1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quảng Bình:

Ký ức người lính già về 12 ngày đêm phá tuyến “phòng thủ thép” Xuân Lộc

(Dân trí) - 45 năm đã trôi qua nhưng ký ức về trận đánh Xuân Lộc đối với cựu chiến binh Đặng Đình Long vẫn còn vẹn nguyên. Với ông, đó là niềm tự hào xen lẫn nỗi đau khi nhớ về những đồng đội đã hy sinh

12 ngày đêm ác liệt!

Vào một ngày cuối tháng 4, tôi đã có dịp về thăm người cựu chiến binh Đặng Đình Long (SN 1942, tại xã Đức Ninh, thành phố Đồng Hới, Quảng Bình). Ông Long đón khách bằng một nụ cười hiền hòa, phúc hậu và một cái bắt tay thật chặt, rắn rỏi đúng với tư chất một người lính. Ông mặc bộ quân phục gắn nhiều huân, huy chương ghi nhận chiến công trong những trận chiến bảo vệ tổ quốc.

Ký ức người lính già về 12 ngày đêm phá tuyến “phòng thủ thép” Xuân Lộc - 1

Với cựu chiến binh Đặng Đình Long, những trận đánh trong chiến dịch Hồ Chí Minh mà ông tham gia vẫn còn vẹn nguyên ký ức.

Bồi hồi nhớ lại, ông Long cho biết, vào năm 1963, khi vừa tròn 21 tuổi, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông đã cùng nhiều thanh niên của quê hương hăng hái lên đường nhập ngũ, đem tất cả sức lực, trí tuệ và lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ cống hiến cho cách mạng. Sau khi nhập ngũ vào lực lượng Hải quân, ông Long tham gia nhiều trận đánh tàu chiến của Mỹ để bảo vệ khu vực đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị).

Đến những năm 1969-1970, Đặng Đình Long nhận lệnh sang làm nhiệm vụ quốc tế tại chiến trường cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng, Lào. Cho đến năm 1973, vì bị thương, ông được rút nước và điều động tham gia học tập tại Quân khu 4.

Ký ức người lính già về 12 ngày đêm phá tuyến “phòng thủ thép” Xuân Lộc - 2

Ông Long cùng đồng đội ôn lại kỷ niệm của những ngày tháng chiến tranh ác liệt.

Một thời gian không lâu, ông Long được bổ sung về làm Đại đội trưởng, Tiểu đoàn 6, Đại đội 9, Trung đoàn 270, Sư đoàn 341 vào chiến trường miền Nam bắt đầu tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

“Với tôi, kỷ niệm sâu sắc nhất chính là thời khắc khi tôi cùng đồng đội trực tiếp đánh thắng tuyến phòng thủ ở Xuân Lộc và áp sát Trảng Bom để tiến vào Sài Gòn. Trận đánh ác liệt phá tuyến phòng thủ thép của địch diễn ra 12 ngày đêm liên tiếp”, ông Long nhớ lại.

Với vị trí chiến lược của Xuân Lộc - Long Khánh, muốn giải phóng Sài Gòn thì phải giải phóng Xuân Lộc - Long Khánh. Chính vì vậy, chiến trường Xuân Lộc trở thành chiến trường vô cùng ác liệt.

Ngày 9/4/1975, Đặng Đình Long cùng các đồng đội được lệnh nổ súng đồng loạt tấn công từ các mũi vào “cánh cửa thép” Xuân Lộc. Sau 12 ngày đêm chiến đấu quyết liệt, tranh chấp từng căn nhà, góc phố tuyến phòng thủ Xuân Lộc của địch yếu dần.

Sau khi bẻ gãy tuyến phòng thủ Xuân Lộc, đêm 26/4/1975, đơn vị của Đặng Đình Long nổ súng tấn công Trảng Bom, với khí thế hừng hực, đoàn quân tiến đánh chiếm sân bay Biên Hòa, cùng với đơn vị bạn vượt sông Đồng Nai tiến vào Sài Gòn.

