1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

60 năm Hiệp định Giơnevơ (20/71954 - 20/7/2014):

Ký ức người bảo vệ giới tuyến Hiền Lương

(Dân trí) - Tròn 60 năm ngày ký Hiệp định Giơnevơ, ký ức về những ngày đầu tiếp quản và làm nhiệm vụ ở khu vực giới tuyến Hiền Lương, vẫn chưa phai mờ trong tâm trí những cựu chiến binh già.

Người tiếp quản khu DMZ

Lần theo những tư liệu lịch sử, chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ và trò chuyện cùng ông Nguyễn Anh Thạc, nguyên là đồn trưởng đồn Công an vũ trang Hiền Lương những năm đất nước tạm chia cắt.

Vào thời điểm lịch sử ấy, nhiệm vụ của ông Thạc cũng như các cán bộ, chiến sĩ đồn Hiền Lương là đấu tranh buộc địch thi hành hiệp định, chờ ngày Tổng tuyển cử thống nhất đất nước, đồng thời ngăn chặn các hoạt động tình báo của địch ở đôi bờ giới tuyến…

Nhấp xong chén nước trà đặc quánh, ông Thạc bắt đầu hồi tưởng về quá khứ. Dù đã bước qua tuổi 80 nhưng trí nhớ của ông vẫn hết sức minh mẫn. Từng câu chuyện về thời khắc lịch sử được kể lại một cách khá chi tiết như ông đang sống lại những ngày tháng công tác nơi địa đầu “tuyến lửa”.

Ông Thạc hồi tưởng lại những năm tháng công tác ở vĩ tuyến 17
Ông Thạc hồi tưởng lại những năm tháng công tác ở vĩ tuyến 17

Sinh ra trong gia đình nghèo ở Cam Thủy, huyện Cam Lộ, nên ông thấu hiểu được sự đau thương, mất mát của chiến tranh. Năm 1951, ông nhập ngũ và tham gia bộ đội địa phương huyện Cam Lộ (C340) lúc 17 tuổi, đảm nhận nhiệm vụ trinh sát khắp khu vực Đông Hà và các địa bàn lân cận, nắm bắt mọi hoạt động của địch để làm cơ sở cho lực lượng ta tổ chức tấn công tiêu diệt địch.

Trong thời gia công tác tại đây, ông đã tham gia hàng chục trận đánh, khiến kẻ thù phải khiếp sợ. Năm 1953, đơn vị ông tham gia phối hợp với các chiến trường khác trong chiến dịch Điện Biên Phủ, trung đội của ông đánh tập kích địch ở Ngã tư Sòng, tiêu diệt 18 tên địch. Đó cũng là kỷ niệm đáng nhớ của ông, bởi đây là lần đầu tiên ông tham gia trận đánh lớn.

Một lần khác, chính tay ông đã bắt sống huyện trưởng địch là Trương Quang Hạnh (trước vốn là Đại đội trưởng, chỉ huy thời ông mới nhập ngũ nhưng sau này phản bội lại cách mạng) dẫn theo lực lượng lên đánh càn ở vùng Cam Lộ.

Đến năm 1954, sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, đất nước ta bị chia cắt thành 2 miền Bắc – Nam, lấy vĩ tuyến 17, sông Bến Hải – cầu Hiền Lương làm giới tuyến tạm thời, theo lệnh của Quân khu IV thành lập Đội bảo vệ giới tuyến. Đơn vị ông chọn ra 100 người đã kinh qua quá trình chiến đấu, dạn dày kinh nghiệm, trong đó có ông để ra “tuyến lửa” Vĩnh Linh làm nhiệm vụ.

Tháng 8/1954, ông Thạc cùng tiểu đội 9 người được phân công đi tiếp quản 2 Đồn Hiền Lương và Đồn Cửa Tùng. Sau đó, ông cùng 1 quan hai Pháp, 1 quan hai Ngụy ký vào biên bản tiếp nhận bàn giao đồn Cửa Tùng và đồn Hiền Lương theo tinh thần của hiệp định đình chiến. Từ đó ông trở thành chỉ huy đồn Công an giới tuyến Hiền Lương (sau đổi tên là Đồn Công an vũ trang Hiền Lương), lúc đó ông vừa tròn 21 tuổi.

Lực lượng Công an vũ trang làm nhiệm vụ ở vĩ tuyến 17 (Ảnh Tư liệu)
Lực lượng Công an vũ trang làm nhiệm vụ ở vĩ tuyến 17 (Ảnh Tư liệu)

Ông Thạc hồi tưởng: “Lúc đầu mình hết sức cảnh giác trước mọi âm mưu của kẻ thù. Nhưng kẻ địch vẫn tỏ ra sợ vì ta vừa giành được chiến thắng trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Chính vì vậy, phía bờ Nam cũng tuân thủ các điều khoản của Hiệp định đã ký, nên tình hình an ninh lúc đó vẫn ổn định”.

