1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Ký ức kinh hoàng của người đàn ông “đẩy" vợ con qua tường rào chạy lũ

Hoàng Lam

(Dân trí) - Lũ lên nhanh, ngập nửa nhà, anh Thắng vội ôm hai đứa con chạy ra phía sau, đẩy qua tường rào nhờ hàng xóm. Một mình không thể xoay xở, anh đành bất lực nhìn dòng nước cuốn sạch đồ đạc trong nhà.

Nhiều địa phương tại Nghệ An vẫn bị nước lũ bao vây, chia cắt

Thời điểm chúng tôi có mặt, lũ đã rút nhưng ngấn nước vẫn in hằn rõ trên những ngôi nhà nằm bên dòng sông Giăng (xã Hạnh Lâm, Thanh Chương, Nghệ An). Dòng sông vẫn chảy cuồn cuộn, đục ngầu. Trên các tường rào, bụi cây, rác rưởi theo dòng lũ đổ về mắc kẹt, phất phơ, xơ xác. Không ai để ý đến chúng bởi người dân ở đây còn đang tất bật dọn dẹp, khắc phục hậu quả của cơn lũ dữ.

Ký ức kinh hoàng của người đàn ông “đẩy vợ con qua tường rào chạy lũ - 1
Nhiều địa phương ở huyện Thanh Chương (Nghệ An) vẫn bị chia cắt do ngập lụt.

Ông Trần Duy Tuấn - xóm trưởng xóm 7, xã Hạnh Lâm cho biết: “Nước lũ bắt đầu đổ về từ chập tối rồi lên rất nhanh khiến người dân, đặc biệt là các hộ dân ở ngoài bờ sông không kịp trở tay. Có 9 hộ dân bị ngập hoàn toàn từ 1,5-2m, hơn 20 hộ bị ngập sâu phải di dời đến nơi khác. Rất may không có thiệt hại về người nhưng nhiều gia đình mất trắng tài sản tích góp nhiều năm trong cơn lũ này”.

Ký ức kinh hoàng của người đàn ông “đẩy vợ con qua tường rào chạy lũ - 2
Ngày 1/11, một số xóm tại xã Ngọc Sơn (Thanh Chương, Nghệ An) vẫn bị ngập sâu 2-3m.

Lũ đã rút nhưng anh Thái Doãn Thắng cũng không buồn hạ chiếc xe máy treo lơ lửng trên xà nhà từ ngày 30/10 xuống vì thực ra việc treo xe lên cũng chỉ là biện pháp “tinh thần” để giữ tài sản, nó đã bị ngâm nước suốt đêm, giờ hạ xuống cũng chưa thể sử dụng ngay được. Toàn bộ quần áo, đồ đạc có giá trị trong nhà đã bị dòng lũ nhấn chìm, anh chỉ còn độc cái áo khoác ấm, khoác vội vào người khi có nhiều đoàn cứu trợ ghé vào khảo sát để hỗ trợ.

Ký ức kinh hoàng của người đàn ông “đẩy vợ con qua tường rào chạy lũ - 3

Anh Thái Doãn Thắng bên chiếc xe máy treo cao chưa hạ xuống sau khi lũ rút.

Khuôn mặt thất thần trong ngôi nhà ngổn ngang sau lũ, anh Thắng kể: “Ngày 30/10 mưa lớn suốt ngày, đến 7h tối thì nước từ sông bắt đầu dâng lên đường. Tôi không nghĩ lũ dâng nhanh như thế, vì nhà mình cao hơn đường đến 2m. Kéo xe máy, ti vi, tủ lạnh... lên bàn, lên giường, nghĩ như thế là yên tâm rồi.

Ký ức kinh hoàng của người đàn ông “đẩy vợ con qua tường rào chạy lũ - 4

Nhà anh Thắng ngập sâu trong lũ khiến toàn bộ đồ dùng, tài sản bị hư hỏng.

Không ngờ nước dâng nhanh quá, chỉ trong vòng 1 tiếng, nước tràn vào nhà, dâng theo từng phút. Đồ đạc bắt đầu trôi, tôi gác cái bàn lên trên tủ, cho hai con đứng trên đó, hai vợ chồng cố gắng xúc lúa, ngô để kê cao hơn. Nước ngập đến bắp chân, đến đùi, đến ngực. Hai đứa con nhỏ sợ hãi, hét lên.

Ký ức kinh hoàng của người đàn ông “đẩy vợ con qua tường rào chạy lũ - 5
Sau lũ, nhiều gia đình không đủ quần áo để mặc do bị nhấn chìm trong nước bùn.

Lúc này đường phía trước cửa ngập sâu lắm rồi, không có thuyền bè để di chuyển, tôi ôm hai đứa chạy vội ra sau nhà, đẩy qua bờ tường nhờ hàng xóm đón rồi chạy về dìu vợ đi sơ tán”.