Trong trận đánh ác liệt này, ông Long bị thương lần thứ 2 vì 15 mảnh đạn M79 cắm vào người. Trong lúc bị thương, ông đã phải bò lết gần 1 km, vừa nén đau, vừa làm nhiệm vụ trinh sát ngay bên cạnh tiểu đội thám báo của Mỹ Ngụy.

“Tôi đã dùng băng quấn vết thương ở chân, cố gắng nén đau để trinh sát, nhờ đó đã thu thập được nhiều thông tin quan trọng, góp phần tránh những cơn mưa đạn pháo của địch nhằm vào đường tiến công cũng như đưa thương binh ra ngoài của quân ta.

Với người lính chúng tôi lúc đó, luôn sẵn sàng đối mặt với nguy hiểm và đón nhận cái chết, quyết tâm chiến đấu đến cùng. Khi vào được Sài Gòn, chứng kiến lính ngụy bỏ lại vũ khí chạy toán loạn, người dân đổ ra đường chào đón bộ đội, chúng tôi tự hào, xúc động vô cùng. Đó là những cảm xúc khó thể nào quên”, ông Long xúc động.

Nỗi đau khi nhớ về những đồng đội đã hy sinh!

Sau Chiến dịch Hồ Chí Minh, năm 1978, ông Đặng Đình Long tiếp tục nhận nhiệm vụ sang Campuchia giúp nước bạn giải phóng đất nước và làm chuyên gia xây dựng đất nước bạn. Năm 1985, ông xuất ngũ về quê hương sau gần 22 năm xa cách gia đình. Ông Long cũng đã vinh dự được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, Huân chương Chiến công hạng Nhì.

Giờ đây thì đã gần 80, vui thú điền viên cùng con cháu, thế nhưng mỗi khi nhắc về chiến dịch mang tên Bác, những cảm xúc trong vị lính già lại dâng trào, rưng rưng nhớ lại những đồng đội đã hy sinh anh dũng ngay trước giờ đất nước thống nhất.

Ký ức người lính già về 12 ngày đêm phá tuyến “phòng thủ thép” Xuân Lộc - 3

Ông Long thăm lại những người đồng đội đã hy sinh.

Ông cho biết, dù may mắn trở về với quê hương, với gia đình nhưng chưa giờ phút nào ông quên những đồng đội đã vào sinh ra tử. Khi có thời gian, ông lại đến thăm gia đình các đồng đội của mình, cùng nhau nhớ lại những kỷ niệm đời lính gian khổ nhưng đầy tự hào, cùng nhau về với nghĩa trang liệt sỹ, thăm lại những động đội đã hy sinh.

Và hơn hết, ông Long luôn nhớ và răn dạy con cháu phải tri ân, tưởng nhớ những người đã hy sinh tuổi thanh xuân vì độc lập dân tộc, vì cuộc sống hòa bình, tốt đẹp ngày hôm nay.

Ký ức người lính già về 12 ngày đêm phá tuyến “phòng thủ thép” Xuân Lộc - 4

Ông Long luôn nhớ và răn dạy con cháu phải tri ân, tưởng nhớ những người đã hy sinh tuổi thanh xuân vì độc lập dân tộc.

Cứ vào dịp những ngày tháng 4 lịch sử, ông Long lại cùng nhiều cựu chiến binh xã Đức Ninh TP. Đồng Hới từng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lại tổ chức họp mặt. Qua những câu chuyện của các cựu chiến binh, cuộc chiến tranh hào hùng giành độc lập dân tộc được thể hiện như những thước phim rõ nét trong tưởng tượng của mỗi người nghe.

Chiến tranh kết thúc, những người lính trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch vẫn tiếp tục phát huy tinh thần "thép" của người lính Cụ Hồ trong xây dựng kinh tế gia đình, tích cực tham gia công tác xã hội ở địa phương.

Tiến Thành