Hà Nội:
“Lạ lùng” hàng trăm hộ dân phải leo bộ tại tòa nhà Keangnam
(Dân trí) - Ngày 3/12, hàng trăm hộ dân sinh sống tại tòa tháp 48 tầng, thuộc khu tổ hợp Keangnam, đã phải leo cầu thang bộ để lên căn hộ của mình. Thậm chí, sau đó, hệ thống thang bộ thoát hiểm cũng bị khóa, không ai về được nhà mình.
Đơn vị quản lý tòa nhà muốn thu mức phí dịch vụ là 18.843đ/m2/tháng. Tuy nhiên mức phí này bị người dân sống tại đây cho rằng quá đắt và phi lý. Viện dẫn các quy định, họ chỉ đồng ý tạm đóng ở mức 4.000đ/m2/tháng. Người dân cho biết phí dịch vụ như vậy vẫn là quá đắt đỏ và không tương xứng với những dịch vụ mà họ đang “phải” đón nhận.
Rất nhiều cư dân sống tại đây đã không đồng ý đóng phí. Ngày 21/11, Keangnam đã ra “tối hậu thư” thông báo nếu cư dân không đóng mức phí trên, chủ đầu tư sẽ cắt các tiện ích công cộng, trong đó có thang máy.
Bất bình vì cách hành xử “thiếu nhân văn” này của chủ đầu tư, hàng trăm người đã tập trung dưới sảnh tòa tháp A phản đối dữ dội. Nhiều tờ rơi được dán lên khắp nơi với các nội dung: “Chúng tôi phải được về nhà”, “Hãy trả lại thang máy cho cư dân”, “Dịch vụ thấp, giá trên trời”…
Bác Trần Xuân Trạch, tổ trưởng tổ dân phố tại đây, bức xúc: “Tôi muốn lên nhà mình bây giờ cũng không thể được vì thẻ từ đã bị khóa. Keangnam Vina làm như vậy là không thể chấp nhận được. Họ thể hiện thái độ vô trách nhiệm và thiếu tôn trọng cộng đồng dân cư.”
Chị Minh Thảo, một cư dân sống trên tầng 48, tầng cao nhất của tòa tháp A, không giấu nổi sự bực mình. Chị thẳng thắn: “Chúng tôi mua nhà ở Keangnam với giá tiền rất cao với hy vọng sẽ được hưởng những tiện ích tốt. Tuy nhiên, đến ngay cả thang máy cũng bị “khóa” không cho dùng thì không thể tin được.”
Chị cho biết thêm, theo tính toán chưa đầy đủ, khoảng gần 400 hộ dân đã bị Ban quản lý tòa nhà và chủ đầu tư đơn phương tước đoạt quyền đi lại như gia đình chị. Nhiều người trong số đó thậm chí còn mang bầu rất lớn như chị Trần Thị Hoài Phương (căn hộ số 1101).
Điều gây bức xúc nhất, theo đại diện các hộ dân sinh sống tại đây, tại tòa nhà có hàng trăm người già, trẻ nhỏ và người yếu ốm. Chủ đầu tư cắt thang máy, có nghĩa là hàng ngày, bằng đấy con người sẽ phải còng lưng, leo đến hàng chục tầng mới có thể vào được nhà mình.
“Tôi gọi điện về, người giúp việc cho biết các cháu nhỏ đang rất hoảng sợ. Với tình trạng này, nếu chẳng may xảy ra hỏa hoạn thì không biết hậu quả sẽ ra sao,” anh Hải, một cư dân sống tại tòa nhà bất bình.
Đáng nói hơn, không chỉ “khóa” lối về của dân cư, phía Keangnam còn tiến hành cắt điện đối với các hộ dân không đóng phí dịch vụ. Khó hiểu hơn, một số hộ đã đóng tiền điện cũng bị cắt không lý do.
Khoảng 14h chiều 3/12, hàng trăm người đã kéo đến văn phòng của Chetsnut Vina, đơn vị quản lý và vận hành của tòa nhà, để đối thoại. Tuy nhiên, tại đây, những người Hàn Quốc có trách nhiệm lại tìm cách né mặt. Căng thẳng giữa hai bên được đẩy lên cao khi lãnh đạo Chetsnut bỏ ra lối đi phía sau. Người dân đã buộc phải yêu cầu họ phải quay lại để làm việc với ban đại diện lâm thời.
Trong khi đó, một số cư dân do không thể về được nhà đã mang bếp than tổ ong, giường chiếu để ngủ tại sân, sảnh toà nhà, phòng làm việc của ban quản lý. Nhiều đồ ăn, nước uống cũng được “tiếp viện” để các hộ dân ở đây sinh hoạt ngay tại chỗ.
Công an đồn cảnh sát số 1 - Công an huyện Từ Liêm và các lực lượng chức năng đã có mặt tại tòa nhà, đề nghị đơn vị quản lý mở lại các tiện ích, trong đó có thang máy, để người dân có được những sinh hoạt tối thiểu. Song, đơn vị quản lý vẫn một mực không mở.
Tuy vậy, sau nhiều giờ đấu tranh căng thẳng, tới 21h30, BQL Keangnam đã phải nhượng bộ và ký bản cam kết với chính quyền và với ban đại diện cư dân, cùng đó Keangnam buộc phải mở thang máy cho dân nơi đây tiếp tục đi lại, sinh hoạt.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.
Phương Anh