Lào Cai: Tìm cách giải cứu cây di sản 300 tuổi có nguy cơ bị đổ gục
(Dân trí) - Theo hồ sơ điều tra của Hội bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam, cây gỗ sui lớn nhất ở đền Ken, xã Liêm Phú, huyện Văn Bàn (tỉnh Lào Cai) có tuổi đời 300 năm, cao 54 m, chu vi thân 11 m.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Lào Cai cho biết, đây là những cây cổ thụ nằm trong khuôn viên đền Ken là di tích lịch sử - văn hóa của tỉnh Lào Cai, nơi đây đã từng che chở cho những chiến binh chống giặc Cờ đen, Cờ vàng, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Đây cũng là nơi khởi nguồn Lễ hội xuống đồng đầu năm của bà con dân tộc Tày ở địa phương.
Với tuổi đời và những giá trị lịch sử, văn hóa mà cây đại thụ này mang lại, cụm 5 cây sui 300 tuổi ở đền Ken nên năm 2017 đã được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam quyết định công nhận là Cây di sản Việt Nam.
Tuy nhiên, do tuổi thọ cao và tác nhân môi trường khiến 2 cây trong cụm 5 cây bị mối mọt, kiến xâm hại đến gốc và thân cây; có nguy cơ đổ gục trong mùa mưa bão lớn đe dọa đến kiến trúc công trình đền Ken và du khách tới chiêm bái đền Ken.
Theo đại diện Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Văn Bàn, cây sui bị mối mọt nặng là cây nhiều tuổi nhất trong cụm 5 cây sui cổ thụ nằm sát công trình kiến trúc đền Ken.
Cây này đang bị mục từ trong thân cây ra ngoài vỏ cây. Trước đó cây này cũng đã bị mối mọt ăn từ bên ngoài còn bên trong đã bị rỗng lõi. Cây sui thứ 2 đang bị khô mục thân cây có dấu hiệu bị mối mọt phá hoại...
Mới đây tại UBND xã Chiềng Ken (huyện Văn Bàn) đã diễn ra cuộc họp các cơ quan chức năng của tỉnh Lào Cai và huyện Văn Bàn về đánh giá hiện trạng và tìm biện pháp giải cứu 2 cây gỗ sui 300 tuổi tại đền Ken có nguy cơ đổ gục do cây đang bị lão hóa.
Kết luận buổi làm việc, đại diện UBND huyện Văn Bàn đã thống nhất tiếp tục xử lý, vệ sinh bằng thuốc bảo vệ thực vật để giảm tốc độ hoại tử của cây.
Cần có sự thẩm định, nghiên cứu của cơ quan chức năng chuyên về cây, để đánh giá mức độ hoại tử của cây trước khi đưa ra phương án tiếp tục bảo tồn hoặc xin phép hạ chặt cây sui cổ thụ bị theo đúng quy định của pháp luật về cây di sản; đảm bảo sự an toàn cho kiến trúc cũng như du khách thập phương đến lễ bái di tích lịch sử văn hóa đền Ken.