Lãnh đạo quận “bất nhất”, khiếu kiện kéo dài
(Dân trí) - Cấp giấy chứng nhận sử dụng đất chưa minh bạch, hai lãnh đạo UBND quận chỉ đạo hai kiểu trái ngược nhau, cấp phép xây dựng khi đang tranh chấp… là những nguyên nhân gây nên khiếu kiện kéo dài tại nhà 1C và 1B Đặng Thái Thân, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội).
Hai chỉ đạo “đá nhau”
Năm 2005 ngôi nhà cổ 1B Đặng Thái Thân được bán cho bà Mai Bích Thuỷ. Quá trình cấp sổ đỏ cho nhà bà Thủy tiếp đó được thực hiện một cách “lặng lẽ”, các hộ dân liền kề không hề được biết. Sau khi được cấp sổ đỏ, bà Mai Bích Thuỷ đã uỷ nhiệm cho Công ty TNHH Tuấn Đức tiến hành phá dỡ bức tường ngăn cách giữa nhà 1B với các hộ dân ở 1C, đe doạ bịt cửa sổ của các hộ dân 1C.
Các hộ 1C khiếu nại việc này và Công ty Tuấn Đức đã phải khôi phục lại bức tường. Tuy nhiên, bức tường này đã “bỏ trống” đoạn tiếp giáp với nhà chị Vũ Thị Phụng với lí do được Công ty Tuấn Đức đưa ra là do gia đình chị Phụng đã lấn khoảng đất chung nên tường chung chính là tường nhà chị Phụng.
Tuy nhiên, chị Phụng lại có những bằng chứng cho thấy, giữa nhà chị và nhà 1B có một khoảng đất lưu không rộng khoảng 90cm tồn tại từ rất nhiều năm nay. Điều này đã được biên bản kiểm tra của phường Phan Chu Trinh ngày 14/8/2006 xác nhận: “Cách tường nhà 80cm có một đường cống thoát nước chung, trước đây có một bức tường ngăn cách cửa sổ nhà chị Phụng và nhà 1B Đặng Thái Thân kích thước 90cm, tường đã bị phá hiện vẫn còn móng. Khoảng cách từ tường nhà chị Phụng đến tim móng là 1m”.
Cùng lúc tranh chấp vẫn đang diễn ra, Công ty Tuấn Đức đã thiết lập hồ sơ xin cấp phép xây dựng, trong đó có việc xây dựng tường rào mới tiếp giáp với các hộ 1C. Bắt đầu từ đây, quan điểm chỉ đạo của các lãnh đạo Quận đã bị phân thành đôi ngả trái ngược nhau.
Ngày 21/11/2006, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, Vũ Văn Viện sau khi họp các cơ quan liên quan giải quyết khiếu nại đã đi đến kết luận: Công ty TNHH Tuấn Đức xin cấp giấy phép xây dựng bức tường rào trên diện tích đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở nhưng gây bất tiện, ảnh hưởng đến các công trình, vật kiến trúc đã được xây dựng và ổn định từ lâu giữa các hộ dân tại 1C nên phải có ý kiến thoả thuận của các hộ.
Sự việc tưởng như đã được giải quyết thì ngày 14/12/2006, Chủ tịch UBND quận Hoàng Công Khôi lại có kết luận đối lập hoàn toàn với kết luận của vị Phó chủ tịch. Cụ thể, ông Khôi cho rằng, Công ty Tuấn Đức được phép sử dụng diện tích đất đến chân tường rào và các hộ ở nhà 1C mở cửa sổ nhìn sang nhà 1B là sai. Thêm nữa, Công ty Tuấn Đức được phép xây tường mới mà không phải thoả thuận với các hộ liền kề.
Sẽ kiểm tra lại!
Giữa lúc khiếu nại của người dân về khoảng đất lưu không chưa được làm rõ thì UBND quận lại vội vàng cấp giấy phép cho Công ty Tuấn Đức xây tường rào. Đáng nói nữa, việc cấp phép được thực hiện nhanh đến “hiếm thấy”: Đơn xin cấp phép xây dựng nộp ngày 12/2/2007 thì ngày 13/2 UBND quận Hoàn Kiếm đã cấp phép.
Bản vẽ thiết kế đi kèm thể hiện việc để trống hai ô cửa nhà chị Phụng. Cho đến nay, bức tường đã được xây cao trên 3m và tuân thủ đúng như bức vẽ đã được UBND quận phê duyệt. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là UBND phường Phan Chu Trinh cho chị Phụng hay, chính Công ty Tuấn Đức đang có đơn đề nghị cơ quan chức năng cho bịt nốt hai ô cửa nhà chị Phụng.
Gia đình chị Phụng tiếp tục làm đơn gửi tới các cơ quan đề nghị làm rõ những vấn đề còn tồn đọng. Ngày 27/3/2007, ông Lê Quí Đôn, Phó Chủ tịch UBND thành phố đã có ý kiến chỉ đạo quận kiểm tra làm rõ việc gia đình chị Phụng nêu. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời tiếp theo cuả UBND quận.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Hoàng Công Khôi, Chủ tịch UBND quận cho biết, quận đang cho “kiểm tra lại” chung quanh việc xây dựng bức tường của nhà 1B có tính đến quyền lợi của các hộ dân 1C. Nếu như phát hiện sai sót, quận sẽ có biện pháp điều chỉnh.
Không biết bao giờ việc kiểm tra lại có kết quả, chỉ biết vụ việc không lớn này đã kéo dài đến gần một năm trời.
Tân Phương