Thanh Hóa:
Lính đặc công kể chuyện “ngoài sức tưởng tượng” - đốt tàu dầu 15 nghìn tấn của Mỹ
(Dân trí) - Dù trên đầu là máy bay ngày đêm quần thảo, phía dưới gần 100 lính Mỹ canh gác thế nhưng với sự mưu trí, dũng cảm, người lính Trần Quang Khải đã cùng đồng đội làm nên một kỳ tích hiếm có trong lịch sử - đốt cháy chiếc tàu chở dầu 15 nghìn tấn của giặc Mỹ.
Gian nan tiếp cận mục tiêu
16 tuổi, chàng trai Trần Quang Khải (SN 1952, thôn Thanh Nga, xã Hoằng Trinh, huyện Hoằng Hóa) đã gác bút, làm đơn xung phong lên đường nhập ngũ dù lúc đó bản thân ông được ưu tiên vì có anh trai đang tham gia chiến trường miền Nam.
Tháng 6/1968, ông được gia nhập Đội 1, Đoàn 126, Quân chủng Hải quân, Bộ quốc phòng. Vì được mệnh danh là “rái cá” từ nhỏ, người thanh niên Trần Quang Khải lúc đó được đào tạo trở thành đặc công nước.
Nhớ lại sự kiện mình đã làm được xem là kỳ tích ấy, ông Khải không khỏi tự hào. Cho đến giờ đã 50 năm trôi qua, ông vẫn còn nhớ như in khoảng khắc giấu mình trong cát, ngâm mình dưới nước cả ngày trời, lúc cài mìn vào tàu, giây phút chiếc tàu 15 nghìn tấn phát nổ, bốc cháy, ngọn lửa giữa biển khơi cao hơn 100 m….
“Ngày 2/9/1969,Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần, trước sự đau thương vô hạn ấy, Mỹ - ngụy lợi dụng những ngày đó tấn công, đánh phá ác liệt nhiều vùng trên chiến trường miền Nam. Vì vậy, cả nước đồng tâm thực hiện lời kêu gọi: “Biến đau thương thành hành động”. Đoàn 126 cũng phát động phong trào “Tìm diệt nhiều tàu địch, lập công đền ơn Bác”.
Thời điểm này, để tiếp tế cho hơn 3 vạn quân Mỹ và hàng vạn quân ngụy đang bị giam chân ở mặt trận đường 9 – Khe Sanh, địch coi tuyến đường biển Cửa Việt - Đông Hà là “cái dạ dày” cung cấp vũ khí, nhu yếu phẩm của chúng. Bộ chỉ huy hải quân Mỹ-ngụy đã ra lệnh cho các đơn vị vận tải của chúng chỉ được sử dụng tàu dưới 4.000 tấn vào cảng Cửa Việt dỡ hàng. Các tàu có trọng tải lớn hơn phải neo đậu ngoài biển, cách bờ từ 1-5 hải lý, chờ xà lan và tàu nhỏ ra lấy hàng. Tuyệt đối không được vào cảng” – ông Khải kể lại.
Ngày 5/9/1969, cơ sở và trinh sát báo về, có một tàu lớn đỗ ngoài khơi, cách Cửa Việt 3 hải lý về hướng Đông Nam, đang chờ xà lan và tàu nhỏ ra lấy hàng. Đây là tàu USS Noxubee có trọng tải 15.000 tấn, có nhiệm vụ cung cấp nhiên liệu cho các đơn vị ngụy quân ở mặt trận đường 9. Chiếc tàu này được Mỹ trang bị hiện đại, có thiết bị chống người nhái, chống đặc công nước và được canh gác rất nghiêm ngặt. Đảng ủy và chỉ huy Đoàn 126 lập tức lên kế hoạch đánh tàu này.
