1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Lão” nhà rường

(Dân trí) - Bằng tiền túi của mình, “lão” nhà rường ở TP Huế đang lập nên một “kỷ lục” mới: trở thành người đầu tiên sở hữu nhiều ngôi nhà rường nhất TT-Huế.

“Lão” nhà rường - 1
Ông Vinh bên ngôi nhà rường mới còn thơm lừng mùi gỗ.
 
Theo lời người dân chỉ dẫn, tôi tìm đến căn nhà số 16 đường Đoàn Hữu Trưng, phường Phước Vĩnh, TP Huế. Vào đến cổng, đập vào mắt tôi là ngôi nhà rường “rất Huế” còn thơm mùi gỗ và những hương liệu để “làm đẹp”. Đi qua mùi hương của những cây gỗ mít, gỗ kiền, ngôi nhà rường thứ hai hơn 150 tuổi hiện lên trước mắt với những nét nhà rường cố xưa.

 

Bén duyên nhà rường

 

“Lão nhà rường” năm nay 73 tuổi, sinh ra và lớn lên trên mảnh đất cố đô Huế. “Từ nhỏ được sống trong ngôi nhà rường của cha mệ, được hít thở trong bầu không khí, được sống trong không gian của nhà rường. Những nét hoa văn cung đình không biết từ bao giờ đã ngấm, thấm vào máu và trở thành nếp sống thứ 2. Đó là cái duyên để tui đến với nhà rường”, ông tâm sự.

 

Năm 1960, Sau khi tốt nghiệp trường đại học tổng hợp, nay là trường đại học khoa học Huế, chàng trai Trần Văn Vinh tiếp tục lên Đà Lạt theo học chuyên ngành vật lý, sau đó học thêm chuyên ngành triết học. Sau khi tốt nghiệp, Vinh trở về Huế và quyết tâm phục chế lại ngôi nhà rường đã xuống cấp của cha mẹ để lại.

 

“Tui không qua trường lớp gì cả, chỉ là những gì từ cuộc sống đập vào mắt và biến thành vốn hiểu biết giúp tui tìm tòi và phục chế thành công ngôi nhà rường năm 1980, khi đi học ở Đà Lạt về được 3 năm”, ông kể.

 

Ngôi nhà ông đang ở hiện nay, theo ông có độ tuổi khoảng hơn 150 năm. Nhà được làm theo quy cách 3 căn 2 chái, có 20 cột, 4 cù, kèo hai tầng, được lợp bằng ngói âm dương. Người trong vùng gọi ông là “lão nhà rường” cũng xuất phát từ lần tự phục chế lại nhà rường năm ấy. “Hồi đó khó khăn lắm nên việc phục chế rất vất vả… nhất là thiếu thợ lành nghề. Vì thế nên tui mới tự học qua sách vở và học hỏi từ những người tui biết”.

 

“Giàu làm kép, hẹp làm đơn”

 

“Nhìn ngôi nhà rường, thì người ta có thể biết được nhiều điều về chủ nhân của nó. Nó thể hiện cái tính cách riêng, cái cốt cách riêng. Ngôi nhà là “thế giới nội tâm” của người chủ sở hữu, vì thế ngôi nhà này tui đã thổi vào đó những nét phong cách rất riêng, đặc trưng. Nhưng không nằm ngoài kiến trúc cung đình Huế”, ông Vinh tâm sự.

 

Giữa năm 2008, ngôi nhà rường bắt đầu được “khởi động”, anh Nguyễn Văn Thanh, thợ chính cho biết: “Từ đó đến nay 20 thợ làm liên tục, chưa tính những công đoạn khác thì có thêm những tốp thợ khác đến làm xong việc lại đi, những thợ phần lớn là người Huế, nên rất dễ làm theo từng công đoạn”.

 

Nhà rường ông đang làm có nhiều nét khá mới: ngôi nhà mới dài 16m, rộng 8m, gồm 60 cột, 40 cù, kèo 3 tầng, có 4 hàng cột và đặc biệt một băng trến dài gấp 3 lần băng trến bình thường. “Dựa vào đó để tính ra kích thước các bộ phận khác như: xà thượng, xà ngồi, quà giàng, xà nách... Nhờ vậy, mỗi cột, xà gỗ làm tách riêng nhưng khi ghép một vào tiền khít và liên kết chặt chẽ với nhau mà điều đặc biệt của những ngôi nhà rường là không dùng đến một cây đinh thép nào. Trong bộ phận nóc nhà thì đòn đông (đòn nóc) là quan trọng nhất”, ông Vinh vừa làm vừa nói.

