1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trên cây rau”

(Dân trí) - “Thí nghiệm vừa tiến hành chỉ mang tính giải toả những bức xúc của người sản xuất và tiêu dùng. Tuy không có “thần dược” khiến cây rau phát triển đột biến nhưng có tình trạng người dân sử dụng thuốc ngoài danh mục và lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật”.

Bà Nguyễn Thị Hoa - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội - cho biết như vậy khi trao đổi với Dân trí về vấn đề sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên cây rau.

 

Sau khi Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội (phối hợp với một số ban ngành liên quan) kết thúc thí nghiệm về tác động của thuốc kích thích tăng trưởng trên cây rau, đã có một số ý kiến cho rằng đây là thí nghiệm chưa chuẩn xác. Cụ thể, gần đây nhất, TS Nguyễn Văn Khải đã công bố về những thí nghiệm độc lập của mình về hiện tượng chỉ sau 3-4 ngày phun thuốc kích thích, cây xà lách lớn vọt gấp 3 lần so với không dùng thuốc. Bà nghĩ thế nào về vấn đề này?

 

Trước hết, cá nhân tôi sẽ chịu trách nhiệm trước những thí nghiệm đã tiến hành. Trời rét cũng không ảnh hưởng gì tới thí nghiệm. Tuy nhiên, đây chỉ là những thí nghiệm nhanh, chúng tôi đưa ra nhằm giải toả những bức xúc của người tiêu dùng và người sản xuất về vấn đề thuốc kích thích sử dụng trên cây rau.

 

Còn để đánh giá đầy đủ cả về chất lượng, số lượng thời gian…, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các huyện, thị và Cục phối hợp tiến hành cụ thể ngay nhằm sớm có câu trả lời đầy đủ nhất.

 

Về thí nghiệm của TS vật lý Nguyễn Văn Khải, tôi không được chứng kiến nên không có bình luận gì. Nhưng cần lưu ý, nếu có phun thuốc kích thích tăng trưởng thì cũng phải cho ra một sản phẩm để người mua chấp nhận chứ không thể trở thành biến dạng, biến mầu.

 

Nghĩa là sau đợt thí nghiệm ngắn vừa tiến hành, bà khẳng định, không có loại thuốc kích thích nào có khả năng thần kỳ làm rau lớn đột biến, kể cả “viên sủi” mà một số người trồng rau vẫn dùng?

 

Không có. Cho đến nay tôi chưa gặp loại thuốc nào có khả năng thần kỳ đến vậy. Trên thực tế, loại “viên sủi” này vẫn được Trung Quốc sử dụng.

 

Nghĩa là không cần cấm người sản xuất sử dụng những loại thuốc ngoài danh mục được phép lưu hành, bởi chẳng lấy đâu ra “thần dược”?

 

Hà Nội không khuyến khích vấn đề này. Hàng ngày, cán bộ thanh tra vẫn đi kiểm tra các cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật và khu vực trồng rau an toàn trên địa bàn. Nếu phát hiện ra hộ sản xuất nào sử dụng, cửa hàng nào bán thuốc ngoài danh mục được phép, chúng tôi sẽ phạt.

 

Chúng tôi chỉ biết rằng loại thuốc này không có trong danh mục cho phép của nhà nước. Cứ theo văn bản nhà nước mà áp dụng. Mặc dù thuốc ngoài danh mục có thể là những loại thuốc có cùng hoạt chất trong danh mục được phép, nhưng do người ta không đăng ký kinh doanh nên bị cấm.

 

Bao nhiêu cán bộ làm công tác thanh tra vấn đề này? Chi cục có kiểm soát hết được nơi bán và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không thưa bà?

 

Quả thật là lực lượng cán bộ thanh kiểm tra hiện nay của chúng tôi vẫn còn quá mỏng. Cả Chi cục chỉ có 5 thanh tra, 5 thanh tra bán chuyên trách (kết hợp cả công việc kỹ thuật và  thanh tra). Hiện Chi cục thường xuyên tiến hành kiểm tra được khoảng 350 cửa hàng rau trên toàn thành phố và khu vực trồng rau sạch của Hà Nội.