“Cửa sông Cửa Việt rộng khoảng 200-300m, sâu từ 4-6m; cách bờ 1km. Đang vào mùa mưa, nên lưu lượng nước đổ về đây rất lớn, tạo nhiều vòng xoáy nguy hiểm. Ngoài lực lượng bố phòng trên bộ, trên sông, nơi cửa biển, cách bờ chừng 5-8km thường xuyên có tàu tuần dương Mỹ mang số hiệu 73 hoạt động.
Nơi cửa sông có tàu tuần tiễu ven biển, tàu cuốc, tàu quét mìn và tàu cứu thương của ngụy. Phía nam Cửa Việt, sát mép biển có 2 lô cốt và nhiều đài quan sát... Trước đó, quân Mỹ đã xây dựng thêm 5 ngọn đèn pha, nên đêm đến khu vực cửa sông sáng như ban ngày” – người lính Trần Quang Khải kể bằng chất giọng hào sảng.
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Quang Khải bên kỷ vật thời chiến.
Tổ trực tiếp đánh địch gồm 3 người. Ngoài ông Khải còn có ông Trần Xuân Hỗ và tổ trưởng Bùi Văn Hy. Còn tổ gùi vũ khí và bảo vệ có 4 người. Đêm đầu, hành quân vào vị trí tập kết, ém quân. Đêm thứ 2, bơi ra tiếp cận mục tiêu, gắn mìn. Đêm thứ 3, rút quân về bờ bắc. Thời gian gắn mìn phải trước 1h sáng. Mệnh lệnh của cấp trên là thực hiện không được quá 5 ngày.
Từng ngày, giờ được ông Khải nhớ rất rõ: “Sau khi nhận nhiệm vụ, 18h30 phút, ngày 6/9/1969, tôi cùng mọi người vượt đò Cửa Tùng sang bờ Nam, chọn phương án men theo mép biển. 22h cùng ngày, tất cả đã đến bờ bắc Cửa Việt nhận vũ khí, rồi đeo phao, kéo vũ khí xuống nước vượt sông Cửa Việt sang bờ Nam. Mỗi người mang theo ống thở, khí tài lặn, hai thủ pháo, hai lựu đạn, dao găm… Riêng tôi và ông Hỗ nhận thêm hai quả mìn rùa nặng 6,8kg của Liên Xô sản xuất.
Khoảng 8h sáng cùng ngày, một trung đội lính ngụy tuần tra qua làng, chúng phát hiện cồn cát có dấu vết lạ, liền ra sức lùng sục. Ông Khải thì chôn mình dưới cát còn ông Hy và ông Hỗ thì nằm dưới sông cho đến hơn 17h chiều, không tìm thấy bất cứ thứ gì, đội quân này mới rút.
“Mệnh lệnh cấp trên cho thời gian thì gấp rút mà hết 1 ngày chúng lùng sục nên anh em cứ chôn mình dưới cát và sông thế, không động tĩnh gì. Đợi cho chúng rút đi, 18h anh em mới lần đường ra mép nước và bơi ra biển. Thế nhưng, vừa bơi được đoạn ngắn thì một cơn giông nổi lên, sóng to, gió lớn. Nơi cửa sông dòng nước chảy xiết, nên mọi người đành quay vào bờ, tìm chỗ giấu vũ khí, giấu người” – người lính Trần Quang Khải nhớ lại.
Kỳ tích cài mìn nổ tàu 15 nghìn tấn của đế quốc Mỹ
17h ngày 8/9, ông Khải cùng ông Hỗ mang theo vũ khí, đeo phao, lần theo mép nước ra biển (tổ trưởng Hy ở lại cảnh giới). Lặn hụp dưới nước, vật lộn với sóng gió hơn 3 tiếng đồng hồ, ông Khải cùng đồng đội mới tiếp cận được gần con tàu. Trên đầu máy bay địch quần thảo, ở dưới lính canh gác nghiêm ngặt. Chỉ trong tích tắc chốt thay ca của địch sơ hở, hai ông nhanh chóng bám được giây neo của tàu.