Dù đã chuẩn bị sẵn thang để phòng trường hợp nguy cấp, vận chuyển lúa gạo, gia cầm... lên gác mái nhưng một mình anh Thắng không thể xoay xở được trong cơn lũ dữ. Người đàn ông đành bất lực nhìn tài sản tích góp cả đời trôi theo dòng nước hay bị ngâm trong lũ.

Ký ức kinh hoàng của người đàn ông “đẩy vợ con qua tường rào chạy lũ - 6
Bộ đội biên phòng vận chuyển chất đốt cho người dân ở bản Chuyền (xã Hạnh Lâm, Thanh Chương) hiện đang bị chia cắt. Cơn lũ lên nhanh, nước chảy xiết đã cuốn trôi chiếc cầu tạm - con đường duy nhất vào xóm.

Sáng nay, nhờ hàng xóm giúp đỡ, anh Thắng mới tìm được một số cây gỗ hôm trước mua về định sửa căn nhà ngang. Lũ rút, hai vợ chồng bắt tay vào dọn dẹp nhưng cũng không biết bắt đầu từ đâu. Chị Nguyễn Thị Nga - vợ anh xúc được một ít ngô đã nảy mầm ra phơi để làm thức ăn dự trữ cho gia súc, gia cầm trong thời gian tới. Đống quần áo, chăn màn ướt sũng, lấm lem bùn đành để đó bởi sau đêm chạy lũ, người phụ nữ ốm yếu này cũng không còn sức để giặt giũ.

Ký ức kinh hoàng của người đàn ông “đẩy vợ con qua tường rào chạy lũ - 7
Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Nghệ An trao gạo, nhu yếu phẩm đến người dân bị thiệt hại do cơn lũ gây ra tại huyện Thanh Chương.

Vợ chồng ông Thái Doãn Nhã, bà Nguyễn Thị Ngọ đã cao tuổi, con cái lại ở xa. Cơn lũ lên quá nhanh, xóm cắt cử lực lượng dân quân đến nhà sơ tán ông bà đến nhà khác ở phía trong cao hơn để tránh lũ. “Ti vi, tủ lạnh, nồi cơm điện hư hỏng hết rồi con ơi. Gần 100 con gà bà nuôi sắp bán thì lũ vào, chuồng ngập nước, chết sạch...”, bà Ngọ rơm rớm nước mắt.

Ký ức kinh hoàng của người đàn ông “đẩy vợ con qua tường rào chạy lũ - 8
Vận chuyển nước sạch vào cứu trợ các hộ dân đang bị cô lập tại xã Ngọc Sơn.

Đến ngày 2/11, tức là đã ngày thứ 4 kể từ khi cơn lũ đột ngột đổ về, nhấn chìm nhiều làng mạc ở huyện Thanh Chương, công tác khắc phục, dọn dẹp đang được triển khai. Tuy nhiên, thời điểm này, nhiều nơi vẫn đang bị ngập lụt hoặc chia cắt.

Tại xã Ngọc Sơn (huyện Thanh Chương) hiện vẫn đang có 3 xóm với hơn 1.000 hộ dân bị cô lập, chia cắt bởi nước lũ. Tình trạng mất điện, thiếu nước sạch, lương thực, thực phẩm diễn ra khiến cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn.

Ký ức kinh hoàng của người đàn ông “đẩy vợ con qua tường rào chạy lũ - 9
Người dân xóm Nho Phong, xã Thanh Nho (Thanh Chương) nhận nhu yếu phẩm từ các tổ chức cứu trợ.

Phải mất 30 phút đi thuyền máy từ trung tâm xã, băng qua biển nước mênh mông không phân biệt được đâu là sông, đâu là đồng, chúng tôi mới đến được xóm Lam Thắng (xã Ngọc Sơn). Toàn xóm có gần 500 hộ dân, bị chia cắt hoàn toàn với bên ngoài.

Ký ức kinh hoàng của người đàn ông “đẩy vợ con qua tường rào chạy lũ - 10
Lũ lên nhanh, vợ chồng bà Ngọ được dân quân địa phương di dời đến nơi an toàn, toàn bộ tài sản, gà vịt bị nhấn chìm, hư hỏng.

Bà Lê Thị Ngọc (xóm Lam Thắng) cho biết: “Mưa lớn, ngập lụt nên rau màu hư hỏng hết, điện mất 3 ngày nay, nghe bảo phải 7 ngày nữa nếu nước rút mới có thể đóng điện trở lại. Không có điện, nhiều nhà không còn còn gạo, mắm, muối, nước sạch... tất cả phải nhờ bên ngoài tiếp tế vào nhưng cũng rất khó. Một số hộ dân thuê thuyền ra ngoài mượn hoặc thuê máy phát vào để xay lúa, sạc đèn pin. Người lớn còn đỡ chứ bọn trẻ con còn phải đi học mà nước thì mênh mông thế này, không biết bao giờ mới rút”.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm