Ký ức người lính trong cuộc chiến giải phóng cửa ngõ Sài Gòn

(Dân trí) - Đã hơn 40 năm kể từ Đại thắng mùa Xuân năm 1975 lịch sử, nhưng những giây phút chiến đấu ác liệt, khoảnh khắc đứng giữa lằn ranh sự sống và cái chết, thời khắc sung sướng, tự hào khi nghe thông báo đánh đuổi được quân giặc, giải phóng Sài Gòn… vẫn còn nguyên trong ký ức những người lính năm ấy.

Nhắc đến những năm tháng đấu tranh hào hùng đó, ánh mắt của những người chiến sĩ năm xưa vẫn ánh lên niềm tự hào vì được góp một phần công sức trong cuộc chiến giành lại hòa bình, độc lập cho dân tộc Việt Nam. Mặc dù đã ở tuổi xế chiều, nhưng những hình ảnh về đồng chí, đồng đội, những ký ức về sự mưu trí, dũng cảm, gan dạ của những người đã ngã xuống vẫn còn đó…

Những bước chân không mỏi…

Một ngày cuối tháng tư, tôi có dịp gặp ông Nguyễn Tiến Quynh (SN 1956) Phó Chủ tịch Hội cựu chiến binh tỉnh Thanh Hóa- ông chính là người lính trinh sát trong cuộc kháng chiến đánh đuổi quân Mỹ ngụy.

Vừa rót chén nước ông vừa bắt đầu câu chuyện bằng một giọng trầm tư: “Những ngày này lại nhớ đồng đội vô cùng, nhớ những người đã hy sinh, nhớ cả những người còn sống giờ vẫn mang trong mình vết thương của chiến tranh…”.

Ông Quynh nhập ngũ khi tròn 18 tuổi theo tiếng gọi của Tổ quốc, đó là vào năm 1974, cũng là thời gian những cuộc giành giật chính quyền của ta ngày càng ác liệt. Sau khi được huấn luyện ở Thanh Hóa, tháng 2/1975, ông được tăng cường vào Sư đoàn 3 – đơn vị trực tiếp tham gia các cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam.

Ký ức người lính trong cuộc chiến giải phóng cửa ngõ Sài Gòn - 1

Ông Nguyễn Tiến Quynh hồi tưởng lại những ngày kháng chiến.

Bắt đầu với những cuộc chiến từ Bình Định, chiến dịch Tây Nguyên, mở màn ở Buôn Mê Thuật, chặng đường 19 tiếp tế của quân địch, chọc thủng phòng tuyến Phan Rang, giải phóng Bà Rịa – Vũng Tàu… những ký ức ấy vẫn còn tươi mới, như một thước phim quay chậm đối với cựu binh Nguyễn Tiến Quynh.

Nhiệm vụ mà người lính Nguyễn Tiến Quynh được giao lúc đó là trinh sát. Để trận chiến thắng lợi, chúng ta phải nắm bắt được hướng đi của kẻ thù… Những người như ông Quynh phải luồn lách, trà trộn vào trong địch. Ông cho biết, công việc của ông và đồng đội là làm sao nắm tỉ mỉ từng chi tiết của địch, bước đi của chúng như thế nào, âm mưu ra sao… mọi sai sót sẽ trả giá rất đắt, vì thế dù có khó khăn, nguy hiểm cũng không thể lùi bước.

Ông kể: “Cứ vào ban đêm chúng tôi hóa trang, bí mật bò vào cứ điểm để quan sát, nhớ chính xác từng vị trí, góc ngách của địch, tổng hợp tình hình rồi báo về. Nhiều khi gặp địch là lằn ranh giữa sống và chết nó mong manh lắm, thế rồi những lần đó cũng tìm mọi cách để có thể thoát được vòng vây kẻ thù. Người lính dù ở nhiệm vụ nào cũng phải vượt qua nỗi sợ hãi mới có thể hoàn thành nhiệm vụ”.

Có những lần hành quân cả 40-50 km vẫn không thấy mệt, cứ đi hết ngày nọ đến ngày kia, đêm đến thì lót lá cây ngủ một lúc rồi lại hành quân. Trên trời máy bay địch thì quần thảo suốt ngày đêm, ở dưới thì kẻ thù săn đuổi.

Ông Quynh còn nhớ như in con đường hành quân từ Ninh Thuận đến Bà Rịa – Vũng Tàu sau trận chiến giải phóng Phan Rang, đường thì xa, đất đỏ thì bụi mờ mịt, thức ăn, nước uống không có, tưởng như có thể kiệt sức thế nhưng anh em vừa đi vừa động viên nhau rồi cũng đến nơi.

 “Đi qua, chứng kiến nhiều trận chiến đấu ác liệt nhưng vẫn ám ảnh tôi cuộc chiến ở Phan Rang, bị hỏa lực tấn công, đồng đội hy sinh và bị thương nhiều quá. Anh bạn tôi người Hậu Lộc, sau trận đó cũng mất một chân…” – ông Quynh ngậm ngùi kể.

