“Ký ức Gạc Ma vẫn luôn ám ảnh tôi!”
(Dân trí) - “Đối với tôi, trận hải chiến Gạc Ma ngày 14/3/1988 như một cuộc thảm sát kinh hoàng, hàng loạt anh em chiến sĩ, đồng đội hy sinh, chìm cùng tàu, mất tích... Ký ức này vẫn mãi ám ảnh tôi, nhiều khi đang ngủ tôi vẫn giật mình ngỡ rằng mình đang lênh đênh trên biển trong trận chiến bảo vệ chủ quyền thiêng liêng ấy”.
Đã 29 năm trôi qua sau cuộc hải chiến Gạc Ma (14/3/1988 – 14/3/2017), nhưng những ký ức về trận chiến ấy vẫn còn nguyên trong tâm trí của thầy giáo Nguyễn Duy Dương (SN 1964), trú tại phường Hạ Long, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định - một trong những cựu binh sống sót trở về từ tàu HQ 604 vào ngày 14/3/1988.
Sinh ra và lớn lên tại xã Nam Giang (Nam Trực, Nam Định), khi vừa mới tốt nghiệp THPT, chàng trai trẻ Nguyễn Duy Dương đã tự nguyện nhập ngũ, đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Tháng 2/1982, anh được phân công vào Lữ đoàn 146 Quân chủng Hải quân.
Ký ức về trận hải chiến Gạc Ma khốc liệt của 29 năm trước (14/3/1988 – 14/3/2017) vẫn còn rõ nét trong tâm trí của anh Dương. Vào cuối năm 1987, tình hình ở vùng biển Trường Sa trở nên căng thẳng khi Trung Quốc đơn phương đưa tàu chiến ra hoạt động tại đây.
Ngày 26 tháng chạp năm 1987, anh Dương được phân công lên tàu HQ-505 nhận lệnh vận chuyển vật tư ra Trường Sa, sau đó là đảo Đá Lớn để xây dựng và cắm cột mốc chủ quyền. Ngày 14/2/1988, tại vùng biển Trường Sa xuất hiện 3 tàu chiến của Trung Quốc lăm le lên chiếm đảo chìm Đá Lớn.
Đúng 1h30 sáng ngày 15/2/1988, khi tàu HQ-701 do biên đội trưởng Nguyễn Văn Tân và thuyền trưởng Hà Văn Thái chỉ huy (đang làm nhiệm vụ đưa hàng Tết ra đảo Nam Yết thì được lệnh neo cạnh Đá Lớn từ 6/2/1988) đã được lệnh lao lên đảo Đá Lớn. Chiếc tàu bị hỏng và trở thành chiếc lô cốt, bia chủ quyền trên đảo Đá Lớn.
Đầu tháng 3/1988, phía Trung Quốc huy động lực lượng của 2 hạm đội xuống khu vực Trường Sa, gồm 1 tàu khu trục tên lửa, 7 tàu hộ vệ tên lửa, 2 tàu hộ vệ pháo, 2 tàu đổ bộ, 3 tàu vận tải hỗ trợ LSM, tàu đo đạc, tàu kéo và 1 pông tông lớn. Dự đoán đối phương sẽ chiếm các đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao, Bộ Tư lệnh Hải quân chỉ đạo các tàu của Lữ đoàn vận tải 125 mang theo một số phân đội của Trung đoàn Công binh 83 và Lữ đoàn 146 nhanh chóng đến các đảo này.
Ngày 12/3/1988, tàu HQ-505 tiếp tục được giao nhiệm vụ chuyển các thiết bị và công binh ra xây dựng trên đảo Cô Lin cùng với HQ-604 (xây dựng đảo Gạc Ma) và HQ-605 (xây dựng đảo Len Đao). Đây là 3 hòn đảo nằm trong nhóm đảo Sinh Tồn, thuộc Quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Tàu HQ-605 nhận lệnh từ đảo Đá Đông đến đóng giữ đảo Len Đao trước 6h sáng ngày 14/3/1988. Sau 29 tiếng hành quân, tàu đến đảo Len Đao lúc 5h ngày 14/3/1988, cắm cờ Việt Nam trên đảo. Đến 9h ngày 13/3/1988, tàu HQ-604 và tàu HQ-505 được lệnh từ đảo Đá Lớn tiến về phía Gạc Ma, Cô Lin. Khoảng 17h ngày 13/3/1988, tàu Trung Quốc áp sát uy hiếp các tàu HQ-604, 505 của ta. Phía Trung Quốc dùng loa gọi mật danh các tàu HQ-505, HQ-604, HQ-605 là K1, K2, K3 và yêu cầu 3 tàu của ta rời đảo, tuyên bố đây là đảo thuộc chủ quyền của chúng.
Anh Dương chụp ảnh lưu niệm cùng Chuẩn Đô đốc Đăng Minh Hải trong Hội thảo về biển đảo do Bộ tư lệnh Hải quân và tỉnh đoàn Nam Định tổ chức.
Trước yêu cầu vô lý của Trung Quốc, chỉ huy Lữ đoàn và chỉ huy Quân chủng đã đưa ra những mệnh lệnh quyết đoán, tiếp tục cho anh em chiến sĩ công binh của lữ đoàn 131 lên đảo Gạc Ma cắm mốc chủ quyền. Đêm 13/3/1988, quân ta bí mật đổ bộ, cắm cờ Việt Nam trên đảo Gạc Ma. Sáng 14/3/1988, từ tàu HQ-604 đang thả neo tại Gạc Ma, Trung tá Trần Đức Thông, Lữ đoàn phó Lữ đoàn 146 (vùng 4 Hải quân) phát hiện 4 tàu lớn của Trung Quốc đang tiến lại gần vì thế một tổ 3 người được cử lên đảo Gạc Ma bảo vệ Quốc kỳ.
Hải quân Trung Quốc thả 3 thuyền nhôm và 40 quân đổ bộ lên đảo. Lực lượng áp đảo nhưng không cướp được cờ trong tay những người chiến sĩ Việt Nam kiên cường, nên chúng đã nổ súng vào Thiếu úy Trần Văn Phương và chiến sĩ Nguyễn Văn Tư, dùng mũi lê đâm Hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh. Thiếu úy Trần Văn Phương và chiến sĩ Nguyễn Văn Tư hy sinh anh dũng.
Trước tình hình nguy cấp, hàng chục chiến sĩ trên tàu HQ-604 đã lao xuống biển bơi vào đảo theo lời kêu gọi của Trung tá Trần Đức Thông, tiếp tục xây lưng với nhau, quây thành một vòng tròn để bảo vệ lá cờ thấm máu đồng đội.
Sau khi xảy ra xô xát trên đảo, tàu của Trung Quốc lùi cách tàu của chúng ta gần 1 hải lý, sau đó dùng pháo 105 ly bắn vào tàu HQ-604, khiến tàu bị cháy, thủng nhiều lỗ và chìm dần xuống biển.
Ở hướng đảo Len Đao, lúc 8h20 ngày 14/3/1988, tàu Trung Quốc bắn vào tàu HQ-605. Tàu 605 bị bốc cháy và chìm, thủy thủ trên tàu bơi về đảo Sinh Tồn an toàn. Thời điểm xảy ra trận chiến, anh Nguyễn Duy Dương đang ở trên tàu HQ-604 để gặp một người bạn cũ, nên khi tàu 604 bị tàu Trung Quốc bắn chìm, anh cùng với những chiến sĩ khác trên tàu rơi xuống biển.
