1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Làm gì để dân tộc chưa có 400 người không bị mai một?

CTV Ban Mai

(Dân trí) - Khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chúng ta không thể đứng nhìn dân tộc chưa đầy 400 người bị mai một.

Chính sách của Đảng và Nhà nước đã góp phần giúp người Ơ Đu phát triển nhanh chóng hơn, cuộc sống được cải thiện hơn. Nhiều năm qua, địa phương đã nỗ lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

Để khắc phục các hạn chế và góp phần phát triển bền vững dân tộc Ơ Đu, cần phải có sự thay đổi trong cách tiếp cận đối với các chính sách hỗ trợ đối với cộng đồng này trong giai đoạn tới.

Làm gì để dân tộc chưa có 400 người không bị mai một? - 1

Người Ơ Đu ở Văng Môn mang đồ đạc ra suối vệ sinh để chuẩn bị đón tiếng sấm đầu năm (Ảnh: Người dân cung cấp).

Sức mạnh cộng đồng

Trước hết cần phải xem chính sách phát triển là phương tiện và động lực để đồng bào vươn lên. Lâu nay, trong cuộc chiến chống đói nghèo, người ta quan tâm đến vấn đề vật chất và tài chính. Các dự án hỗ trợ phát triển đều tập trung vào đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng và vốn tài chính để giúp người dân xóa đói, giảm nghèo.

Các chính sách hỗ trợ là sự cụ thể hóa những nỗ lực của Đảng và Nhà nước dành cho người Ơ Đu. Và chính sách phát triển đã thực sự trở thành phương tiện, động lực quan trọng làm thay đổi đời sống người Ơ Đu ở Văng Môn.

Điện, đường được đầu tư hiện đại hơn. Nhà cửa của người dân khang trang hơn, đời sống vật chất được nâng cao.

Chính sách cũng đã trở thành nhân tố quan trọng làm thay đổi cuộc sống của người Ơ Đu, tạo động lực cho họ vượt qua khó khăn và vươn lên phát triển.

Nhưng để chính sách có hiệu quả hơn cần phải quan tâm đến sức mạnh của cộng đồng. Các chính sách trong thời gian qua được cho là hiệu quả thấp, thậm chí thất bại bởi chưa coi trọng sức mạnh của cộng đồng.

Thứ hai, phải xem sức mạnh của cộng đồng là nền tảng quan trọng. Các chính sách phát triển của Nhà nước được xây dựng từ trên xuống nên dù làm thay đổi nhanh chóng cuộc sống làng bản nhưng vẫn có hạn chế nhất định.

Điểm dễ thấy là những thay đổi tích cực từ cơ sở hạ tầng cũng như đời sống vật chất. Nhưng nó không tạo ra được sự phát triển bền vững vì chưa khai thác được sức mạnh cộng đồng của người Ơ Đu.

Trong phát triển hiện nay, sức mạnh cộng đồng là nền tảng quan trọng. Sức mạnh cộng đồng trước hết là sức mạnh về văn hóa xã hội. Đó là sự liên kết giữa các thành viên qua tâm thức tộc người, quan hệ họ hàng cũng như các mối liên kết khác được hình thành từ trong quá trình lịch sử.

Làm gì để dân tộc chưa có 400 người không bị mai một? - 2

Lễ cúng đón tiếng sấm đầu năm của người Ơ Đu ở Văng Môn (Ảnh: Người dân cung cấp).

Nhiều người bi quan cho rằng người Ơ Đu hay bị đồng hóa, hòa nhập vào các cộng đồng khác một cách nhanh chóng. Nhưng nhìn ngược lại, đó chưa hẳn là đồng hóa mà có thể coi là năng lực hòa đồng, hội nhập với các cộng đồng khác để tận dụng các nguồn lực phát triển. 

Họ vẫn tự hào nhận mình là "Phrom Ơ Đu", vẫn nhớ, vẫn tìm các đồng tộc của mình ở gần đó để được chia sẻ, hỗ trợ. Mạng lưới xã hội Ơ Đu vừa cởi mở với các nhóm khác nhưng cũng liên kết chặt chẽ với nhau để tìm kiếm điều kiện phát triển.

"Người Ơ Đu còn rất ít, lại sống rải rác, nên càng thương yêu nhau. Họ luôn muốn giúp đỡ nhau. Một người đi ra mà thấy có công việc tốt thì sẽ về đưa theo những người khác nữa đi làm cùng. Và đi xa, người Ơ Đu cũng muốn ở gần nhau để được chia sẻ", Ông Lo Văn Cường, người uy tín của bản nói.

Thực tế cho thấy, không chỉ những người đi xa mà ở tại địa phương, người Ơ Đu cũng hay tìm đến nhau. Có những người khi có thời gian rảnh họ đi mấy chục cây số xuống Văng Môn để được gặp anh em đồng tộc uống rượu, vui chơi.

Sự liên kết cộng đồng cũng có những thay đổi theo dòng lịch sử. Nếu trước đây, các mối liên kết về họ tộc, về máu mủ hay hôn nhân giữ vai trò quan trọng thì nay, các mối quan hệ về lợi ích, về nghề nghiệp hay các liên kết khác cũng đang hình thành và ngày càng có vai trò quan trọng.

Ngày trước chỉ tính đến mạng lưới cộng đồng nội tại của người Ơ Đu, nhưng hiện nay là mối quan hệ cộng đồng đa phương và phức tạp hơn, những người ngoài cộng đồng cũng có những tác động nhất định đến nội bộ người Ơ Đu.

Sự liên kết cộng đồng là một nguồn lực, một nguồn vốn để phát triển. Nhưng trong các chính sách phát triển chưa quan tâm đến vấn đề này. Một số dự án quan tâm đến chuyện khôi phục lễ hội, các sinh hoạt văn hóa và nghệ thuật trình diễn. Nhưng nó sẽ không đi đến đâu khi sự liên kết cộng đồng lại không được coi trọng.

Bởi chính sức mạnh liên kết cộng đồng là cái tạo ra lễ hội, tạo ra các sinh hoạt văn hóa cộng đồng và nghệ thuật trình diễn. Và trong sự phát triển hiện nay, bỏ qua sức mạnh của cộng đồng cũng là bỏ đi một nguồn vốn quan trọng mang tính nền tảng. 

Thứ ba, người Ơ Đu phải lấy ý chí vươn lên từ chính mình là nhân tố quyết định. Phải làm cho người Ơ Đu vươn lên chính mình để phát triển. Nguồn nhân lực của người Ơ Đu ở Văng Môn hiện tại được đánh giá không phải quá yếu kém.

Làm gì để dân tộc chưa có 400 người không bị mai một? - 3

Cha con người Ơ Đu (Ảnh: Phan Thắng).

Những nhân tố quyết định tương lai

Về thể chất, đối với đàn ông trung bình cao 1,6m và cân nặng 55kg, phụ nữ trung bình cao 1,53m và cân nặng 50kg. Về trình độ, có 21 người được đào tạo chuyên nghiệp từ trung cấp đến đại học, trong đó, có 12 trình độ đại học, 7 trình độ cao đẳng và 2 trình độ trung cấp.

Bên cạnh đó có 65 trẻ em đang theo học các cấp (36 bé học tiểu học, 18 bé học trung học cơ sở và 11 học sinh theo học cấp trung học phổ thông). Đây là một nguồn vốn quan trọng, là nhân tố quyết định tương lai của cộng đồng này.

Tuy nhiên, do được Nhà nước bao bọc nhiều năm nên một số người trở nên lười biếng, ỷ lại vào chính sách, không chịu khó vươn lên trong cuộc sống. Không những vậy, một số đi ra ngoài làm ăn lại học thói ăn chơi, đua đòi rồi hư hỏng.

Một số khác lười lao động, trông chờ vào chính sách. Có người không chống lại được cám dỗ mà rơi vào nghiện ngập. Nhiều trẻ em không theo đuổi khát vọng học tập vì thấy các anh chị trước học xong cũng khó xin được việc làm ở quê…

Trước đây, người Ơ Đu cũng khó khăn, nhưng họ vẫn tồn tại và phát triển. Và bây giờ, được sự hỗ trợ rất nhiều từ phía Nhà nước, đáng ra họ phải phát triển tốt hơn, nhưng chính sách hay tâm lý ỷ lại chính sách làm cho người Ơ Đu yếu đuối hơn, kém cỏi hơn?

Và càng ngày, nếu không thay đổi cách tiếp cận của các chính sách sẽ làm cho người Ơ Đu bị "thoái hóa", các năng lực sinh tồn bị mai một.

Làm gì để dân tộc chưa có 400 người không bị mai một? - 4

Một lớp học tiếng Ơ Đu ở bản Văng Môn (Ảnh: Phan Thắng).

Vậy nên, xét cho cùng, chỉ có người Ơ Đu phải tự lực tự cường, tự nuôi lấy mình, vươn lên để phát triển, gánh vác trách nhiệm với tổ tông trên con đường gìn giữ một tộc người. Chỉ có như vậy, các chính sách của Nhà nước khi thực hiện mới có hiệu quả và sức mạnh cộng đồng cũng mới được phát huy.

Trong danh mục thành phần các dân tộc Việt Nam công bố năm 1979, dân tộc Ơ Đu đứng cuối cùng với dân số ít nhất. Hiện tại, Ơ Đu chỉ còn chưa đầy 400 người, sinh sống chủ yếu ở huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An.

Hầu hết người Ơ Đu lại tập trung ở bản Văng Môn - một bản tái định cư ở xã Nga My, huyện Tương Dương.

Như vậy, để dân tộc Ơ Đu phát triển bền vững cần phải lấy chính sách làm động lực, lấy sức mạnh cộng đồng làm nền tảng, lấy ý chí vươn lên của người Ơ Đu làm nhân tố quyết định. Đó là những điều kiện cơ bản và cần thiết.

Ngoài ra, cần thêm sự quan tâm của nhiều người, của các cơ quan đoàn thể, của cả hệ thống chính trị cũng như các tổ chức xã hội.

Tháng 6/2019, khi còn làm Phó Chủ tịch Quốc hội, bà Tòng Thị Phóng từng phát biểu tại Hội thảo về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc rất ít người ở huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An.

"Để người Ơ Đu thoát nghèo thì không khó. 5 năm không làm được thì 10 năm. Nhưng để gìn giữ lại được một dân tộc Ơ Đu đúng nghĩa thì cần trách nhiệm, sự hiểu biết về họ, lòng yêu thương về một dân tộc đang bị mai một của nhiều người, nhiều tầng lớp xã hội cùng tham gia, chung tay vào", nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội từng nói.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm