1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5):

Kỷ vật của người phụ nữ Sóc Trăng về Bác Hồ

(Dân trí) - Đã nhiều năm nay, bà Mai Thị Út (ngụ xã Mỹ Tú, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) là người đang có một kỷ vật đã theo bà suốt mấy chục năm nay, đó là chiếc băng tang bà mang trong những ngày Bác Hồ mất đầu tháng 9/1969.

Bà Mai Thị Út (con gái Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thêm) kể, đầu tháng 9/1969, khi nghe tin Bác Hồ mất, bà đang là cán bộ phụ nữ ấp Phước Thuận, xã Mỹ Phước (huyện Mỹ Tú). Cán bộ và nhân dân địa phương đã quyết định để tang Bác trong thời gian một tháng.

Tất cả mọi người bất chấp sự bố ráp của kẻ thù, đều đeo băng tang tưởng nhớ Bác. Theo quy định, cán bộ Đảng viên đeo băng tang được may bằng một miếng vải to bằng cỡ 2 ngón tay, có hai màu đen và đỏ; còn người dân thì đeo băng tang trắng (nếu mặc áo đen) hoặc đen (nếu mặc áo trắng). Ngoài ra, bà Út còn giữ được một tấm giấy hình vuông lớn bằng bàn tay có kẻ dòng chữ “Thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Bà Mai Thị Út với chiếc băng tang để tang Bác Hồ mất năm 1969.
Bà Mai Thị Út với chiếc băng tang để tang Bác Hồ mất năm 1969.

Sau đợt để tang, để tránh sự nhòm ngó của kẻ thù, bà đã tìm cách giấu chiếc băng tang làm kỷ niệm với tâm nguyện sau này miền Nam được giải phóng, bà sẽ ra Hà Nội viếng Bác, mang theo chiếc băng tang này để báo với Bác về tấm lòng của nhân dân Sóc Trăng cũng như đồng bào miền Nam với Bác.

Để giữ bí mật, để chiếc băng tang không lọt vào tay kẻ thù, bà cuộn tròn lại, nhét vào ruột vỏ đạn 12,7mm rồi lấy sáp đổ bịt kín phía trên. “Tôi đem chôn băng tang xuống dưới chân cột nhà để lỡ kẻ thù có phóng hỏa đốt cháy nhà thì vẫn không ảnh hưởng gì tới băng tang và mình cũng dễ tìm lại”, bà Út xúc động nói.

Cứ như vậy cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, bà Út đào lấy chiếc băng tang lên, luôn giữ ở bên mình, coi đó là vật bất ly thân. Tuy nhiên, ý định sẽ ra miền Bắc viếng Bác của bà cho tới nay vẫn chưa thành hiện thực bởi hoàn cảnh gia đình khó khăn, sức khỏe cũng hạn chế nên chiếc băng tang kỷ vật vẫn chưa thể cùng bà ra viếng Bác.

Một người dân ở địa phương cho biết: “Nhìn chiếc băng tang của bà Út, chúng tôi thật bất ngờ bởi đến bây giờ có lẽ ít ai còn giữ được món đồ ấy vì chiến tranh ác liệt kéo dài. Khâm phục bà Út lắm”.

Được biết, gia đình bà Mai Thị Út có đến 9 liệt sĩ (7 người con trai là các anh ruột của bà và 2 cháu nội), còn dòng họ Mai của bà ở Mỹ Tú có 22 Liệt sĩ, 4 Mẹ VNAH, bản thân bà cũng là Đảng viên, tích cực tham gia hoạt động cách mạng thời chống Mỹ, có nhiều đóng góp cho cách mạng. Bà được nhiều người dân ở địa phương biết đến với tinh thần khôn khéo, dũng cảm, tham gia giải phóng nhiều đồn giặc ở Mỹ Phước (Mỹ Tú), Tân Long (Ngã Năm), Thạnh Trị (Thạnh Trị)…Các con của bà hiện nay đều thành đạt, có người đang công tác trong lực lượng công an Sóc Trăng. 

                                                                                      Cao Xuân Lương

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm