Làm thế nào để phát triển chăn nuôi bền vững, tăng trưởng xanh?
(Dân trí) - Ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục chăn nuôi, cho biết để phát triển chăn nuôi một cách bền vững, theo hướng tăng trưởng xanh, có 3 trụ cột chính là giống, thức ăn, môi trường công nghệ.
Sáng 26/9, Cục chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng báo Nông nghiệp Việt Nam chủ trì họp báo triển lãm Vietstock 2023 - triển lãm đầu ngành chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi, thủy sản và chế biến thịt tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc họp báo, ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết từ xa xưa chúng ta đã khẳng định vai trò của nông nghiệp rất quan trọng đối với vấn đề an sinh, xã hội, ổn định kinh tế của đất nước.
Trải qua 35 năm đổi mới đã thấy được sự lớn mạnh không ngừng của ngành nông nghiệp, trong đó có chăn nuôi.
Sự quan tâm, giám sát của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và người chăn nuôi đã thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi trong hơn 35 năm qua, đặc biệt trong 10 năm gần đây.
Ngành chăn nuôi đã đóng góp quan trọng vào an ninh lương thực, thực phẩm, đảm bảo sinh kế cho hàng chục triệu hộ và đảm bảo nhu cầu thực phẩm cho 100 triệu dân.
Chúng ta chuyển trạng thái ấn tượng, từ đất nước thiếu thực phẩm trước năm 1986 và đến giai đoạn này là ăn ngon và thực phẩm sạch.
Ngành chăn nuôi của Việt Nam đã có những bước chuyển mình ấn tượng, trong 6 tháng đầu năm 2023 ngành chăn nuôi đã chiếm 27% tỉ trọng đóng góp GDP chung toàn ngành.
Bên cạnh những thành quả mà ngành chăn nuôi đạt được, ông Thắng cũng nêu những tồn tại, khó khăn nhất định, nhất là an toàn thực phẩm chưa được quan tâm một cách đầy đủ.
Với vai trò là người đứng đầu ngành chăn nuôi, ông Thắng cũng đi các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, người dân để tìm ra nút thắt, điểm nghẽn để từ đấy chúng ta có thể nhận diện, tháo gỡ từng bước.
"Tôi nhận thấy việc giết mổ, chế biến, dịch bệnh vẫn chưa được quan tâm và điều này cần phải được chú trọng trong thời gian tới", ông Thắng nói và cho biết, vấn đề an toàn sinh học trong chăn nuôi cũng quyết định lớn đến an toàn thực phẩm, giảm thiểu chi phí nguyên liệu đầu vào.
Khi chúng ta kinh doanh, chăn nuôi lớn như hiện nay thì vấn đề môi trường cũng cần được quan tâm, đẩy mạnh tái sử dụng các phụ phẩm của chăn nuôi, kết hợp lĩnh vực trong kinh tế tuần hoàn.
Các doanh nghiệp có thể tăng cường hợp tác, nâng cao giá trị từ con giống, thức ăn chăn nuôi, giết mổ chế biến đến phân phối ra thị trường.
Theo ông Thắng, để phát triển chăn nuôi một cách bền vững, theo hướng tăng trưởng xanh thì có 3 trụ cột chính là giống, thức ăn, môi trường công nghệ.
Với 3 trụ cột chính này, hiện nay Cục chăn nuôi đang xây dựng đề án phát triển.
Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng triển lãm Vietstock 2023 là cơ hội để các doanh nghiệp tiếp cận với những công nghệ lớn trên thế giới.
Tăng cường chăn nuôi bền vững, thân thiện môi trường và nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi.
Còn TS. Võ Trọng Thành, Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho hay từ năm 2026 theo Luật Chăn nuôi quy định không sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi.
Vì thế, ngay từ bây giờ doanh nghiệp, người chăn nuôi cần nghiên cứu các biện pháp để nâng cao chất lượng đàn chăn nuôi.
Từ giảm kháng sinh tiến đến dừng hẳn kháng sinh, nếu không chuẩn bị tốt sẽ dễ dẫn đến khó khăn trong kiểm soát dịch bệnh.
Triển lãm Vietstock 2023 do Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chủ trì, với sự tham gia của 350 doanh nghiệp đến từ 30 quốc gia, vùng lãnh thổ, diễn ra từ ngày 11 đến 13/10 tại TPHCM.