Ông Thạc cũng như bao người dân Việt Nam đều hy vọng rằng, theo tinh thần của Hiệp định Giơnevơ thì chỉ sau 2 năm đất nước sẽ thống nhất hoàn toàn. Tuy nhiên, sau khi Mỹ nhảy vào miền Nam, cùng với Ngụy âm mưu biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới, khiến cho tình hình hết sức căng thẳng. Phải đợi đến 21 năm sau, đất nước ta mới thống nhất, Bắc – Nam hòa một.

Trong những ngày đầu làm nhiệm vụ ở khu vực giới tuyến, mọi hoạt động của 2 bên đều phải đặt dưới sự giám sát của Uỷ ban quốc tế (Tổ quốc tế 76). Điều khiến ông Thạc day dứt là hàng ngày khi lực lượng ta treo cờ Tổ quốc lên cột cờ là người dân phía bờ Nam sông Bến Hải bước ra nhìn, phía bờ Bắc cũng ngước về phía bờ Nam, bởi nơi đó còn có gia đình, người thân họ đang sống. Trong sâu thẳm những ánh mắt của đồng bào, đó là niềm khát khao thống nhất, gia đình đoàn tụ, chấm dứt sự phân ly. Những lúc ấy, người làm nhiệm vụ ở khu vực giới tuyến như ông Thạc lại nắm rõ nhất.

Ông Thạc tâm sự: “Bản thân tôi lúc đó, cũng như hầu hết anh em làm nhiệm vụ ở đây, cùng hàng triệu người dân Việt Nam ở cả 2 miền đều trông ngóng ngày thống nhất đất nước để gia đình đoàn tụ, được sống trong hòa bình. Trong số anh em làm nhiệm vụ tại đồn Hiền Lương, có anh Nguyễn Ngọc Châu, là cán bộ Tiểu đội. Nhà anh Châu ở Xuân Hòa, rất gần với đồn. Vợ chồng anh đã có 2 con nhưng khi anh về làm nhiệm vụ tại đây, rất ít khi được trở về nhà nên ngày nào vợ anh cũng bồng con ngóng về bờ Bắc, anh cũng hướng về phía bờ Nam mà khóc. Chứng kiến những hình ảnh như thế, ai cũng đau thắt ruột nhưng đất nước vẫn chưa hòa bình, thống nhất hoàn toàn nên không thể phân tâm. Chỉ cách nhau một đoạn sông mà dân tộc ta phải đi mất 21 năm mới tới bờ. Kèm theo đó là biết bao đau thương mất mát, bao sự hy sinh. Đó là một nỗi đau lớn, dai dẳng suốt bao năm trời mà đến nay tôi chưa thể quên được”.

Tháng 8/1955, ông Thạc được thuyên chuyển lên lên biên giới Việt – Lào, làm đồn trưởng đồn Cù Bai, cũng là một vị trí nằm trên vĩ tuyến 17. Năm 1961 ông xuôi về làm đồn trưởng đồn 55 (xã Vĩnh Sơn)...Đến năm 1972, ông về làm phó phòng rồi trưởng phòng tham mưu Ty An ninh Quảng Trị. Tại mảnh đất này, ông vinh dự là một trong những người trực tiếp bảo vệ Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, bảo vệ đoàn của lãnh tụ Nhà nước Cuba Fidel Castro và các đoàn khách quốc tế đến thăm vùng giải phóng.

Sau khi đất nước thống nhất, ông Thạc được tăng cường lên Tây Nguyên làm tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắc Lắc. Đó là một chiến trường không kém phần gian khổ và khốc liệt. Cuộc chiến đấu với bọn phản cách mạng diễn ra liên tục và căng thẳng.

Ông Thạc xem lại bức ảnh ông chụp với đồng đội là những 
Ông Thạc xem lại bức ảnh ông chụp với đồng đội là những Cựu quân nhân Bộ đội Biên phòng trong lần ra mắt Câu lạc bộ

Sau khi nghỉ hưu, ông trở tham gia công tác tại địa phương và giữ cương vị Phó chủ tịch phường 1, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh từ 1982 – 1990. Năm 1993 ông đề xuất và được trên đồng ý thành lập CLB Cựu quân nhân Bộ đội Biên phòng với 1.000 hội viên tham gia do ông làm chủ nhiệm. Từ đó đến nay đã hơn 10 năm, CLB hoạt động mạnh và hiệu quả ở khắp 9 huyện thị trong tỉnh. Ông được Công an tỉnh tặng nhiều giấy khen về thành tích tham gia công tác ANTT và phong trào quần chúng bảo vệ  ANTQ ở địa phương.

