Lãnh đạo Đà Nẵng lên tiếng về ý kiến đặt tên đường Nguyễn Bá Thanh
(Dân trí) - Trước góp ý của công dân về việc nghiên cứu đặt tên đường theo tên của cố Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh, đại diện lãnh đạo thành phố này đã có ý kiến phản hồi.
Đưa tên Nguyễn Bá Thanh vào quỹ tên đường
Ngày 14/10, bà Nguyễn Thị Anh Thi, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Chủ tịch Hội đồng tư vấn đặt, đổi tên đường và công trình công cộng thành phố, đã có phản hồi với phóng viên Dân trí liên quan đến kiến nghị của cử tri về việc nghiên cứu đặt tên đường Nguyễn Bá Thanh - cố Bí thư Thành ủy Đà Nẵng.
Trước đó, tại một số chương trình tiếp xúc cử tri huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng), cử tri cũng nêu kiến nghị đặt tên đường theo tên của cố Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh.
Theo cử tri, cần đặt tên đường Nguyễn Bá Thanh ở xã Hòa Tiến (quê và nơi ông Nguyễn Bá Thanh yên nghỉ) hoặc ở khu vực trung tâm hành chính huyện Hòa Vang.
Đây không phải là lần đầu tiên cử tri TP Đà Nẵng có kiến nghị đặt tên đường Nguyễn Bá Thanh. Trong năm 2015, truyền thông cũng đưa tin về việc cử tri có ý kiến đổi tên cầu sông Hàn, cầu Thuận Phước thành cầu Nguyễn Bá Thanh.
Theo bà Thi, Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) thành phố đã tiếp thu và ghi nhận việc nghiên cứu đặt tên đường Nguyễn Bá Thanh.
Hiện nay, tên ông Nguyễn Bá Thanh đã được Sở VH-TT đề xuất Hội đồng Tư vấn đặt, đổi tên đường và công trình công cộng TP Đà Nẵng, đưa vào nguồn quỹ tên đường để xem xét việc đặt tên.
Đối với đề nghị của cử tri, trong thời gian tới, căn cứ vào hồ sơ các tuyến đường đề xuất đặt tên cụ thể, phù hợp của UBND các quận/huyện, Sở VH-TT TP Đà Nẵng sẽ lấy ý kiến từ các cơ quan, đoàn thể liên quan trước khi đề xuất Hội đồng tư vấn đặt, đổi tên đường đưa vào Dự thảo đề án đặt, đổi tên đường trình HĐND thành phố xem xét quyết định.
Trường hợp nào mới được đặt tên đường ở Đà Nẵng?
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, tiêu chí đặt tên đường theo nhân vật lịch sử tại TP Đà Nẵng được thực hiện theo quy định thành phố ban hành ngày 4/11/2019.
Trong đó, đối với tên đường theo tên danh nhân, gồm: danh nhân, nhân vật lịch sử đất nước, địa phương, nước ngoài, cụ thể:
Đối với danh nhân đất nước là người có công trạng, đóng góp lớn; nổi tiếng về tài đức qua các thời kỳ lịch sử dân tộc; có những kỳ tích, hành động đặc biệt vì lợi ích của đất nước, của cộng đồng, trở thành gương sáng để các thế hệ sau học tập.
Theo quy định này, danh nhân địa phương gồm những người có công trạng tiêu biểu đối với địa phương, vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng như: Đóng góp lớn cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Quảng Nam và Đà Nẵng qua các thời kỳ, những vị tiền hiền có công khai phá vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng.
Nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa... có tác phẩm giá trị được công nhận và lưu truyền; lãnh đạo tiêu biểu của Quảng Nam - Đà Nẵng qua các thời kỳ; anh hùng lực lượng vũ trang; anh hùng lao động tiêu biểu và những Bà mẹ Việt Nam anh hùng tiêu biểu quê ở Đà Nẵng và Quảng Nam.
Danh nhân nước ngoài là những người có ảnh hưởng đến lịch sử, văn hóa của đất nước nói chung và TP Đà Nẵng nói riêng.
Về quy trình đặt tên đường trên địa bàn Đà Nẵng, quy định nêu rõ, hằng năm, căn cứ chỉ đạo của UBND thành phố, Sở Giao thông vận tải có văn bản đề nghị UBND các quận, huyện cung cấp hồ sơ các tuyến đường, công trình cần đặt tên, đổi tên để thẩm định, lập báo cáo khảo sát gửi Thường trực Hội đồng tư vấn xây dựng đề án tên đường.
Theo quy định này, UBND các quận, huyện có trách nhiệm lập hồ sơ đề xuất đặt tên đường, công trình công cộng, hồ sơ đáp ứng các tiêu chí về hạ tầng kỹ thuật, mật độ dân cư sinh sống và tên đường dự kiến (nếu có).
Quy định của thành phố nhấn mạnh: Trên cơ sở hồ sơ do Sở Giao thông vận tải cung cấp, thường trực Hội đồng tư vấn tổ chức khảo sát với sự tham gia của Chủ tịch Hội đồng tư vấn, đại diện các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan, tổng hợp, xây dựng dự thảo đề án tên đường trình Hội đồng tư vấn.
Hội đồng tư vấn họp thảo luận và hoàn chỉnh dự thảo đề án tên đường.
Thường trực Hội đồng tư vấn tham mưu công bố dự thảo đề án tên đường trên truyền thông để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức và nhân dân. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến, Hội đồng tư vấn trình UBND thành phố xem xét thông qua và trình HĐND thành phố quyết định.
Ông Nguyễn Bá Thanh (1953-2015) từng giữ chức vụ Chủ tịch UBND, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương.
Trong suốt thời gian làm lãnh đạo TP Đà Nẵng, ông Thanh đã góp phần làm thay đổi diện mạo thành phố và có các chính sách an sinh xã hội tồn tại cho đến ngày nay như: chương trình "5 không 3 có".
5 không gồm: không có hộ đói, không có người mù chữ, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy, không giết người cướp của; 3 có gồm: có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn hóa văn minh đô thị.