1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Lão kình ngư 40 năm “cướp cơm” của.... Hà Bá dưới chân cầu Long Biên

(Dân trí) - Gần 40 năm qua, người đàn ông này vẫn lặng lẽ gắn bó với công việc không giống ai của mình đó là: Vớt xác người chết dưới sông Hồng và cứu người nhảy cầu tử tự.



Nhiều người vẫn gọi vui ông Nguyễn Đăng Được (SN 1946 trú tại Long Biên, Hà Nội) bằng cái tên ông Được “hiệp sỹ” hay “người cướp cơm của Hà bá”.

30 năm ăn cơm dương gian làm việc âm phủ

Căn nhà của lão kình ngư đặc biệt này nằm lẫn với những nóc nhà nổi dập dềnh trên mặt nước, rách rưới và liêu xiêu trong gió sông Hồng. Để tìm được đường đến đây, chúng tôi phải băng qua những con đường đất ngoằn nghèo, với những đám cỏ lau rậm rạp, cao đến gần đầu người.

Nhà của ông Được thực chất là một chiếc thuyền nan, được chắp vá tạm bợ bằng những mảnh tôn sắt với chi chít vải bạt và những tấm áp phích quảng cáo để che nắng mưa. Lão “kình ngư” nhỏ thó, đen đúa nhưng có đôi mắt tinh anh và khuôn mặt rắn rỏi. Ông Được cho biết, có lẽ do sống quen với cảnh sông nước nên ông luôn có linh cảm đặc biết với những xác chết dưới lòng sông.

Bất kể trời nắng hay mưa, nắng nóng hay gió lạnh đến tê người, chỉ cần biết thông tin có người nhảy cầu tử tự, ông Được đều bất chấp nguy hiểm, một thân một mình chèo chiếc thuyền thúng cũ mèm đuổi theo rồi lao xuống dòng sông, cứu lấy những người mà trong những lúc quẫn trí đã tìm đến cái chết để giải thoát cuộc đời.

Đến bây giờ nhẩm tính, lão “kình ngư” cũng không nhớ nổi đã vớt được bao nhiêu xác người, cứu được bao nhiêu người có ý định tự tử. Chỉ biết rằng đã có hàng trăm lần, ông Được ngụp lặn dưới đáy sông Hồng, kiên trì mò mẫm tìm người gặp nạn.

Nhớ về cơ duyên đến với công việc không giống ai của mình, ông Được kể lại: Cách đây gần 30 năm, một nhóm học sinh cấp 2 rủ nhau đi tắm sông Hồng, không may một cậu bé trong nhóm bị tụt xuống hố cát rồi nhanh chóng bị dòng nước hung dữ cuốn đi. Ròng rã cả ngày trời, gia đình nạn nhân thuê người ngụp lặn khắp sông Hồng tìm kiếm nhưng thi thể cậu bé vẫn “bặt vô âm tín”.

Như linh tính mách bảo, khi ông Được chèo thuyền qua vị trí cháu bé gặp nạn thì bất ngờ thấy một đầu người nhô lên khỏi mặt nước: “Cảm giác lạnh toát, đặc biệt là mùi xác người khiến tôi ớn lạnh. Người chết trên bờ nhìn đã sợ, người chết dưới nước toàn thân trắng bệnh, dập dờ, chân tay thường co quắp, mắt mở trừng trừng và gần như biến dạng hoàn toàn khiến ai yếu bóng vía có thể bị ảm ảnh, sợ hãi đến ngất lịm. Lần ấy phải lấy hết can đảm, tôi mới dám tiến tới gần và kéo xác cậu bé vào bờ”. Cũng kể từ đó, vớt xác người chết như một cái “nghiệp” gắn với cuộc đời ông lão kình ngư này.

Hễ thấy tử thi nổi trên sông là ông Được dùng sợi dây buộc vào chân nạn nhân rồi từ từ kéo vào bờ. Với những trường hợp xác chết bị ngâm nước lâu ngày, ông Được phải vừa dòng dây, vừa dùng tay đẩy họ vào bờ.

Theo ông Được, vớt xác người chết ngoài “cái duyên” còn đòi hỏi phải có kỹ thuật đặc biệt để tránh bị Hà Bá mang đi. Biển nước mênh mông, gặp dòng nước chảy, xác trôi theo, nên việc đầu tiên phải làm là xác định vị trí, thời điểm xác chìm, đoán con nước lên, xuống, chảy về đâu để khoanh vùng tìm kiếm. Thông thường, với những người chết đuối thì theo quy luật 3 ngày xác sẽ nổi, phụ nữ sẽ dang hai tay, ngửa mặt còn nếu nạn nhân là đàn ông thì sẽ nằm úp.

Tự nhận mình là người thần kinh thép và quen với cảnh chết chóc nhưng không ít lần, ông Được phải uống vài chén rượu để lấy dũng khí trước khi bắt đầu công việc.