 

Mái nhà có độ dốc từ 15-30 độ nên chống được những cơn bão mà không bị sụt ngói. Được sử dụng hai loại gỗ chủ yếu là Kiền và gỗ mít. Nóc nhà là cả một bộ khung (giàn trò) với nhiều cột ghép lại theo mộng nẽo.

 

Hè mát. Mùa đông ấm áp. Mái nhà có độ dốc từ 15-30 độ nên chống được những cơn bão mà không bị sụt ngói ông Vinh giải thích. Bốn mặt có 4 cửa bảng khoa đều chạm trổ hoa văn rất tinh xảo, ngoài ra còn có hàng cột thứ 4 bao quanh. “Cù, kèo, bảng khoa tất cả đều được chạm trổ rất tinh vi theo kiến trúc cung đình.

 
“Lão” nhà rường - 2
Ngôi nhà rường hơn 150 tuổi và những đồ cổ quý giá.
 

Những tình tiết hoa văn rất phong phú, đa dạng, ông còn sáng tạo ra bảng trến dài hơn 6m, với thiết kế có độ cong, có bề dày 35 cm, có khá năng chịu lực đến hơn 5 tấn, không cần cột chống ở giữa. Nhà rường không bao giờ có đinh, bu long, ốc vít mà hoàn toàn bằng mộng và chốt. Chắc chắn. Trường tồn.

 

“Nhà rường có nhiều cột bởi vì ông mệ mình muốn sống giao hòa, hướng về thiên nhiên, đi vào nhà mình như đi vào một rừng cây, không chỉ thế nhiều cây  cột to còn  thể hiện cho sự sung túc, ấm no, đầy đủ”.

 

“Làm nhà rường tốn cả “rừng gỗ” ấy chứ, “Giàu làm kép, hẹp làm đơn”- Câu nói là một bài học đúc kết của ông mệ ta ngày xưa, muốn khuyên những người làm nhà rường phải làm tùy thuộc vào điều kiện mà mình có thể” - ông nói.

 

Nhà rường trường tồn

 

Ngôi nhà ông đang ở được làm theo kiến trúc nhà rường cổ còn ngôi nhà thứ hai hiện đang được dựng “tạm” ở sân. “Chưa biết sẽ làm gì với nó vì mình không có nơi để dựng nhà nữa rồi! Tui đang tìm đất để mần thêm ngôi nhà nữa”, ông chỉ tay vào số cột để ở sân nói.

 

Khi nói về những sáng tạo mới của mình, ông thường lồng vào sau những cái cụ thể chi tiết, sáng tạo ra những công cụ làm hiệu quả, bao giờ ông cũng thêm vào câu “ví dụ là rứa”. “Ngày xưa thì những cánh cửa này phải dùng giấy nhám ngồi đánh từng chi tiết hoa văn cho bóng, mịn nhưng nay với cái máy tui mới làm này thì có thể làm gấp 10 lần làm thủ công, ví dụ là rứa”.

 

100 lượng vàng để chuẩn bị cho ngôi nhà này, để làm du lịch, bổ sung vào kho nhà rường của thành phố, ông nói: “ví dụ là rứa. Thợ ở mình là thợ lành nghề nên công việc cứ thế mà tiến hành, rất thuận lợi!”.

 

Nhiều người thường xuyên đến nhờ ông trang trí những tình tiết hoa văn theo thời cổ để trang trí lên bàn thờ tổ tiên. Ông Thọ người em của ông nói: “Có cái chi mà làm bằng gỗ, chạm khắc bị hỏng thì ông Vinh là người đầu tiên đến làm giúp. Anh Vinh rứa chứ khéo tay lắm, nhìn những đồ dùng ở đây là biết”.

 

Nhiều sinh viên ở các trường đại học, muốn tìm hiểu về nhà rường, về kiến trúc cung đình Huế thường ghé đến nhà ông để có thêm những giải thích chi tiết cụ thể cho việc học và nghiên cứu của mình. “Mình già rồi! không làm việc thì dễ bị bệnh lắm nên “bịa việc” ra để làm, để con người khỏi bạc nhược” – ông tâm sự

 

Hiện nay việc “chảy máu” nhà rường đang có xu hướng gia tăng, một số ngôi nhà xuống cấp, một số bị “biến hóa” thành những quán nhậu khá “hiện đại”, chính vì thể việc bảo tồn gìn giữ và “trẻ hóa” những người thợ làm nhà rường thì nhà rường sẽ “tồn tại”, nhưng thực tế thì được mấy người …

 

Ông Vinh mong muốn ngôi nhà rường này sẽ được đưa vào di tích nhà rường Huế để làm phong phú thêm kho di sản, để nhà rường không bị mai một theo thời gian và cơ chế thị trường.

 

Truyền thống - Hiện đại đang hội tụ trong ngôi nhà ông.

 

Hoàng Đức Hùng