DMagazine

Kỷ vật vô giá về Bác Hồ bất ngờ xuất hiện sau 30 năm tồn tại

(Dân trí) - Ông Phan Duy Hương không ngờ rằng, ngoài bức ảnh chụp chung với Bác ở bãi cỏ, ông còn có một tấm ảnh khác, vinh dự được đứng rất gần Người, mà 30 năm sau ông mới biết đến sự tồn tại của nó.

Kỷ niệm về lần gặp Bác Hồ của anh phóng viên xứ Nghệ 

Kỷ niệm lần gặp Bác Hồ của người phóng viên.

Kỷ niệm được gặp Bác Hồ

Cựu nhà báo Phan Duy Hương (bút danh Dương Huy, trú tại TP Vinh, Nghệ An) năm nay 82 tuổi nhưng hết sức minh mẫn. Kỷ niệm về lần đầu tiên, cũng là lần duy nhất được gặp Bác Hồ vẫn nguyên vẹn trong ông. Dẫu đã 60 năm trôi qua, ông vẫn như thấy dáng người cao cao, bước đi nhanh nhẹn, cử chỉ ân cần, giọng nói ấm áp của Người.

Kỷ vật vô giá về Bác Hồ bất ngờ xuất hiện sau 30 năm tồn tại - 1

Nhà báo Phan Duy Hương hồi tưởng về kỷ niệm đặc biệt nhất trong cuộc đời của mình - được gặp và đưa tin về sự kiện Bác Hồ thăm Nông trường Sông Hiếu (huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An).

Năm 1960, chàng trai trẻ Phan Duy Hương bén duyên với nghiệp cầm bút tại tờ Nhân dân Nghệ An (tiền thân Báo Nghệ An), ghi lại cuộc sống và chiến đấu của nhân dân quê nhà trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc. Hơn 1 năm tuổi nghề, còn nhiều điều bỡ ngỡ, bởi vậy, được phân công đưa tin sự kiện Bác Hồ về thăm Nông trường Sông Hiếu là điều mà ông không bao giờ ngờ tới.

Ngày 8/12/1961, quê hương Nghệ An lần thứ 2 đón Bác về thăm. Đây là sự kiện trọng đại của tỉnh nên các cơ quan thông tin đều cử những nhà báo dày dạn kinh nghiệm tham gia đưa tin.

Kỷ vật vô giá về Bác Hồ bất ngờ xuất hiện sau 30 năm tồn tại - 2
Đây là lần thứ 2, Bác Hồ về thăm quê hương sau nhiều năm bôn ba tìm đường cứu nước... (Ảnh tư liệu).
Kỷ vật vô giá về Bác Hồ bất ngờ xuất hiện sau 30 năm tồn tại - 3

Bác thăm và trò chuyện cùng công nhân Nông trường Sông Hiếu và nhân dân huyện Nghĩa Đàn (Ảnh tư liệu).

"Sáng 10/12/1961, lãnh đạo cơ quan phân công tôi lên Nông trường Sông Hiếu (huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) đưa tin Bác Hồ thăm nông trường. Tôi vừa bất ngờ vừa vui sướng, xen lẫn lo lắng. Vui vì sẽ được gặp Bác Hồ, cơ hội không phải ai cũng có được. Lo lắng vì mình chưa nhiều kinh nghiệm, liệu có hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao hay không", nhà báo Phan Duy Hương nhớ lại.

Kỷ vật vô giá về Bác Hồ bất ngờ xuất hiện sau 30 năm tồn tại - 4
Trong ký ức của nhà báo Phan Duy Hương, Bác Hồ bước xuống từ chiếc trực thăng, cao lớn nhưng rất đỗi thân quen, gần gũi...

Để "hợp vai" một phóng viên đưa tin về sự kiện quan trọng này, đích thân lãnh đạo cơ quan mượn cho ông chiếc áo Tôn Trung Sơn và chiếc mũ vải để trông chững chạc hơn. Sáng 10/12/1961, anh phóng viên trẻ theo xe ô tô của Bí thư Tỉnh ủy Võ Thúc Đồng lên Nông trường Sông Hiếu. Lúc này, Bác Hồ đang có chuyến thăm Hợp tác xã cao cấp Vĩnh Thành (xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) - lá cờ đầu trồng cây của toàn miền Bắc.

"Sau khi thăm Hợp tác xã cao cấp Vĩnh Thành, Bác đi trực thăng lên thăm Nông trường Sông Hiếu. Trực thăng hạ cánh, Bác bước xuống, dáng người cao ráo, không kém anh phi công người Liên Xô là bao nhiêu. Lúc này, bà con nhân dân đã tập trung tại địa điểm tổ chức mít tinh để chào đón Bác, nhưng Bác không vào khu vực mít tinh mà đi thăm đồi cà phê", ông Hương kể.

Kỷ vật vô giá về Bác Hồ bất ngờ xuất hiện sau 30 năm tồn tại - 5
Bác Hồ thăm và trò chuyện với công nhân nông trường cà phê (Ảnh tư liệu).

Bác bước từng bước dài, khiến anh phóng viên trẻ phải chạy theo mới kịp. Cũng nhờ bám sát nên ông có cơ hội được tận mắt chứng kiến những điều về Bác mà trước đây chỉ nghe nói.