Ông Khải được Chủ tịch nước phong tặng anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
“Mặc dù biết trước đây là tàu cực lớn, nhưng tôi vẫn bị “choáng” bởi nó cao 15m, rộng 20m và dài 100m. Ánh sáng đèn pha làm mặt biển quanh tàu sáng như ban ngày. Anh Hỗ luồn về bên trái mạn tàu, tôi luồn sang phải. Cả 2 tìm khoang chứa dầu rồi cạo hà, áp mìm. Mỗi quả mìn cách nhau 3m, dưới độ sâu 0,5m so với mực nước biển. Vừa gắn xong mìn, chúng tôi bị địch phát hiện, chúng lập tức cho nổ súng báo động. Đạn tiểu liên AR.15 và lựu đạn lập tức ném xuống quanh tàu như mưa.
Máy bay trực thăng, 1 máy bay C.130, 5 tàu tuần tiễu từ Cửa Việt ra vùng biển có chiếc tàu dầu neo đậu, kết hợp với tàu tuần dương và khu trục Mỹ ngoài khơi vào sục sạo, truy tìm. Pháo sáng bắn lên sáng cả một vùng biển, đạn các loại từ trên tàu, trên máy bay xỉa xuống… Trên bờ, từ Cửa Việt ra Cửa Tùng, địch bủa quân vây muôn ngả. Chiếc tàu chở dầu của địch hốt hoảng nhổ neo bỏ chạy về phía Cửa Việt. May mắn lúc chúng phát hiện cũng là lúc hai anh em đã hoàn thành nhiệm vụ”.
Khoảng 22h, mìn nổ theo giờ hẹn, ngọn lửa cao đến cả trăm mét, sáng rực cả mặt biển. Mỹ điên cuồng trút đạn, sức ép làm các chiến sĩ của ta nghẹt thở, choáng váng rồi chìm nghỉm xuống nước. Sợi dây liên kết đồng đội bị đứt, mỗi người văng một nơi, mất liên lạc, cứ như vậy họ để nước cuốn trôi đi… Họ lạc nhau, đói, khát, ẩn giấu mình dưới sự lùng sục, truy quét của địch, người nọ tưởng người kia đã hy sinh. Một ngày sau, cả ba chiến sĩ đã gặp nhau ở điểm quy định bên bờ Bắc Cửa Việt rồi cùng trở về căn cứ. Ông Khải bị thương vào đùi còn ông Hỗ bị sức ép, ù tai.
“Trước khi thực hiện nhiệm vụ này đã xác định là chết nên khi hoàn thành rồi cũng cứ cố gắng thoát thân, sống thì là may mắn còn chết thì cũng mãn nguyện. Cứ tưởng ông Hỗ đã hy sinh nhưng một ngày sau thấy ông trở về, anh em mừng quá chỉ biết ôm nhau khóc ” – ông Khải tâm sự.
Ông Khải tự hào: “Sự kiện tàu dầu 15.000 tấn của Mỹ bị đánh đắm này được hơn 70 tờ báo của các nước đưa tin, bình luận với những dòng nội dung “kinh hoàng”, “ngoài sức tưởng tượng”… Có tờ báo còn đặt câu hỏi: Bằng cách gì mà Việt cộng có thể thâm nhập, cài đặt mìn vào tàu khi mà rađa trên tàu quét 24/24h và thiết bị theo dõi của tàu có thể nhìn thấy từng con cá đang bơi dưới biển?”.
Sau trận đánh ấy, ông Khải lại cùng đồng đội dũng cảm chiến đấu và lập chiến công ở nhiều trận đánh khác. Những năm sau đó, ông được cấp trên cử sang Liên Xô học… Năm 1990, ông về hưu mang quân hàm Thiếu tá với cương vị là Phó Chủ nhiệm chính trị, Lữ đoàn 299, Quân đoàn I. Năm 2015, ông vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Bình Minh