1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Lần đầu tiên Việt Nam chinh phục đỉnh Everest

(Dân trí) - Lịch sử Everest vừa ghi thêm tên Việt Nam vào danh sách các đất nước có đoàn leo núi chinh phục thành công đỉnh núi được mệnh danh là nóc nhà của thế giới này.

Hạnh phúc và tự hào

Đúng 6h sáng giờ Nepal (tức 7h15 giờ VN) ngày 22/5/2008, lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam đã tung bay trên đỉnh Everest cao 8.850m.

Ba người làm nên kỳ tích này là Bùi Văn Ngợi, Nguyễn Mậu Linh và Phan Thanh Nhiên.

Những người đầu tiên trên thế giới chinh phục Everest là hai nhà leo núi nguời New Zealand Edmund Hillary và Tenzing Norgay vào ngày 29/5/1953. Hơn 50 năm qua đã có khoảng 2.300 người trên thế giới đã chinh phục được đỉnh núi huyền thoại này.

Khi được hỏi về thành tích chinh phục đỉnh núi Everest, cả 3 chàng trai luôn thốt lên những lời vui sướng, hạnh phúc và tự hào với thành công vừa đạt được. Chính Phạm Duy Long, một thành viên trong đoàn nhìn nhận: “Qua chuyến đi này, nhìn lại mới thấy rõ bất kỳ lúc nào cũng có thể mất mạng. Đi qua rồi, mới thấy được công sức của 3 vận động viên là rất lớn”.

Bùi Văn Ngợi, Nguyễn Mậu Linh và Phan Thanh Nhiên là 3 người Việt đầu tiên trong số hơn 2.300 người (trên toàn thế giới) đã chinh phục thành công đỉnh Everest. 

Kỳ tích này cũng là niềm mơ ước của lớp trẻ Thái Lan, bởi trước đó không lâu, dù đã đặt chân lên trại 4, tức chỉ còn cách đỉnh Everest gần 1 km, đoàn leo núi của Thái Lan đã phải bỏ cuộc quay về.

Có chút gì đó tiếc nuối cho chàng trai trẻ Lê Bá Công, nhà leo núi thứ 4 của Việt Nam đã phải ngưng cuộc hành trình chinh phục nóc nhà của thế giới ở chặng cuối cùng như đoàn Thái Lan trước đó.

Nói về việc này, Lê Bá Công thoáng buồn, Công cho biết nếu có cơ hội lần nữa thì anh sẽ tiếp tục cuộc chinh phục Everest, bởi bây giờ nó đã là niềm đam mê trong lòng của Công.

Ông Huỳnh Văn Nam, Giám đốc Đài truyền hình TPHCM, đã thay mặt ban tổ chức hứa sẽ tiếp tục đưa vận động viên Việt Nam chinh phục Everest hay có thể chinh phục những đỉnh cao khác.

Với kết quả tuyệt vời này, đoàn đã nhận được phần thưởng 500 triệu đồng từ các nhà tài trợ.

 

Hành trình đến chiến thắng

 

Đoàn leo núi Việt Nam được thành lập vào tháng 10/2007, trải qua một quá trình huấn luyện đặc biệt kéo dài 5 tháng. Quá trình này nhằm giúp các thành viên có một nền tảng thể lực tốt, có khả năng chịu được thời tiết khắc nghiệt ở độ cao tăng dần, hoàn thiện các kỷ năng leo núi, thích nghi với điều kiện không khí cực kỳ loãng và quan trọng nhất là giữ vững tinh thần cùng ý chí để chinh phục thành công đỉnh Everest.