Giữ vững ngọn cờ non sông

Từng công tác ở giới tuyến những năm 1973 – 1975, thời điểm đất nước đang ở vào thời kỳ căng thẳng nhất, tổng tấn công giành thắng lợi cuối cùng, ông Phan Văn Suối, chiến sĩ Công an vũ trang Đồn Hiền Lương cảm thấy xúc động trước những hình ảnh đồng bào ta ở hai miền đoàn tụ trong ngày đất nước thống nhất 30/4/1975.

Những năm đất nước chia cắt, lá cờ đỏ sao vàng luôn phấp phới tung bay trên cột cờ giới tuyến. Nhân dân thấy lá cờ tung bay trong mưa bom, bão đạn cũng vững tin hơn. Dù địch ra sức đánh phá, cột cờ bị gãy, lá cờ bị rách nhưng ngày hôm sau lại có cột cờ khác cao hơn, và lá cờ khác thay thế. Những cuộc đấu cờ giữa 2 bên diễn ra trong suốt thời gian dài, rồi hình ảnh mẹ Diệm, mẹ Viễn may cờ thâu đêm…là những minh chứng sống động, thể hiện quyết tâm đánh thắng kẻ thù xâm lược, thống nhất non sống của quân và dân ta.   

Được đơn vị giao nhiệm vụ bảo vệ lá cờ Tổ quốc, buổi sáng ông Suối treo cờ lên rồi tối đến hạ cờ xuống để bảo vệ. Mỗi lần làm nhiệm vụ, ông nâng niu lá cờ Tổ quốc hơn cả mạng sống của chính mình, cẩn thận trong từng cử chỉ. Bởi theo ông, lá cờ Tổ quốc là biểu tượng của đất nước.

Thời gia công tác ở Đồn Hiền Lương, đối với ông Suối là một niềm tự hào lớn lao chưa bao giờ quên
Thời gia công tác ở Đồn Hiền Lương, đối với ông Suối là một niềm tự hào lớn lao chưa bao giờ quên

Ông Suối kể lại: “Lúc đó, cột cờ cao đến 38 m, lá cờ rất lớn nên việc tháo lắp cờ cũng gặp nhiều khó khăn. Gặp những lúc gió to, nếu kéo cờ lên bằng dây thì lá cờ rất dễ vướng vào cột và bị rách. Những lúc như vậy chỉ còn cách trèo lên đỉnh cột cờ rồi cận thận treo cờ. Phía trên cột có đặt một chiếc hòm sắt, khi tháo cờ xong, tôi xếp lại lá cờ thật cẩn thẩn rồi đặt vào trong hòm. Ngày hôm sau lại leo lên, mở ra rồi treo cờ lên. Lá cờ là linh hồn của đất nước nên mọi thao tác phải nhẹ nhàng, dứt khoát. Trong thời điểm đó, vải dùng để may cờ rất hiếm nên càng cẩn thận càng tốt để lá cờ được lâu bền hơn”.

Thời gia công tác ở Đồn Hiền Lương, đối với ông Suối là một niềm tự hào lớn lao. Sau 21 năm trời ly biệt, đồng bào ta được đi lại tự do trên cây cầu Hiền Lương lịch sử, không còn ranh giới của sự chia cắt. Người dân 2 miền gặp nhau trong sự mừng rỡ rồi ôm nhau khóc nức. Rồi còn biết bao hình ảnh cảm động mà ông Suối được chứng kiến tận mắt. Hình ảnh mẹ gặp lại con, chồng gặp lại vợ, người thân gặp lại nhau sau bao năm trời chia ly.

Nhân dân 2 miền hân hoan trong ngày thống nhất (Ảnh Tư liệu)
Nhân dân 2 miền hân hoan trong ngày thống nhất (Ảnh Tư liệu)

Chính nơi đây, ông đã gặp người yêu cũ của mình sau bao năm tháng mỏi mòn chờ đợi. Vợ ông hiện tại là bà Trương Thị Đức (hồi đó công tác ở phía Nam), còn ông công tác ở vĩ tuyến 17. Hai người gặp lại nhau trong sự vui mừng khôn xiết. Được đơn vị cho phép, một đám cưới đơn giản được tổ chức ngay trên vùng giới tuyến.

Đến bây giờ nhớ lại, những kỷ niệm về ngày thống nhất, những cảm xúc đặc biệt ấy vẫn chưa thể phai trong tâm trí ông Suối. 

Đăng Đức