Ông Được nhớ lại thời điểm năm 2011 khi đi tìm thi thể cô gái N.T.H (20 tuổi, Hà Nội) gieo mình xuống sông Hồng. Đã qua 3 ngày, mà thi thể cô gái vẫn chưa chịu nổi. Với kinh nghiệm của mình, ông Được chèo thuyền xuôi về khu vực Thái Bình “đón lõng” nhưng lạ lùng là mặc dù đã dùng móc câu để rà nát cả khúc sông mà vẫn không có bất cứ dấu hiệu nào.

Trong lúc cả đoàn người định buông xuôi quay về thì ông Được bất ngờ tìm thấy thi thể cô gái vướng trong một bụi lau gần đó. Khuôn mặt nạn nhân bị biến dạng hoàn toàn và lộ hẳn ra một bào thai chừng 5 tháng tuổi. Cảnh tượng kinh hoàng ấy khiến người nhà nạn nhân cũng sợ hãi không dám lại gần. Không ngại ngần, ông Được xé áo buộc ngang mũi rồi cứ thể từ từ kéo thi thể vào bờ.

Dân thuyền chài kiêng kị cứu người chết đuối, kể cả xác trôi đến gần cũng đẩy ra, bởi họ quan niệm phải đền mạng khi cướp miếng cơm của Hà Bá. Riêng ông Được lại khác, mỗi lần vớt được xác người, ông lại làm mâm cơm cúng thủy thần để tạ lỗi, chứ chưa bao giờ có ý định “bỏ mặc” nạn nhân giữa dòng sông lạnh lẽo.

Ông Nguyễn Đăng Được - kình ngư chuyên vớt xác ở sông Hồng
Ông Nguyễn Đăng Được - kình ngư chuyên vớt xác ở sông Hồng

Biệt tài “ngửi hơi”... người sắp chết của lão kình ngư

Không những vớt xác người, mỗi khi thấy có người thơ thẩn, buồn bã có ý định tự tử là ông Được lại tìm đến khuyên nhủ, động viên. Thậm chí, rất nhiều trường hợp đã được ông Được cứu sống khi vừa gieo mình xuống dòng sông Hồng.

Gần đây nhất, cuối năm năm 2012, một đôi bạn trẻ do bị gia đình phản đối chuyện tình cảm đã tìm cách tự vẫn. Mặc dù trời đang vào đợt lạnh cắt da cắt thịt nhưng nghe thấy tiếng kêu thất thanh của những người trên cầu, ông Được vội chèo chiếc thuyền nan rồi nhanh chóng lao mình xuống dòng nước đang cuồn cuộn, chảy xiết.

“Rất may do có mặt kịp thời nên tôi vẫn tóm được cả hai trong tình trạng ngoi ngóp. Chỉ chậm chút thôi là nạn nhân mất mạng như chơi vì dòng nước quá lạnh và uống no nước”. Lần ấy, không những không được cảm ơn, mà ông Được còn bị “nạn nhân mắng xối xả” vì “tội dám” không để họ chết. Ông Được buồn bã nhớ lại: “Vừa ngoi ngóp lên bờ, cậu con trai quay sang tôi hét lớn: “Sao ông lại cứu bọn tôi, ai mượn ông cứu? Sao không để cho bọn tôi chết”.

Lần khác, một người đàn ông chừng 40 tuổi do mâu thuẫn gia đình nên đã ôm hai đứa con nhảy cầu Chương Dương tử tự. Hai đứa trẻ, một đứa chừng 3 tuổi, một đứa chừng 5 tuổi. Nghe thấy tiếng trẻ con khóc thét, ông Được lao ra giữa dòng sông: “Lúc đó, hai đứa trẻ bám vào vai tôi, thấy thế ông bố cũng hốt hoảng bám theo. Do bơi ngược dòng nên tôi tưởng mình cũng chết theo họ. May mà lúc đó, công an cho ca nô ra cứu cả bốn người nên tất cả đều thoát nạn...”.

Có những nạn nhân được ông cứu giúp, gặp cảnh cơ nhỡ ông đều sẵn sàng cưu mang, vét sạch tiền trong túi để giúp người hoạn nạn tìm đường về quê hương. Đối với những xác chết trôi sông “vô thừa nhận”, ông Được đều tắm rửa sạch sẽ cho xác chết, rồi cặm cụi đi xin gạch, xi măng, quan tài về chôn cất cho nạn nhân.

Cả cuộc đời cơ cực của ông Được đều gắn liền với những chuyện chết chóc, lão kình ngư này không coi đây là công việc bởi chẳng ai kiếm tiền trên thân xác những người đã chết. Với ông làm việc tốt cũng đồng nghĩa với việc đang “tích đức, tạo phúc” cho con cái và chính bản thân mình.

Xuân Ngọc – Hà Trang