Làng cổ Hà Tây kêu cứu
Hà Tây là mảnh đất còn khá nhiều làng quê cổ mang đậm giá trị lịch sử, văn hóa với các quần thể kiến trúc độc nhất vô nhị. Nhưng với tốc độ đô thị hóa đến chóng mặt, những quần thể kiến trúc ấy đang bị đe dọa. Sự thay đổi, biến dạng thậm chí đổ nát… khiến người ta không khỏi đau lòng, tiếc nuối.
Về Hà Tây, rảo bước trên những con đường làng bằng đá ong, ngắm mái đình cong cong cổ kính mới thấy đôi bàn tay cha ông ta thật tài hoa. “Nhà có nóc, làng có cổng”, mỗi ngôi làng ở Hà Tây đều được bảo vệ chở che bởi cổng làng - phần lớn được xây dựng từ đầu thời nhà Nguyễn.
Cổng làng Chi Quan (thị trấn Liên Quan, Thạch Thất) được xây dựng bằng loại đá ong đặc biệt quý hiếm khai thác ở xã Kim Quan gần đó. Cổng mang kiến trúc vòm, mái vẩy tạo thế uy nghi vững chắc. Khác với ở Chi Quan, cổng làng Văn Khê (Thanh Oai) lại nằm gọn trong bộ rễ của cây si, tạo cảm giác mát mẻ. Có cổng làng mang kiến trúc dân tộc như cổng làng Mông Phụ (Đường Lâm, thị xã Sơn Tây).
Theo sử sách ghi lại, làng Mông Phụ do người Việt cổ di cư từ vùng núi xuống đồng bằng sinh sống lập ra và cổng làng Mông Phụ được xây dựng vào năm 1553. So với các cổng làng khác thì cổng làng Mông Phụ kiến trúc giản dị hơn. Phần nề, tường xây đá ong trấn chít mạch, không “đao, đấu, diềm, mái”. Hai cánh cổng bằng gỗ lim “cánh dế” đặt trên hai cối bằng đá và hai bánh xe gỗ bọc thép...
Cổng làng không ẩn chứa hồn quê mà còn là chứng tích của thời gian và cả niềm tự hào dòng tộc. Ngoài cổng làng, Hà Tây còn trên 100 ngôi đình cổ kính với những quần thể kiến trúc khác nhau. Đình làng Mông Phụ, xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, nằm trên một khoảng đất rộng.
Sân đình là một nút giao thông - ngã sáu xòe ra như quạt nan to về các xóm: Xui, Xây, Trung Hậu, Si và xóm Đình. Điều đặc biệt là dù xuất phát ở điểm nào (hoặc đến hoặc đi) người ta cũng không phải quay lưng lại một cách trực diện với hướng chính của cửa đình.
Những ngôi nhà cổ ở Đường Lâm được xem là mang đặc trưng của kiến trúc Việt - Mường. Ông Hà Văn Vĩnh, chủ một ngôi nhà cổ ở đây cho biết: “Phần nhiều các ngôi nhà ở đây đều có tường bằng đá ong rất dày, loại đá càng sương gió càng rắn chắc. Mái nhà được lợp bằng ngói ta, mùa hè dù nhiệt độ ngoài trời nóng nhưng trong nhà vẫn rất mát...”.
Nhà ở đây hầu hết đều có niên đại trên 200 tuổi, như nhà ông Nguyễn Văn Hùng ở xóm Xui (xây năm 1770), nhà ông Phan Văn Trực (xây năm 1800)...
Một thực tế đáng buồn là quần thể kiến trúc làng xã cổ ở Hà Tây hiện đang xuống cấp nghiêm trọng. Trước đây địa bàn tỉnh Hà Tây có trên 150 cổng làng thì nay chỉ còn lại khoảng 90 cổng, nhưng đã bị quét vôi làm mới một cách tùy tiện. Cổng làng Tri Lễ (Tân Ước, Thanh Oai) nay tàn tạ, lở lói, tường cổng có nhiều vết nứt rất rộng.
Ông Đặng Đình Lưu, một người cao tuổi ở thôn Chi Quan (Liên Quan, Thạch Thất) kể: “Trong những năm kháng chiến, cổng làng Chi Quan bị đạn pháo bắn phá gây hư hại nhiều. Phần rìa chân cổng bị vỡ mấy chục năm rồi không ai vá sửa. Dân trong làng muốn trùng tu, bảo tồn nhưng phân vân. Nên bảo lưu, chống sự tiếp tục xuống cấp, hay phải dùng vật liệu mới như vôi, xi măng, gạch... để thay thế, tân trang lại cổng?”.
Nhiều hộ dân đã phá bỏ nhà cũ để xây nhà mới với tường gạch, xi măng. Ngôi nhà cổ nào còn giữ được đến nay thì cũng bị sửa chữa chắp vá theo kiểu “tân cổ giao duyên”.
Ông Hà Văn Vĩnh, một nhà giáo về hưu chủ ngôi nhà cổ ở Đường Lâm, cho biết hiện ở làng Mông Phụ còn khoảng 50 ngôi nhà cổ, song tất cả đều trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Nhà ông Vĩnh cũng bị mối mọt làm hư hại, phần đầu hồi bị lún nứt rất nguy hiểm. Gia đình ông không biết cách trùng tu nên thường sử dụng vật liệu mới để thay thế…
Làm gì để cuộc sống hiện đại không làm mất đi vốn cổ? Đó là điều mà nhiều người đang lo ngại. Bà Vũ Thị Vọng - Trưởng ban Văn hóa xã Đường Lâm tâm sự: “Cánh cổng làng Mông Phụ hiện nay bị mối xông làm hư hỏng nặng. Chân cánh cổng xệ xuống không đóng mở được. Xã đang lo lắng tìm kinh phí trùng tu. Mong sao làng cổ được quan tâm nghiên cứu và bảo vệ hiệu quả để tồn tại và trở thành niềm tự hào của mỗi người dân...”.
Theo Xuân Đông
Sài Gòn giải phóng