"Trên đường lên thăm đồi cà phê, Bác gặp một cháu bé khoảng 3-4 tuổi đứng bên đường. Bác đi lại, bẹo vào má cháu bé đầy âu yếm. Vì lạ nên em bé mếu máo, lúc này Bác đã đi quá một đoạn, liền dừng bước, quay lại cười với cháu bé. Bác thật mộc mạc, gần gũi", ông Hương vẫn nguyên vẹn cảm nhận về Bác Hồ.

Kỷ vật vô giá về Bác Hồ bất ngờ xuất hiện sau 30 năm tồn tại - 6
Nhà báo Phan Duy Hương trò chuyện với PV Dân trí.

Bác lên thăm đồi cà phê, hỏi han bà con về mật độ, kỹ thuật trồng, chăm sóc cây. Trên đường xuống khu vực tổ chức mít tinh, bác ghé vào một lán công nhân kiểm tra nơi ăn chốn ở.

Trên khán đài được dựng bằng tre, Bác Hồ đã có buổi trò chuyện với bà con nhân dân, công nhân huyện Nghĩa Đàn. Chàng phóng viên trẻ cũng trèo lên khán đài để gần Bác hơn, kịp thời ghi lại những lời dặn dò của Bác để chuyển tải vào bài viết của mình.

Tấm ảnh chụp chung với Bác Hồ

Như bao nhiêu người con quê hương xứ Nghệ, phóng viên Phan Duy Hương mong mỏi được chụp chung với Bác một tấm hình. Là phóng viên, vinh dự được tham gia đưa tin sự kiện quan trọng này, được nhìn thấy Bác bằng xương bằng thịt, được đứng gần Bác mà không có tấm ảnh nào kể cũng thật đáng tiếc.

Trong khi Bác tranh thủ nghỉ trưa, Phan Duy Hương thơ thẩn đứng ngoài lán, nhấp nhổm định vào xin được chụp chung với Bác tấm ảnh nhưng rồi sự nhút nhát khiến anh không dám tiến vào. Khi Bác dậy, cánh phóng viên đã tập trung ngoài lán khá đông, ai cũng muốn chụp ảnh với Bác mà không dám mở lời.

Kỷ vật vô giá về Bác Hồ bất ngờ xuất hiện sau 30 năm tồn tại - 7
Bức ảnh ông Hương (ngoài cùng bìa trái) được chụp chung với Bác Hồ nhưng mãi đến gần 30 năm sau ông mới được biết đến sự tồn tại của nó (Ảnh chụp lại).

"Đợi khi Bác dậy, tôi tiến đến đề đạt nguyện vọng được chụp ảnh với Bác nhưng sợ Bác không đồng ý. Lúc đó có mấy chị công nhân là người dân tộc nữa, tôi nói: "Thưa Bác, cháu và các chị đây muốn chụp với Bác một tấm hình". Bác đồng ý và tiến ra bãi cỏ. Lúc này các nhà báo khác cũng ùa tới, chúng tôi có một bức ảnh kỷ niệm với Bác Hồ, một kỷ niệm mà không phải ai cũng may mắn có được", cựu nhà báo Phan Duy Hương kể.

Sau chuyến công tác "để đời" này, phóng viên Phan Duy Hương đã hoàn thành bài viết và được đích thân Bí thư Tỉnh ủy Võ Thúc Đồng đọc, sửa từng câu chữ. Bài báo đăng tải đã tạo được sự lan tỏa lớn. Lời căn dặn của Bác đối với bà con nhân dân Nghĩa Đàn, với công nhân Nông trường Sông Hiếu đã trở thành quyết tâm chính trị của Đảng bộ và nhân dân Nghệ An trong thi đua lao động sản xuất để xây dựng quê hương.

Kỷ vật vô giá về Bác Hồ bất ngờ xuất hiện sau 30 năm tồn tại - 8
Bức ảnh quý ghi lại khoảnh khắc đặc biệt nhất trong cuộc đời một người phóng viên được ông Hương giữ gìn cẩn thận.

Nhưng ông Hương không ngờ rằng, ngoài bức ảnh chụp chung với Bác cùng mọi người ở bãi cỏ, ông còn có một tấm ảnh khác, khi vinh dự được đứng rất gần Người.

Đó là vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1990), ông Hương nhận được điện thoại của giám đốc Bảo tàng Kim Liên (nay là Khu di tích Kim Liên) thông báo về một bức ảnh chụp chung với Bác. Đây là bức ảnh chụp Bác Hồ trong lần thứ 2 Người về thăm quê, được một phóng viên ở miền Nam gửi tặng Bảo tàng.

Sau này, bức ảnh được vị giám đốc Bảo tàng Kim Liên sao một bản, tặng cho ông Hương. Trong bức ảnh, Bác Hồ đang nói chuyện với một nữ công nhân nông trường, và ông Hương đứng ngay phía sau cô công nhân, nở nụ cười rất tươi.

Bức ảnh đen trắng được ông Hương giữ gìn như báu vật, hơn 60 năm trôi qua vẫn còn sắc nét.