1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Lái xe trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết - Dầu Giây: Vừa chạy vừa run

Hoàng Bình

(Dân trí) - Tuyến cao tốc dài hơn 200km vừa vận hành vừa thi công, lại không có đèn đường, không có trạm dừng nghỉ khiến tài xế bất an, tiềm ẩn nguy hiểm.

Theo nhiều tài xế, hai tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây đưa vào khai thác giúp rút ngắn khoảng cách rất lớn giữa các địa phương, hàng hóa lưu thông nhanh hơn. Các điểm du lịch đông khách hơn nhưng vẫn còn đó những nổi lo, tiềm ẩn nguy hiểm. 

Anh Mai Huy Hoàng, tài xế xe tải đông lạnh, chuyên chạy trên 2 tuyến cao tốc mới Vĩnh Hảo - Phan Thiết - TPHCM, cho biết, cao tốc mới giúp thương lái rút ngắn thời gian di chuyển từ Ninh Thuận vào TPHCM, tăng doanh thu của công ty. Do cao tốc chưa hoàn thiện theo thiết kế khiến anh em tài xế vừa chạy vừa run.

Lái xe trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết - Dầu Giây: Vừa chạy vừa run - 1

Trung bình mỗi ngày cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có 15.000 lượt phương tiện qua lại (Ảnh: Hoàng Bình).

Khác với cao tốc TPHCM - Dầu Giây có hệ thống đèn đường thì 2 cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây không có hệ thống đèn đường khiến anh em tài xế chạy ban đêm với tốc độ cao khó xử lý tình huống. Đặc biệt, nhiều trường hợp 2 xe chạy ngược chiều pha đèn, lóa mắt rất nguy hiểm.

Đồng quan điểm với anh Hoàng, tài xế xe du lịch Trần Văn Châu (ngụ TPHCM) chia sẻ: "Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết hơn 100km, chủ yếu 2 làn đường, chưa có trạm dừng chân, công nhân vẫn đang thi công nên lái xe luôn phải tập trung cao độ để giảm tốc độ, chuyển làn. Trường hợp xe chạy tốc độ cao không giữ khoảng cách an toàn rất dễ va chạm vì xe trước có thể giảm tốc độ bất ngờ. Thậm chí nhiều xe phải chuyển làn đột xuất do có công trình hoặc có xe gặp sự cố phía trước".

Cũng theo nhiều tài xế, việc cao tốc hơn 200km vẫn chưa có trạm dừng nghỉ khiến tài xế dễ mệt mỏi, mất tập trung, dễ buồn ngủ, đặc biệt là vào ban đêm hoặc trời mưa lớn.

Theo thiếu tá Hoàng Xuân Ân, Đội trưởng Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 6 thuộc Phòng 8, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), thời gian qua đơn vị đã xử lý rất nhiều trường hợp xe máy đi vào cao tốc, các tài xế chạy ngược chiều và lùi xe trên cao tốc.

Hiện trên 3 tuyến cao tốc mới đưa vào vận hành ở phía Nam đều chưa gắn camera giám sát tốc độ nhưng đội đã tổ chức tuần tra, giám sát tốc độ ở một số đoạn trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. 

Lái xe trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết - Dầu Giây: Vừa chạy vừa run - 2

Vị trí xây dựng trạm dừng nghỉ tại huyện Hàm Tân (Bình Thuận) trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây (Ảnh: Hoàng Bình).

Chia sẻ về nguyên nhân nhiều vụ tai nạn xảy ra gần đây trên các tuyến cao tốc, thiếu tá Hoàng Xuân Ân cho rằng phần lớn là lỗi chủ quan của tài xế, đường mới, vắng xe nên lái xe không làm chủ tốc độ. Hầu hết các vụ tai nạn nghiêm trọng trên cao tốc 2 tháng qua phần lớn xảy ra ban đêm, tài xế không giữ khoảng cách an toàn. 

Theo thiếu tá Ân, để chạy xe an toàn trên cao tốc, tài xế cần lái xe đúng tốc độ, giữ khoảng cách an toàn, tập trung, không nên lái xe trên chặng đường dài. Đặc biệt các tài xế lái xe ban đêm cần tỉnh táo khi lái xe, chuẩn bị kỹ nhiên liệu, kiểm tra kỹ thuật xe trước khi vào đường cao tốc. 

Thiếu tá Ân cũng cho biết việc cao tốc chưa có trạm dừng nghỉ là rất nguy hiểm cho lái xe. Tài xế lái xe trên đường dài thường mỏi mắt, mệt mỏi cần nghỉ ngơi. Hiện đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết chỉ có 2 làn chạy nên có sự cố là nguy hiểm vô cùng. Mong rằng các trạm dừng nghỉ sẽ sớm được xây dựng và đưa vào hoạt động.

Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết có chiều dài tuyến khoảng 100,8 km đi qua địa phận các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam của tỉnh Bình Thuận với vận tốc thiết kế là 100-120 km/h. Dự án có tổng mức đầu tư 10.850 tỷ đồng, được khởi công vào tháng 9/2020 và đưa vào vận hành ngày 19/5. 

Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết khởi công tháng 9/2020 với tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng vừa khai thác từ 29/4. Tuyến cao tốc có điểm đầu nối với cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết tại huyện Hàm Thuận Nam và điểm cuối ở nút giao cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây ở huyện Thống Nhất, Đồng Nai. Vận tốc thiết kế của cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết tối đa 120 km/h và tối thiểu 60 km/h.