Làm rõ thông tin “gói thầu bảo hiểm buýt nhanh giá hàng trăm tỷ đồng”
(Dân trí) - Ngoài việc làm rõ những thông tin liên quan đến giá xe buýt nhanh BRT, ông Phạm Hoàng Tuấn - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng UBND TP Hà Nội - còn cho biết, thực tế các gói thầu bảo hiểm của dự án có giá trị chỉ từ 20 triệu đến 122 triệu đồng, chứ không lên đến hơn 100 tỷ đồng như dư luận phản ánh.
Ông Phạm Hoàng Tuấn – Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (UBND TP Hà Nội) vừa có văn bản làm rõ một số nội dung dư luận phản ánh về Dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội, cụ thể đó là tuyến buýt nhanh BRT Yên Nghĩa – Kim Mã.
Liên quan đến các gói thầu bảo hiểm có giá trị lớn, qua văn bản ông Tuấn cũng đính chính và cung cấp thông tin cụ thể, bảo hiểm công trình Gói thầu xây dựng đường và trạm xe buýt từ Khuất Duy Tiến – bến xe Yên Nghĩa chỉ có giá trị 122 triệu đồng. “Như vậy, gói thầu thấp hơn rất nhiều so với thông tin phản ánh là 121,597 tỷ đồng”, báo cáo nêu rõ.
Bảo hiểm gia cường cầu vượt tại nút giao Láng Hạ - Thái Hà, chỉ có giá trị 20 triệu đồng, trong khi đó dư luận phản ánh là 19,972 tỷ đồng. Bảo hiểm công trình xây dựng đường từ Bộ Y Tế - Giang Văn Minh - Kim Mã - Giảng Võ chỉ có giá trị 7,6 triệu đồng, trong khi đó dư luận phản ánh là 7,554 tỷ đồng. Bảo hiểm công trình xây dựng khu bảo dưỡng sửa chữa trong bến xe Yên Nghĩa chỉ có giá trị 20 triệu đồng, trong khi đó dư luận phản ánh là 20,326 tỷ đồng.
Đối với một số gói thầu thuộc hợp phần tăng cường thể chế sử dụng vốn Viện trợ không hoàn lại (quỹ GEF) như dư luận phản ánh là chưa thực hiện quyết toán. Tuy nhiên, ông Phạm Hoàng Tuấn cho biết, thực tế khi nghiệm thu và lập hồ sơ quyết toán các gói thầu này đều thấp hơn so với dự toán và hợp đồng đã ký.
Ông Tuấn đưa ra ví dụ cụ thể như gói thầu hỗ trợ kỹ thuật cho Trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị và Thành lập cơ quan quản lý giao thông công cộng PTA; Gói thầu tuyên truyền và truyền thông BRT; Gói thầu hoạt động tăng cường thể và đào tạo... “Sơ bộ tính theo khối lượng đã nghiệm thu đều thấp hơn dự toán và hợp đồng đã ký”, ông Phạm Hoàng Tuấn nói.
Cuối phần giải trình, ông Tuấn cho biết, do tuyến BRT là dự án sử dụng vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới nên ngoài việc thực hiện theo các quy định của pháp luật Việt Nam và chịu sự quản lý, giám sát của các cơ quan chức năng thì trong quá trình thiết kế, lập dự toán, đấu thầu còn phải tuân thủ theo các quy định và thông lệ quốc tế cũng như chịu sự giám sát chặt chẽ, thường xuyên của Ngân hàng Thế giới.
Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng UBND TP Hà Nội còn đưa ra thông tin, dự án đã được Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán toàn diện và hiện nay Ban Quản lý dự án Sở GTVT đang tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện công tác tổ chức giao thông để vận hành tuyến BRT một cách hiệu quả theo đúng mục tiêu của dự án.
Tổng mức đầu tư của dự án tổng mức đầu tư là 452,42 triệu USD, trong đó vốn vay WB là 134,35 triệu USD; Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) viện trợ không hoàn lại là 11,15 triệu USD; vốn ngân sách thành phố là 306,92 triệu USD. Trong quá trình thực hiện dự án, do thay đổi quy mô, phạm vi và chế độ chính sách trong công tác GPMB nên Dự án phải phê duyệt điều chỉnh 3 lần và tổng mức đầu tư tại lần điều chỉnh cuối cùng là 332,599 triệu USD.
Sau khi điều chỉnh dự án lần cuối cùng, tổng mức đầu tư giảm 119,821 triệu USD và thực tế theo giá trị dự toán được duyệt cũng như giá trị quyết toán chính thức, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng UBND TP Hà Nội khẳng định chắc chắn sẽ thấp hơn tổng mức đầu tư đã được phê duyệt. Riêng về hạng mục BRT, tổng giá trị thực hiện đến thời điểm kết thúc dự án khoảng 35 triệu USD thấp hơn so với giá trị trong tổng mức đầu tư được duyệt là 53,6 triệu USD.
Quang Phong