 

Đoàn có 9 thành viên gồm:

 

1. Huỳnh Thanh Vân, Trưởng đoàn.

 

2. Trần Danh Phương, Bác sĩ lo y tế và dinh dưỡng cho đoàn.

 

3. Nguyễn Phương Nam, Kỹ thuật viên

 

4. MC Hoài Nam, nhân vật nữ duy nhất trong đoàn, ghi chép nhật ký đoàn.

 

5. Phạm Duy Long, Vận động viên leo núi.

 

6. Bùi Văn Ngợi, Vận động viên leo núi, hiện là sinh viên năm cuối trường ĐHTDTT II.

 

7. Phan Thanh Nhiên, Vận động viên leo núi, hiện là SV năm cuối trường ĐHTDTT II

 

8. Lê Bá Công, Vận động viên leo núi, cầu thủ bóng đá.

 

9. Nguyễn Mậu Linh, Vận động viên leo núi, buôn bán nhỏ.

 

Đoàn đã trải qua 5 chặng huấn luyện tại Phanxipang, nóc nhà Đông Dương cao 3.143m, Kinabalu nóc nhà Đông Nam Á cao 4.095m, Kilimanjaro nóc nhà châu Phi cao 5.895m, trong nước và Island Peak cao 6.160m, ngọn núi thử thách cuối cùng trước khi đến với huyền thoại Everest cao 8.850m.

 

Sau chặng Island Peak, còn lại 4 vận động viên chính thức là Ngợi, Nhiên, Linh và Công. Ngày 10/4 đoàn rời Việt Nam đến Kathmandu-Nepal, ngày 19/4 đoàn đến trạm căn cứ Everest cao 5.364m, sau 8 ngày đi bộ. Thời tiết tại đây rất khắc nghiệt, ban ngày nóng đến 30 độ C, từ 18h00 nhiệt độ xuống đến âm 20 độ C.

 

Sau 5 ngày tập luyện, đoàn bắt đầu đi lên trạm 1, rồi trạm 2, ngày 30/4 trở về trạm căn cứ và kể từ lúc này một vận động viên (Lê Bá Công) phải bỏ cuộc. Các vận động viên còn lại tiếp tục tập luyện chuẩn bị cho giờ xuất phát.

 

Khi nhận được thông báo thời tiết thuận lợi, ngày 18/5 đoàn xuất phát từ trạm căn cứ, bắt đầu tiến về đỉnh Everest. Đêm 21/5 đến trạm 4 ở độ cao 8.016m, đến rạng sáng ngày 22/5, rất nhiều đoàn cùng tiến về đỉnh Everest với đoàn Việt Nam.

 

Sau 2 giờ tắc đường ở sườn núi phía Nam, Hillary Step, nhóm của Ngợi và Brad (nhà quay phim người Mỹ lên đỉnh lúc 6h00(7h15 giờ VN), sau đó nhóm của Linh-Nhiên cũng đến đỉnh vào lúc 8h00(9h30 giờ VN), và ngọn cờ tổ quốc Việt Nam đã cắm trên đỉnh Everest trong ngày 22/5/2008 cùng với một dấu ấn mang biểu tượng cho đoàn leo núi Việt Nam là xu tiền 5.000 đồng.

 

Lý lịch sơ lược của 3 nhà chinh phục đỉnh Everest

 

Nguyễn Mậu Linh, sinh 1977, Hà Nội, từng là vận động viên boxing, sau đó nhập ngũ trong 6 năm. Linh là người có sức mạnh, sự dẻo dai, tinh thần kỷ luật tốt, luôn gần gũi và giúp đỡ các thành viên trong đoàn, hiện đang có cửa hàng buôn bán nhỏ.

 

Bùi Văn Ngợi, sinh 1984, quê Gia Lai, hiện đang theo học năm cuối trường ĐHTDTT TW II (Thủ Đức). Ngợi là người nhỏ con nhất trong đoàn leo núi, ăn nói khéo léo, sống rất tình cảm chan hòa với mọi người, em cho biết sẽ hoàn thành việc học rồi tính tiếp.

 

Phan Thanh Nhiên, sinh 1985, ở Sài Gòn, cũng như Ngợi, Nhiên hiện là sinh viên năm 4 trường ĐHTDTT TW II, Thủ Đức. Nhiên có sức ăn rất khỏe, được cả đoàn đánh giá là người vô tư, dễ gần gũi, sống tình cảm và hay giúp đỡ mọi người.

 

Được biết, sau khi chinh phục thành công đỉnh Everest, trên đường đi xuống bình oxy của Linh bị đông cứng, không thở được, chính Nhiên đã đưa bình oxy của mình cho Linh để 2 anh em thay phiên nhau dùng, trong khi chờ các thành viên khác đến hỗ trợ.

 

Ngọc Thanh