1. Dòng sự kiện:
  2. Người hùng cứu tài xế gặp nạn ở cầu Phú Mỹ
  3. Hóa đơn nước hơn 57 triệu đồng/tháng

Làng Quốc tế Thăng Long và những chuyện rất... “làng”

Khu chung cư dành cho người Việt nhưng lại vinh dự được gắn 2 chữ “quốc tế” khiến Làng quốc tế Thăng Long (phường Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội) nghe thoáng qua thấy “sang” hẳn. Nhưng có đến nơi mới thấy ở đây thật lắm chuyện rất… “làng”.

Làng Quốc tế Thăng Long và những chuyện rất... “làng” - 1

Dây điện vắt vẻo giữa 2 tòa nhà và những “tác phẩm” graffiti mất thẩm mỹ. Ảnh: VA

 

Từ chuyện “nhỏ”...

 

Năm 1996, Thủ tướng Chính phủ giao Tổng Công ty xây dựng (CTXD) Hà Nội làm chủ đầu tư xây dựng dự án Làng Quốc tế Thăng Long với mục đích xây dựng một khu đô thị đạt tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng, môi trường, điều kiện sống cao.

 

Năm 2003, dự án được đưa vào sử dụng. Song đến nay, thực tế chứng minh, một số nhà chung cư của “làng” chẳng những không đạt các tiêu chuẩn đề ra và còn nảy sinh nhiều vấn đề mà dân kiến nghị nhiều, hình ảnh một “làng quốc tế” chưa thấy đâu!

 

Từ năm 2008, dư luận từng cảnh báo, nếu những bất cập không được khắc phục kịp thời thì Làng Quốc tế Thăng Long (QTTL) sẽ là... làng quê giữa phố!

 

Đầu tháng 12/2010, phóng viên đã có nhiều buổi khảo sát từng ngóc ngách của cụm chung cư này và nhận thấy Làng QTTL chưa đến mức như thế, nhưng đúng là có chút phảng phất “hương đồng gió nội”.

 

Ấn tượng hơn cả là “ruộng” rau xanh tươi ngay dưới chân tòa nhà C1. Lẽ ra đây là vị trí làm vỉa hè, hoặc bồn hoa cây cảnh tô điểm cho khu chung cư, nhưng một số hộ dân đã tranh thủ xới đất... tăng gia sản xuất. Những luống rau xanh mơn mởn trông thật ngon mắt với cư dân thành phố vốn lo ngay ngáy bởi chuyện rau bẩn, rau nhiễm hóa chất.

 

Dĩ nhiên, người trồng rau cũng sợ thiên hạ “dòm ngó” nên cẩn thận dán một mảnh giấy lên tường, ghi: “Rau mới phun thuốc sâu”. Nhưng lạ và “độc” ở chỗ, người khác thấy tức mắt, hoặc... thích mắt nên đã ghi thêm bên cạnh: “Ăn được”!

 

Tiến đến khu vực đặt máy phát điện của tòa nhà C3, chúng tôi một lần nữa ngỡ ngàng trước hàng loạt tác phẩm nghệ thuật mang tên graffiti. Mọi bức tường, cánh cửa khu vực này đều được phủ kín bởi những bức vẽ ngoằn ngoèo, rối rắm.

 

Vậy nhưng chúng cũng chẳng thể nào “khuất lấp” những vết nứt toang hoác trên bờ tường, những miếng vữa bục vỡ dưới chân cột và thoang thoảng mùi... nước tiểu. Ngay cạnh bậc thềm hành lang là mảng vỡ lớn, lộ ra đường ống ngầm và rãnh nước đen ngòm, xen lẫn là cây dương xỉ, cỏ dại.

 

Đây là khu vực đặt máy phát điện cho tòa nhà, nhưng lạ ở chỗ, lại xuất hiện một dây cáp lớn “câu” điện từ nhà C2 sang. Theo người dân, trước đây nhà C3 bị mất điện một thời gian dài nên phải sử dụng giải pháp này. Hiện sợi dây vẫn còn đó, vắt vẻo giữa lưng trời, như thách thức thời gian!

  

Làng Quốc tế Thăng Long và những chuyện rất... “làng” - 2
Sụt lún tại nhà C3.

 

Trên tầng 3 tòa nhà C4 còn có chuyện lạ hơn nữa. Phòng 308 là “căn nhà hoang” từ nhiều năm nay. Trước đây căn hộ này được phân cho một người ở Ngã Tư Sở, sau đó họ chuyển đi và căn nhà trở nên vô chủ suốt từ năm 2004 đến giờ. Các hộ dân đã nhiều lần đề nghị chính quyền có giải pháp sử dụng căn nhà nhưng vẫn chưa thấy hướng xử lý nào. Phòng 308 giờ chỉ là nơi công nhân vệ sinh vào lấy nước, là chỗ phơi quần áo và để dụng cụ và những món đồ ít giá trị. Do lâu không sử dụng và bảo dưỡng, căn hộ đã có biểu hiện xuống cấp: tường lở, thiết bị điện hỏng...

 

Hiếm ở khu chung cư nào mà tòa nhà còn có cả... tường bao và sân vườn. Trong Làng QTTL, nhà C2 đã “biến tướng” từ nhà chung cư 4 tầng thành nhà thông tầng. Các hộ còn cơi nới, lấn chiếm ra vỉa hè, xây tường bao kín ngay trên đất công.

 

Kiến nghị của người dân lên Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội, đề nghị chủ đầu tư thứ phát xử lý dứt điểm vụ việc, suốt một thời gian dài chưa được giải quyết. Chưa hết, tình trạng sụt lún tại một số tòa nhà, đặc biệt là C3, suốt từ năm 2005, đã ở mức đáng lo ngại. Tầng 1 tòa nhà này bị lún khá sâu, tạo thành những “hang” cao cả gang tay dưới chân tường. Hệ thống ống nước thải cũng bị “vạ lây”, tạo nên hình ảnh lem nhem ở khu chung cư “quốc tế”. Hành lang khu vực gửi xe của nhà C4 thì trũng xuống như lòng chảo, bậc thềm xuống cấp nghiêm trọng, gạch ốp bị bong tróc, có chỗ lật tung khỏi nền.

 

Đến chuyện lớn

 

Điều 71 Luật Nhà ở quy định: Nhà chung cư phải có Ban Quản trị (BQT), BQT là người đại diện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ sở hữu và những người sử dụng trong quá trình sử dụng nhà chung cư.

Chuyện lớn ở đây là những bất cập trong việc quản lý và sử dụng dự án. TS Nguyễn Đình Hy - Trưởng ban công tác Mặt trận Làng QTTL và ông Bùi Tuấn Anh - Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường quận Cầu Giấy đều cho biết, kể từ khi hoàn thành và đi vào sử dụng, dự án vẫn chưa được chủ đầu tư bàn giao cho thành phố, làm nảy sinh nhiều vấn đề gây bức xúc cho các hộ dân. Câu hỏi đặt ra, việc không bàn giao sẽ giúp chủ đầu tư “khai thác” triệt để dự án của mình hơn?

 

Theo ông Nguyễn Đình Hy, từ tháng 5/2008, thay mặt khu dân cư Làng QTTL, ông đã thảo văn bản gửi UBND TP Hà Nội và Tổng CTXD Hà Nội để nêu thực trạng dự án và một số kiến nghị xin thành phố có hướng chỉ đạo.

 

Tháng 8/2008, Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy có buổi tiếp xúc với nhân dân. Nhưng cho đến nay, mọi chuyện hầu như vẫn dậm chân tại chỗ. Báo cáo kết quả 1 năm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch quận Cầu Giấy cho thấy, các vấn đề liên quan đến quy hoạch, xây dựng, khai thác... vẫn chưa được Tổng CTXD Hà Nội thực hiện.

 

Cuối năm 2009, Tổng CTXD Hà Nội bãi bỏ QĐ 644/TCT-PTDA ngày 25/4/2003 nên không có ban quản lý chung nào cho tất cả các tòa nhà. Trước tình hình này, các Ban quản trị (BQT) mỗi tòa nhà họp lại và thành lập BQT cụm chung cư Làng QTTL do ông Nguyễn Đình Hy làm Trưởng ban. Tuy nhiên, BQT cụm chung cư vẫn chưa được UBND quận Cầu Giấy công nhận với lý do chưa có hướng dẫn của thành phố.

 

Theo Việt Nguyễn - Võ Hải

 Gia đình & Xã hội