Khi Trung Quốc dùng móc câu bắt giữ các chiến sĩ của ta, anh Dương chỉ bị 2 móc vào lưng và đầu, thoát khỏi sự bắt giữ của Trung Quốc. Sau đó anh cố gắng gượng, dùng hết sức mình bơi vào đảo và được các chiến sĩ kéo đưa lên xuồng nhôm rồi chèo xuồng về đảo Cô Lin, đưa về tàu HQ-505. Phát hiện tàu HQ-505 cơ động lên bãi, tàu chiến Trung Quốc quay sang tấn công dữ dội. Bất chấp hiểm nguy, tàu HQ-505 đã chạy hết tốc độ, trườn lên được 2/3 thân tàu thì bốc cháy. Tàu HQ-505 đã trở thành cột mốc chủ quyền bảo vệ Cô Lin.
Đến cuối ngày, xuồng cứu sinh đã vớt được tổng cộng 44 người gồm cả những chiến sĩ và thủy thủ đã hy sinh của tàu HQ-604. Đêm hôm đó, tất cả các chiến sĩ của tàu HQ-505 lại thức trắng để sẵn sàng chiến đấu. Ngày hôm sau, khi mọi liên lạc với sở chỉ huy đã trở lại bình thường, HQ-505 nhận được sự tiếp cứu từ đất liền. Trong trận hải chiến Gạc Ma, chúng ta mất 3 tàu, 64 sĩ quan và chiến sĩ trên tàu HQ-604 hy sinh hoặc mất tích, 11 người bị thương trong đó 9 người bị Trung Quốc bắt giữ làm tù nhân.
“Đối với tôi, trận hải chiến Gạc Ma như là một cuộc thảm sát kinh hoàng, hàng loạt anh em chiến sĩ, đồng đội, bị chìm cùng tàu, mất tích. Ký ức này vẫn mãi ám ảnh tôi, nhiều khi đang ngủ tôi vẫn giật mình ngỡ rằng mình đang lênh đênh trên biển và trận chiến ấy vẫn đang diễn ra”.
Ngày 16/7/1989, từ Gạc Ma anh Dương xuất ngũ trở về quê hương tại Nam Định. Để trang trải cuộc sống, anh Dương làm rất nhiều công việc khác nhau… bên cạnh đó còn tranh thủ thời gian ôn thi đại học và đỗ vào khoa Ngữ Văn, trường Đại học Sư phạm I (Hà Nội) năm 1990.
Năm 1994, sau khi tốt nghiệp, anh Dương đã về dạy học tại trường THPT Nam Giang (Nam Trực, Nam Định). Đến năm 2005 anh chuyển đến trường THPT Ngô Quyền, thành phố Nam Định giảng dạy.
Anh Dương chia sẻ: “Mặc dù xa Trường Sa, xa đồng chí, xa đơn vị nhưng lúc nào tôi cũng nhớ về những năm tháng ấy. Khi là sinh viên tôi, tôi đã được giao làm chủ nhiệm CLB thơ của trường. Tại những đêm thơ do các khoa tổ chức, tôi đã viết những bài thơ về Trường Sa, chia sẻ kỉ niệm đó lại cho các bạn sinh viên cùng khóa, cùng khoa trong trường.
Khi đã trở thành thầy giáo, đứng lớp giảng dạy, tôi thường lồng ghép chủ đề về chủ quyền biển đảo vào môn dạy của mình để giúp các em học sinh có thể nâng cao ý thức công dân bảo vệ Tổ quốc, nhất là vai trò của biển đảo trong an ninh quốc gia trong thời điểm như hiện nay.
Và cứ đến ngày 14/3 hàng năm, ở những lớp tôi đứng lớp, tôi đều đề nghị các em dành một phút mặc niệm đối với những người lính Gạc Ma đã hy sinh. Năm 2016, ngày 14/3 đúng vào ngày thứ Hai, khi chào cờ, Ban Giám hiệu Nhà trường đã quyết định toàn trường dành một phút mặc niệm những chiến sĩ Gạc Ma”.
Đức Văn