Bất ngờ trước niềm vui đại thắng!

Cũng là chiến sỹ thuộc Sư đoàn 3 Sao Vàng, người lính Nguyễn Xuân Phúc (SN 1954, xã Xuân Giang, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) là người trực tiếp cầm súng chiến đấu từ năm 1973. Ông đã cùng đồng đội làm nên những cuộc chiến thắng ở cửa ngõ Sài Gòn, tạo bàn đạp cho các cánh quân tiến vào giải phóng miển Nam thống nhất đất nước.

Ký ức người lính trong cuộc chiến giải phóng cửa ngõ Sài Gòn - 2

Người lính Nguyễn Xuân Phúc ngậm ngùi khi nói về hơn 200 đồng đội là đồng hương Thọ Xuân đã hy sinh trong cuộc chiến đấu chống Mỹ.

“Quân giải phóng càng đánh càng hăng, dù ban ngày là của địch nhưng ban đêm lại là của ta. Ban ngày địch cắm cờ, đêm ta lại nhổ cờ địch, cắm cờ giải phóng, giành giật từng chút một. Đặc biệt, vào đầu năm 1975 thì những trận đánh càng quyết liệt hơn.

Chúng tôi được lệnh tạo thế bất ngờ, đánh nhanh thắng nhanh khiến địch trở tay không kịp. Cụ thể, tháng 3/1975, ta mở chiến dịch tiến công tổng hợp trên hai hướng trọng điểm: Từ nam Phù Cát đến Bình Khê, An Nhơn và hướng phối hợp Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Vân Canh, nhằm kéo hút Sư đoàn 22 Quân đội Sài Gòn, khống chế Đường 19 (Bình Định lên Pleiku), sân bay Phù Cát... không cho chúng cơ động, ứng cứu Tây Nguyên….

“Để chia cắt địch, lúc 5h30 phút ngày 4/3/1975, bộ đội Tiểu đoàn 19 Công binh đánh sập cầu 12 (Cầu Dài), tạo thế cho Sư đoàn 3 chúng tôi nổ súng đánh chiếm các chốt điểm, chặt đứt Đường 19 (đoạn từ lăng Mai Xuân Thưởng lên đèo Thượng Giang). Ở hướng Phù Cát, Đông An Nhơn, ta giải phóng 5 xã, cắt đứt Đường 1, bẻ gãy các đợt phản kích của địch.

Đến ngày 24/3/1975, Tây Nguyên hoàn toàn giải phóng và toàn bộ cánh quân địch rút chạy trên Đường số 7 bị tiêu diệt. Ngày 31/3/1975, thị xã Quy Nhơn và tỉnh Bình Định hoàn toàn giải phóng. Ngày 16/4/1975 ta đập tan “lá chắn thép” Phan Rang, bắt sống 2 tướng ngụy là Nguyễn Vĩnh Nghi, Phạm Ngọc Sang.

Sau khi giành chính quyền ở Phan Rang, anh em chúng tôi tiếp tục tiến xuống Bà Rịa – Vũng Tàu làm cuộc tổng tiến công. Đến ngày 28/4 thì giải phóng Vũng Tàu. Tiểu đoàn của tôi chiến đấu đến đây thì được lệnh dừng lại để làm công tác kêu gọi tù binh, ổn định tình hình còn các cánh quân khác làm nhiệm vụ giải phóng Côn Đảo và tiến vào giải phóng Sài Gòn”.– người lính Nguyễn Xuân Phúc nhớ lại.

“Tôi nhớ có một trận đánh ở địa điểm Dông cây xanh, giáp ranh 3 huyện Phù Mỹ, Hoài Ân, Hoài Nhơn. Địch chi viện rất nhiều máy bay hỏa lực, ta dùng hai tiểu đoàn. Trận đánh diễn ra ác liệt, kết thúc chiến thắng về phía ta nhưng thương vong lớn quá. Toàn bộ tiểu đội có 35 tay súng thì bị thương và hy sinh hết.

Anh em chúng tôi khi bước vào cuộc chiến thì xác định không sợ chết, không sợ khổ thế nhưng khi nhìn thấy đồng đội ngã xuống, chúng tôi đau lòng lắm, rồi cũng vẫn phải dặn lòng không được lung lay ý chí. Đến lúc nghe đài thông báo chúng ta giành được chính quyền mà anh em ôm nhau khóc. Chúng tôi đã làm được vậy mà thời khắc giành được chính quyền vẫn thấy bất ngờ…”.

Ông Phúc cũng như ông Quynh và rất nhiều người lính năm xưa khi trở về đã mang trong mình vết thương chiến tranh. Người lính Nguyễn Xuân Phúc cũng ngậm ngùi khi nhắc về con số 223 đồng đội trong tổng số hơn 600 người là quê hương Thọ Xuân(Thanh Hóa)của ông hy sinh trong cuộc chiến đánh đuổi quân Mỹ ngụy, đóng góp công sức, viết nên bản hùng ca trong Đại thắng mùa Xuân năm 1975 .

Bình Minh