1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Làm người dân bị oan, trách nhiệm cao nhất là Chánh án?

(Dân trí) - Phiên chất vấn Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình sáng nay, căng đến phút chót. Ông Bình cho biết, đã rà soát án có đơn kêu oan, trong số 24 vụ đã giải quyết chỉ có 3 vụ phải sửa án. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Việc làm người dân bị oan, cuối cùng đều là trách nhiệm của tòa án, người chịu trách nhiệm cao nhất là chánh án?

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền tham gia phiên chất vấn trực tuyến từ điểm cầu tỉnh Lâm Đồng.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền tham gia phiên chất vấn trực tuyến từ điểm cầu tỉnh Lâm Đồng.

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận) trở lại với nghi án oan Huỳnh Văn Nén. Ông Nén đã bị tuyên án tù chung thân, đã ngồi tù hơn 15 năm. Trong cả quá trình dài đó, gia đình liên tục kêu oan mà nếu không nổ ra vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn, việc vụ án của ông Nén chắc cũng chưa được xem xét. Bà Phúc muốn biết tiến độ giải quyết vụ việc đến thời điểm này.

Chánh án Trương Hòa Bình xác nhận, việc Huỳnh Văn nén liên tục kêu oan cả quá trình dài mới được xem xét là có trách nhiệm của VKS và tòa án tối cao, vì các cơ quan không tham mưu kịp thời. Ông Bình cũng cho biết, các cấp tòa có nhận được thông tin kêu oan nhưng xem hồ sơ thấy án được làm đầy đủ nên không kiểm tra thêm. Sau khi dư luận lên tiếng về tố giác của nhân chứng nói 2 người khác phạm tội chứ không phải Huỳnh Văn Nén, xác minh thấy có căn cứ, VKS đã kháng nghị.

Người đứng đầu ngành tòa án cũng thừa nhận, các cơ quan tố tụng thời gian trước làm việc trên nguyên tắc trọng hồ sơ, chưa xem xét các yếu tố bên ngoài nên có oan, có lọt. Hiện nay, thực hiện việc cải cách tư pháp, nguyên tắc số một là trọng tranh tụng, sẽ cố gắng khắc phục tồn tại đó.

Về thời hạn, tiến độ cụ thể giải quyết vụ Huỳnh Văn Nén, ông Bình cho rằng cần chờ câu trả lời từ CQĐT.

Chuyển sang "kỳ án vườn mít", đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) – người từng kiên trì “truy” Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Hòa Bình suốt kỳ họp Quốc hội cuối năm 2014 phân tích, vụ án đã qua 10 năm, 7 lần xét xử mà có những phán quyết rất khác nhau, có lúc bị cáo bị tuyên án tử hình, lúc được kết luận không có tội, tha ngay tại tòa rồi phiên tòa gần nhất lại “chốt” án tù chung thân.

Ông Hùng một lần nữa đề nghị lãnh đạo VKS, tòa án cùng khẳng định lại đã nhận được đơn kêu oan của Lê Bá Mai hơn một năm trước chưa vì đoàn giám sát của Quốc hội khi làm việc với công an tỉnh Bình Phước và trại giam đều nhận được câu trả lời là Lê Bá Mai có gửi đơn qua trại, trại giam đã thực hiện chuyển đơn theo quy định.

Đại biểu cũng ghi nhận nỗ lực của các cơ quan tố tụng khi lập 2 nhóm nghiên cứu lại vụ án, 1 nhóm đi theo hướng gỡ tội, 1 nhóm đi theo hướng buộc tội để cùng tranh luận với nhau. Ông Hùng chỉ thắc mắc, sao không triệu tập những thẩm phán đã từng xử trước kia với những bản án, nhận định rất khác nhau tham gia các nhóm nghiên cứu này. Liên lạc với vị thẩm phán từng tuyên trả tự do tại tòa cho Lê Bá Mai, ông Hùng cho biết, vị này không được mời.

Chánh án Trương Hòa Bình giải thích, Lê Bá Mai là một vụ án rất phức tạp về đánh giá chứng cứ mà tội danh cáo buộc cho Mai có khung hình phạt tất rộng, từ 12 năm tù đến tử hình nên mỗi HĐXX  có  đánh giá chứng cứ khác nhau nên có việc định tội rồi xét xử lại, xác định không phạm tội rồi lại tuyên người này phạm tội.

