Lao động theo hợp đồng ở nước ngoài góp ngân sách 5 tỷ USD/năm
(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, mỗi năm lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đóng góp vào ngân sách khoảng 5 tỷ USD.
Chiều 17/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). Phát biểu tại đây, các đại biểu thống nhất sự cần thiết sửa đổi luật này.
Tạo việc làm, nâng cao tay nghề người lao động
Theo đại biểu Cầm Thị Mẫn (đoàn Thanh Hóa), xét về mặt tổng thể so với luật hiện hành, dự thảo luật lần này đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung phù hợp với yêu cầu thực tế của người lao động, của doanh nghiệp với mục đích tạo việc làm, nâng cao tay nghề, thu nhập người lao động.
“Dự thảo cũng bảo đảm lợi ích các bên, đặc biệt là quyền và lợi ích của người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng; phù hợp với tiêu chuẩn của tổ chức lao động quốc tế và xu hướng chung của các quốc gia trên thế giới”, đại biểu Cầm Thị Mẫn nói.
Đại biểu Nghiêm Vũ Khải (đoàn TP Hải Phòng) đánh giá chính sách đưa người lao động Việt Nam ra nước ngoài đã đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận; góp phần thể hiện chủ trương nhất quán và lâu dài của Đảng, Nhà nước; giải quyết việc xóa đói giảm nghèo và bảo đảm nguồn lao động chất lượng cao trong công cuộc xây dựng đất nước.
Tại hội trường, đại biểu nhớ lại giai đoạn từ năm 1996 đến 1998, đi nghiên cứu về xuất khẩu lao động ở một số nước châu Á, cho thấy nguồn kiều hối người lao động gửi về Việt Nam còn khá khiêm tốn. Cụ thể, thời điểm đó, trong khi mỗi năm người lao động Philippines gửi về nước khoảng 4 tỷ đô la, thì người lao động Việt Nam gửi về nước chỉ vài chục triệu đô la.
Tuy nhiên, đến nay, lượng kiều hối người lao động Việt Nam gửi về nước đã thay đổi rất nhiều. “Những năm gần đây, mỗi năm có hơn 100.000 người đi lao động ở nước ngoài. Hiện tại có 580.000 lao động Việt Nam làm việc ở 40 quốc gia, vùng lãnh thổ khau nhau và mỗi năm gửi về khoảng 3 tỷ đô la”, đại biểu Khải nói và cho rằng, với tình hình trong nước và quốc tế có nhiều thay đổi thời gian qua, thì việc sửa đổi luật là cần thiết.
Đại biểu Tô Thị Bích Châu cũng bày tỏ sự đồng tình với việc bổ sung đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại điều 5 và điều 43.
Theo nữ đại biểu TP HCM, tình hình thực tế cho thấy rất cần mở rộng đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đưa lao động đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài, không chỉ quy định hẹp như hiện nay là chỉ cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ được thực hiện chức năng này.
“Đây là nhu cầu thực tiễn, là phương thức tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển lực lượng lao động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và phân cấp mạnh cho địa phương”, bà Châu đề nghị.
Xử phạt 118 doanh nghiệp vi phạm
Tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung xin tiếp thu ý kiến đại biểu để nghiên cứu hoàn thiện nội dung dự thảo luật và sẽ báo cáo Quốc hội vào kỳ họp sau. Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, sau 12 năm Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã đem lại hiệu quả rất thiết thực trong lĩnh vực mà Quốc hội bàn hôm nay.
Cụ thể, hàng năm chúng ta có hơn 100.000 người đi lao động ở nước ngoài theo hình thức hợp đồng. Và hiện nay, cả nước có khoảng 580.000 người đang lao động ở nước ngoài theo hợp đồng. Chúng ta cũng tham gia vào thị trường 43 quốc gia vùng lãnh thổ khác nhau và ngày càng mở rộng.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho biết, Philippines họ coi đây là ngành công nghiệp và lao động được đào tạo rất bài bản. Bình quân mỗi năm Philippines có khoảng 1 triệu người đi lao động nước ngoài và đóng góp vào ngân sách khoảng 20 tỷ đô la/năm.
“Thời gian qua, lĩnh vực này được chúng ta quan tâm chỉ đạo và phát triển tương đối nhanh. Theo con số tôi mới nắm được lĩnh vực này mỗi năm đóng góp vào ngân sách khoảng 5 tỷ đô. Tỉnh có thu nhập lớn nhất từ nguồn lao động ở nước ngoài gửi về khoảng 300 triệu đô la”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng dành thời gian nói về những hạn chế trong lĩnh vực này đã được chúng ta đặt ra từ đầu nhiệm kỳ. Cụ thể như tình trạng lao động bất hợp pháp ở Hàn Quốc trước đây là 56%, nhưng với nhiều biện pháp khác nhau đến nay tỷ lệ bỏ trốn còn 24%. Chúng ta cũng đã tháo gỡ những khó khăn ở thị trường lao động truyền thống như Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản. Đồng thời mở ra một số thị trường mới như Đức, Ba Lan và gần đây là Hungary.
“Tuy nhiên, chúng ta vẫn thấy nhiều khó khăn, thách thức, thậm chí yếu kém ở lĩnh vực này, nhất là tình trạng môi giới bất hợp pháp, vi phạm hợp đồng trốn ở lại… Rồi đặc biệt là huyện nghèo dù được quan tâm nhưng số lượng người đi không nhiều. Vừa qua Bộ và các địa phương đã đưa ra các biện pháp chấn chỉnh rất nhiều những tồn tại. Chúng tôi đã xử phạt 118/459 doanh nghiệp”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay.
Quang Phong