum và các nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông cùng vào cuộc để đưa cây sâm Ngọc Linh phát triển mạnh, khẳng định thương hiệu trên thương trường và được người tiêu dùng khắp nơi trên thế giới chấp nhận.

Huyện Nam Trà My có dân số hơn 25 ngàn người, hầu hết là đồng bào dân tộc với cuộc sống rất khó khăn, toàn huyện còn trên 62% hộ nghèo. Chủ tịch huyện Nam Trà My cho biết, nếu phát triển cây sâm Ngọc Linh theo đề án thì trong 5-10 năm đến, cùng với một số cây khác, người dân Nam Trà My chắc chắn sẽ thoát nghèo.

Ông Hồ Quang Bửu cho biết, đến cuối tháng 3 này, huyện sẽ tổ chức một đoàn 50 người gồm lãnh đạo, các nhà khoa học, nhà báo... lên đỉnh Ngọc Linh để tận mắt tìm hiểu, khảo sát cây sâm ở đây.

Công Bính