Một lần nữa nhấn mạnh, vụ án kéo dài có trách nhiệm của tòa án và VKS nhưng ông Bình cũng thông tin, hiện tại tổ công tác liên ngành vẫn xác định, việc xét xử Lê Bá Mai không có căn cứ để kháng nghị. Sự việc sẽ được quyết định sau khi thống nhất với đoàn giám sát của Quốc hội.

Chánh án Trương Hòa Bình tại phiên trả lời chất vấn.
Chánh án Trương Hòa Bình tại phiên trả lời chất vấn.

Về lá đơn kêu cứu, Chánh án TAND tối cao khẳng định, đã rà sát, trao đổi thêm với Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Hòa Bình thì cả 2 cơ quan bảo vệ pháp luật này đều chưa nhận được đơn kêu oan của Lê Bá Mai, chỉ nhận được đơn của bố Mai.

“Trại giam khẳng định đã chuyển đơn của Mai nhưng cả Viện và Tòa chúng tôi đã kiểm tra lại và không nhận được mà cũng không phải vì không nhận được đơn của Mai mà không xem xét” – ông Bình phân trần.

Còn nhóm nghiên cứu liên ngành (công an, VKS, tòa án) vì mới chỉ xem xét trên hồ sơ và trực tiếp làm việc với Lê Bá Mai và nên không mời những thẩm phán từng tham gia xét xử trước đó. Theo quy định của luật, khi xét xử giám đốc thẩm lại, Hội đồng xét xử có thể mời những thẩm phán, luật sư… từng làm án đến tham gia.

Làm người dân bị oan, trách nhiệm cao nhất là Chánh án?

Mở rộng hơn vấn đề án oan sai, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) nhắc lại chất vấn của ông tại Quốc hội sau khi nổ ra vụ Nguyễn Thanh chấn là “còn bao nhiêu thỏ bị biến thành gấu”. Chánh án Nguyễn Hòa Bình đã hứa sẽ rà soát lại. Ông Thuyền muốn biết kết quả rà soát của người đứng đầu ngành tòa án.

Chánh án Trương Hòa Bình thông tin, theo yêu cầu của Quốc hội là kiểm tra các án có mức phạt từ tù 20 năm, chung thân hoặc tử hình mà có đơn kêu oan từ năm 2011 tới nay thì có 35 trường hợp, đã giải quyết 24 trường hợp, trong đó chỉ có 3 trường hợp cần xem xét lại mức án đã tuyên, 11 vụ nữa sẽ làm nốt trong thời gian ngắn tới.

Chủ tịch Quốc hội đặt nhiều câu hỏi cho Chánh án TAND tối cao.
Chủ tịch Quốc hội đặt nhiều câu hỏi cho Chánh án TAND tối cao.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dấn thêm vào vấn đề trách nhiệm, xử lý trách nhiệm của tòa án, Chánh án về tình hình án oan, sai.

Đáp lời, ông Trương Hòa Bình nêu nguyên tắc, mỗi cấp tòa án xét xử độc lập. Các tòa sau khi xử xong tự mình thấy oan thấy sai thì kiến nghị lên Chánh án để kháng nghị. Về xử lý trách nhiệm của thẩm phán, nếu gây oan sai sẽ không được tái bổ nhiệm nhưng còn phải xem việc làm oan do chủ quan hay khách quan. Nếu cố tình làm oan thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu vô ý thì xem xét trách nhiệm bồi thường.

“Án dù sai từ giai đoạn điều tra, dù do bức cung nhục hình nhưng đã kết tội thì đó là trách nhiệm của tòa án. Việc làm người dân bị oan, cuối cùng đều là trách nhiệm của tòa án, người chịu trách nhiệm cao nhất là chánh án, có phải không?”- Chủ tịch Quốc hội tiếp tục truy vấn.

Chánh án Trương Hòa Bình xác nhận, việc oan sai không dù do cơ quan điều tra hay VKS nhưng khi tòa đã tuyên thì trách nhiệm thuộc về tòa. Còn khi tòa chưa xử, nếu sai ở hoạt động điều tra thì công an chịu trách nhiệm, sai ở khâu truy tố là thuộc VKS.

Ông Bình cũng lập luận: “Tòa sẽ chịu trách nhiệm toàn bộ nếu được kiểm soát từ đầu dù công an bắt sai, VKS truy tố sai. Nhưng nếu tòa không được phê chuẩn, công an bắt sai thì công an chịu. Tòa sẽ chịu trách nhiệm từ giai đoạn xét xử”.

P.Thảo