 

Ở vùng chuyên rau thì đã 50% hộ nông dân đã được học lớp đào tạo về cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Phải thừa nhận rằng vẫn còn những hộ đã được học nhưng vẫn chưa tự giác thực hiện đúng.

 

 

“Lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trên cây rau” - 1
 

Bà Nguyễn Thị Hoa.
(ảnh: P.Thanh)

 

 

Còn đối với những hộ gia đình tự trồng rau rồi đem ra chợ bán (còn gọi là rau thị trường) thì có tiến hành kiểm tra nhưng không xuể. Mỗi năm chúng tôi tiến hành kiểm tra hàng trăm mẫu rau bán ngoài chợ và cũng phát hiện những mẫu rau có dư lượng thuốc cao hơn so với  mức cho phép, nhưng không phải là tất cả.

 

Về vấn đề quản lý thuốc bảo vệ thực vật, khó khăn của chúng tôi là chỉ kiểm tra được những cửa hàng và kho thuốc. Còn những hộ bán tại gia đình, không đăng ký kinh doanh, thì chưa có cách nào kiểm soát hết được.

 

Theo kinh nghiệm của bà, loại rau nào và mùa nào thường bị phun thuốc bảo vệ và thuốc kích thích tăng trưởng nhiều nhất?

 

Đó là những loại rau ăn lá, quả như đỗ, đậu. Bên cạnh đó, vào mùa rét rau thường được phun thuốc kích thích để phát triển nhanh hơn. Vào thời điểm có sâu bệnh thì người ta cũng phun thuốc trừ sâu. Ví dụ vào cuối xuân đầu hè này thì thường xuất hiện sâu non và người sản xuất sẽ phải dùng thuốc. Dù có dùng thuốc gì đi chăng nữa, nếu vẫn tuân thủ đúng quy định về số lượng thuốc, thời gian cách ly thì không gây hại gì cho người sử dụng.

 

Người dân đi chợ mua rau vẫn truyền nhau kinh nghiệm: không chọn rau xanh nõn, mỡ màng bởi đó là loại rau được tưới quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích hoặc chưa đủ thời gian cách ly cần thiết trước khi đem bán. Kinh nghiệm này có giúp được họ tránh được nguy cơ ngộ độc không thưa bà?

 

Đứng về góc độ chuyên ngành thì nếu rau có đất tốt và phân tốt thì vẫn phát triển mỡ màng. Không chắc là rau tươi, xanh nõn là không an toàn. Ví dụ, rau muống là rau ao thì chẳng cần bón gì nó cũng xanh nõn. Chưa chắc loại rau trông cằn, sâu đã là an toàn, bởi có thể đó là do không biết dùng thuốc bảo vệ thực vật; rau vẫn sâu mà dư lượng thuốc vẫn cao.

 

Để đảm bảo an toàn, người tiêu dùng không nên ăn rau trái vụ quá xanh non bởi người ta dễ sử dụng thuốc kích thích và chưa đủ thời gian cách ly. Thông thường rau có thuốc kích thích và rau không sử dụng sẽ có sự khác biệt về độ đậm trong mùi vị.

 

Xin cảm ơn bà!

 

Theo TS Bùi Đăng Doanh, Cục phó Cục Bảo vệ thực vật - Bộ NN&PTNT, những thuốc bảo vệ thực vật đang được người dân sử dụng đền chứa hoạt chất Giberellic acid, có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng của VN. Riêng loại GA3 của Trung Quốc (cũng sử dụng hoạt chất này) bị cấm buôn bán, sử dụng do chưa có cá nhân, tổ chức nào đăng ký, thử nghiệm.

 

Giberellic acid kích thích hóc môn sinh trưởng của cây trồng. Nếu dùng đúng liều lượng thì không bao giờ ảnh hưởng đến cây trồng cũng như sức khỏe người tiêu dùng.

 

Ngược lại, Giberellic acid cũng như các thuốc bảo vệ thực vật khác, khi vào cơ thể quá liều cho phép đều có thể gây độc.

 

Ông Doanh cũng thừa nhận, vẫn còn diễn ra tình trạng người sản xuất sử dụng thuốc ngoài danh mục cho phéo. Số người dân sử dụng thuốc sai quy trình, không tuân thủ về thời gian cách ly cũng chiếm tỷ lệ rất cao.

 

P. Thanh (thực hiện)