1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Lao động Trung Quốc ở Việt Nam phần lớn không có chuyên môn

(Dân trí) - “Lao động người nước ngoài ở Việt Nam, ngoài lao động trình độ chuyên môn kỹ thuật, vẫn còn lao động không có chuyên môn nghiệp vụ. Phần đông trong số đó là người Trung Quốc đi theo con đường du lịch vào Việt Nam”, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nói.

Tiếp tục trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền làm rõ những vấn đề “nóng” được nhân dân đặc biệt quan tâm hiện nay như rất nhiều lao động người nước ngoài không có trình độ chuyên môn nghiệp vụ tại Việt Nam, trong khi hàng loạt học sinh, sinh viên ra trường vẫn thất nghiệp.

Lao động Trung Quốc ở Việt Nam phần lớn không có chuyên môn
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, Việt Nam chỉ chấp nhận lao động có trình độ kỹ thuật mà trong nước chưa đáp ứng được

Đại biểu Đỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh) cho biết, trong khi hàng vạn sinh viên ra trường không tìm được việc làm thì rất nhiều người lao động nước ngoài không có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, cá biệt trong số đó có một số người vi phạm pháp luật nước sở tại nhập cảnh vào Việt Nam theo nhiều con đường khác nhau nhưng chưa quản lý được.

“Chuyển dịch lao động là xu thế tất yếu của hội nhập, kể cả lao động của Việt Nam ra nước ngoài và lao động nước ngoài vào Việt Nam. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều hệ lụy xã hội từ việc quản lý lao động nước ngoài không phép. Xin Bộ trưởng cho biết, có thể chấp nhận lao động nước ngoài ở những ngành nghề, lĩnh vực nào, cách thức quản lý ra sao”, đại biểu Hoàng nêu vấn đề.

Về vấn đề trên, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cùng chia sẻ với đại biểu, trong lúc nhiều doanh nghiệp phá sản, thanh niên ra trường thì không có việc làm thì vẫn còn người lao động người nước ngoài ở Việt Nam. Bà Chuyền giải thích trong Luật Quản lý lao động ngoài nước, Chính phủ có quy định rất rõ đối tượng nào được vào lao động ở Việt Nam. Đó là những người có trình độ chuyên môn kỹ thuật đáp ứng, phù hợp yêu cầu công việc tại Việt Nam.

Đại biểu Đỗ Thị Hoàng quan tâm đến vấn đề lao động nước ngoài ở Việt Nam
Đại biểu Đỗ Thị Hoàng quan tâm đến vấn đề lao động nước ngoài ở Việt Nam

“Thực chất ngoài những lao động có chuyên môn kỹ thuật, thì lao động không có chuyên môn nghiệp vụ vẫn được một số doanh nghiệp sử dụng. Phần đông trong số này là người Trung Quốc đi theo con đường du lịch và họ chỉ tham gia giai đoạn đầu (giai đoạn đầu tư xây dựng)”, Bộ trưởng Chuyền nói.

Trong báo cáo gửi Quốc hội Bộ trưởng Chuyền cho biết, tổng số lao động nước ngoài làm việc ở Việt Nam là 78.000 người, phần đông là lao động kỹ thuật, còn lao động không có chuyên môn, kỹ thuật chủ yếu là của Trung Quốc.

Làm việc với các ngành liên quan để triển khai các chương trình quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các ngành liên quan trong đó có công an để kiểm tra các lao động phổ thông là người nước ngoài ở Việt Nam và phát hiện các đối tượng sai để trục xuất theo đúng quy định. Ngoài ra, Bộ Lao động còn yêu cầu chủ sử dụng lao động phải công bố công khai nhu cầu tuyển dụng lao động rộng rãi.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, Việt Nam chỉ chấp nhận lao động nước ngoài có chuyên môn kỹ thuật mà chúng ta chưa đáp ứng được. Về việc quản lý lao động nước ngoài bà Chuyền cho biết thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương.

Trả lời câu hỏi nợ đóng bảo hiểu xã hội được đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) nêu ra, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, tuy nhiên trong đó phần lớn là trách nhiệm của chủ sử dụng lao động không nghiêm túc. Một số doanh nghiệp khó khăn trả lương cho người lao động còn khó, chưa nói đến bảo hiểm xã hội.

Ngoài ra, theo bà Chuyền còn có nguyên nhân khiến chủ sử dụng lao động chây ì không đóng và nợ bảo hiểm xã hội của người lao động là do hình thức xử phạt còn nhẹ nên chủ sử dụng lao động có tâm lý “thà nợ còn hơn đi vay ngân hàng”. Bên cạnh đó còn có nguyên nhân do tổ chức công đoàn ở các địa phương thường không phản ánh kịp thời.

Bộ trưởng đề nghị tới đây ở các địa phương, doanh nghiệp đã có tổ chức công đoàn phải kiên quyết bảo vệ quyền lợi của người lao động. Khi biết doanh nghiệp chây ì đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động phải phản ánh kịp thời tới cơ quan chức năng để vấn đề được xử lý sớm hơn.

Theo bà Chuyền toàn ngành lao động hiện chỉ có có trên 400 cán bộ nhân viên làm công tác thanh tra, trong đó ở Bộ có khoảng 55 người, mỗi địa phương có địa phương từ 5 - 7 người nhưng thanh tra ở rất nhiều lĩnh vực lao động việc làm, người có công, giảm nghèo nên số cuộc cần kiểm tra trong lĩnh vực này còn rất ít.

Quang Phong